Tin tức

Quy định phòng chống dịch của các địa phương thế nào sau Nghị quyết 128 của Chính phủ?

Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về việc hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", nhiều tỉnh, thành phố đã ra quy định mới về phòng chống dịch.

15/10/2021 14:22

Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch Covid-19”. Toàn quốc tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19 và nhiều hoạt động, cơ sở kinh doanh được mở cửa dù có dịch.

Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới những chưa bỏ chốt kiểm soát cửa ngõ

Chiều 13/10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 21/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới.

Theo đó, từ 6h ngày 14/10, các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường. Xe buýt, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn, đảm bảo các quy định của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế và các quy định phòng, chống dịch.

Quy định phòng chống dịch của các địa phương thế nào sau Nghị quyết 128 của Chính phủ? - Ảnh 1.

Các dịch vụ ăn uống tại Hà Nội được phục vụ tại chỗ.

Các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.

Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 02 mũi vaccine phòng Covid19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong sáng nay, một số chốt kiểm soát cửa ngõ vào Thủ đô đã dừng hoạt động kiểm soát, chỉ duy trì để hỗ trợ người dân khi cần. Theo thông tin, Hà Nội sẽ sớm dỡ bỏ 22 chốt cửa ngõ được thành lập để kiểm soát kể từ khi bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16.

Hải Phòng, Quảng Ninh không yêu cầu người vào tỉnh phải xét nghiệm Covid-19

UBND TP Hải Phòng cũng đã ban hành văn bản số 7748/UBND-VX về việc điều chỉnh một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ 0h ngày 13/10, người vào thành phố Hải Phòng không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.

Thành phố Hải Phòng cũng điều chỉnh cách ly y tế đối với người từ các địa phương khác về thành phố theo 3 nhóm. Nhóm 1 là người ở các tỉnh, thành phố, khu vực có nguy cơ rất cao (tương ứng với màu đỏ và màu cam trên bảng phân vùng dịch của Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế). Trong nhóm 1, những trường hợp người già yếu, bệnh lý nặng, trẻ nhỏ cần có người chăm sóc, áp dụng cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày về hoặc đến địa phương, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7 và thứ 14.

Nhóm 2 là những người trở về từ các địa phương ở các vùng nguy cơ cao.

Nhóm 3 là những người trở về từ các địa phương ở các vùng nguy cơ.

Các nhóm này sẽ thực hiện cách ly y tế tại nhà hoặc giám sát y tế, đồng thời phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Hải Phòng còn đưa ra các quy định về phòng chống dịch Covid-19 đối với nhóm thuyền viên nhập cảnh.

UBND thành phố Hải Phòng cho phép mở lại một số hoạt động kinh doanh dịch vụ gồm: các quán game, dịch vụ internet, trò chơi điện tử, các dịch vụ ăn uống trên hè phố được mở bán hàng tại chỗ từ 5-22h hàng ngày.

Đối với hoạt động của các xe container, xe vận tải hàng hóa, lái xe và phụ xe phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19, đồng thời phải thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch.

Còn tại Quảng Ninh, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản thực hiện quyết định mới nhất của Bộ Y tế từ 11h ngày 14/10/2021. Theo đó không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Trong khi đó, tỉnh Hải Dương vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể về các quy định phòng chống dịch mới sau Nghị quyết 128 của Chính phủ

Phú Thọ tiếp  tục duy trì các chốt kiểm soát tại cửa ngõ

UBND tỉnh Phú Thọ cho biết tiếp tục duy trì hoạt động 10 chốt kiểm soát dịch Covid-19 của tỉnh, từ chốt số 1 đến chốt số 10.

Quy định phòng chống dịch của các địa phương thế nào sau Nghị quyết 128 của Chính phủ? - Ảnh 2.

Phú Thọ vẫn duy trì các chốt kiểm soát dịch. (Ảnh minh họa).

Điều kiện khi qua các chốt kiểm soát dịch:

Đối với người đến/trở về từ các vùng có mức độ nguy cơ thấp - cấp độ 1 (màu xanh) và nguy cơ trung bình - cấp độ 2 (màu vàng): Thực hiện khai báo y tế.

Đối với người đến/trở về từ các vùng có mức độ nguy cơ cao - cấp độ 3 (màu da cam) và nguy cơ rất cao - cấp độ 4 (màu đỏ): Thực hiện khai báo y tế và phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong thời hạn 72 giờ.

Trong trường hợp người qua chốt có các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng nghi ngờ, phải được thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại chốt kiểm soát dịch, kể cả khi đã có Giấy xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ.

Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch đối với người đến/trở về từ các vùng nguy cơ, tất cả các trường hợp vào tỉnh phải thực hiện khai báo y tế tại các chốt kiểm soát dịch và địa phương nơi đến/lưu trú.

Trường hợp đến/trở về từ địa phương cấp độ 4:  Đối với người đã tiêm đủ 2 liều vaccine, tự thực hiện theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi cư trú trong 7 ngày; thực hiện xét nghiệm 2 lần bằng test nhanh hoặc RT-PCR; cơ quan y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm và thu phí tại nhà, nơi lưu trú. Tuân thủ quy định 5K trong suốt quá trình tự theo dõi sức khỏe.

Đối với người tiêm 1 liều vaccine: Áp dụng cách ly tại nhà, nơi cư trú trong 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, thực hiện xét nghiệm 2 lần bằng test nhanh hoặc RT-PCR, cơ quan y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm và thu phí tại nhà, nơi lưu trú. Tuân thủ quy định 5K trong suốt quá trình cách ly, tự theo dõi sức khỏe.

Đối với người chưa tiêm vaccine, áp dụng cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung cấp huyện quản lý trong vòng 14 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo, thực hiện xét nghiệm 3 lần bằng RT-PCR. Chi phí cách ly tập trung, xét nghiệm do người cách ly chi trả.

Trường hợp đến/trở về địa phương cấp độ 3: Đối với người đã tiêm đủ 2 liều vaccine: Tự thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày đến/ trở về, thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ. Luôn tuân thủ quy định 5K và hạn chế tối đa tiếp xúc.

Đối với người chưa tiêm hoặc tiêm 1 liều vaccine: Áp dụng cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo, thực hiện xét nghiệm 2 lần bằng test nhanh hoặc RT-PCR, cơ quan y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm và thu phí tại nhà. Tuân thủ quy định 5K trong suốt quá trình cách ly, tự theo dõi sức khỏe.

Trường hợp đến/trở về từ địa phương cấp độ 1 và 2: Không phải cách ly y tế, luôn thực hiện 5K, thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ.

Đối với phương tiện giao thông “luồng xanh”: Thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam và hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ.

Đối với người mới hoàn thành cách ly y tế tập trung tại các địa phương khác trở về lưu trú tại địa bàn tỉnh: Tiếp tục cách ly tại nhà/ nơi lưu trú 14 ngày, thực hiện xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR 1 lần vào ngày thứ 14.

Ngày 14/10, UBND tỉnh Nam Định đồng ý tổ chức hoạt động thí điểm các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng xe ô tô đến hết ngày 20/10/2021. Kế hoạch cụ thể trên cơ sở đề xuất của Sở Giao thông vận tải và sự phối hợp thống nhất với các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

UBND tỉnh Sơn La đã ban hành công văn cho phép thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ Sơn La đi các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Thái Bình, Lai Châu, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn và ngược lại. Thời gian áp dụng thí điểm từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10.

Đối với vận tải hành khách trong phạm vi nội tỉnh cho, phép các phương tiện vận tải hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa) được hoạt động với 100% số chuyến theo biểu đồ chạy xe, 100% phương tiện hiện có và 100% số người theo thiết kế của phương tiện.

Riêng đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng, hoạt động trong phạm vi nội tỉnh trên địa bàn huyện Phù Yên phải thực hiện giãn cách chỗ ngồi trên phương tiện. Đối với xe ghế ngồi không được chở quá 50% số người cho phép theo thiết kế và không quá 20 người trên phương tiện trong một thời điểm bao gồm cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm. Thời gian áp dụng kể từ ngày 13/10 cho đến khi có thông báo mới.

Tương tự, UBND tỉnh Lai Châu cũng đã có quyết định mở thí điểm hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải. Theo đó, tỉnh Lai Châu tổ chức cho các doanh nghiệp vận tải chạy từ ngày 13/10 đến hết 20/10, với các tuyến từ Lai Châu đi các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Thái Nguyên.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch thành phố Đà Nẵng và tất cả các quận huyện đều thống nhất đánh giá thành phố đang ở Cấp độ 2 nguy cơ dịch bệnh. Hiện thành phố chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.”. Theo đó, Đà Nẵng dự kiến từ 0 giờ ngày 16/10/2021, thành phố gần như mở hết tất cả các hoạt động, chỉ tiếp tục dừng các hoạt động cơ sở kinh doanh làm đẹp, dịch vụ tiếp xúc gần như vũ trường, karaoke, massage.

Đáng chú ý là cho phép phục vụ ăn uống tại chỗ nhưng không quá 50% công suất của cơ sở. Các phòng tập Gym, Yoga, bida cũng được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các cơ sở muốn hoạt động trở lại đều phải có thiết bị quét mã QR, có phương án phòng chống dịch. Người dân tham gia các hoạt động phải tuân thủ 5K và các biện pháp phòng chống dịch.

Từ 7 giờ ngày 15/10, người dân vào tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ cần khai báo y tế trực tuyến tại các chốt kiểm soát, không cần sự phê duyệt của chính quyền địa phương.

Trường hợp không khai báo được, lực lượng tình nguyện tại chốt sẽ hỗ trợ. Nếu công dân không có điện thoại thông minh, cán bộ trực chốt sẽ tạo mã QR để quét tại các điểm đến trên địa bàn tỉnh. Người dân sẽ quét mã QR tại các máy quét ở các chốt. Nhân viên y tế phụ trách sẽ xác nhận bằng cách kiểm tra kết quả trên màn hình, xác định cấp độ vùng dịch của người về theo 4 cấp độ của Bộ Y tế và lựa chọn hình thức cách ly, giám sát, theo dõi. Thời gian qua, người dân ở các tỉnh, thành phố muốn vào địa bàn Thừa Thiên Huế phải khai báo, đăng ký trước qua hệ thống Huế S và phải được chính quyền địa phương phê duyệt mới được vào địa phương./.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận