Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 10-11 năm tù
VKSND nhận định ông Thăng đã giới thiệu Út "Trọc" tiếp cận có chủ đích ngay từ khâu đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương, giúp Hệ có điều kiện gian dối, chiếm đoạt tài sản.
Kiểm sát viên nhận định dự án cao tốc TP.HCM -Trung Lương là một trong những công trình thực hiện chủ trương xây dựng công trình giao thông trọng điểm của Nhà nước. Quá trình thực hiện dự án, một bộ phận cán bộ trong cơ quan Nhà nước đã lợi dụng vị trí công tác trong việc phân công nhiệm vụ để gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước.
Theo VKSND TP.HCM, dự án này hình thành từ vốn ngân sách Nhà nước. Vì vậy bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước. Ông Đinh La Thăng được Bộ GTVT giao tổ chức xây dựng đề án bán quyền thu phí. Tuy nhiên, do mối quan hệ từ trước, ông Thăng đã giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tham gia đấu giá để làm thiệt hại tài sản của Nhà nước.
Với cương vị là Bộ trưởng GTVT, được Nhà nước giao quản lý xây dựng quyền thu phí cao tốc, bị cáo nhận thức rõ là tài sản Nhà nước cần tìm đối tác để tối ưu hóa quyền thu phí để thu lại tài sản cho Nhà nước đã bỏ ra đầu tư. Tuy nhiên, sau khi có đề án, ông Thăng đã giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp cận có chủ đích ngay từ khâu đấu giá bán quyền thu phí, để Hệ có điều kiện gian dối, chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan tố tụng nhận định ông Đinh La Thăng đã dùng chức vụ của mình gây áp lực để cán bộ dưới quyền tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ trúng thầu dự án. VKS cho rằng ông Thăng không chỉ dừng lại ở hành vi tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá, mà khi phát hiện việc công ty của Út “Trọc” chậm thanh toán, ông Thăng cũng không chỉ đạo xử lý.
Tại tòa, cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng không thừa nhận đã giới thiệu và tác động để Hệ tham gia đấu giá mà giao cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trực tiếp chỉ đạo. Tuy nhiên, căn cứ hồ sơ vụ án, VKS cho biết có đủ cơ sở kết luận ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính, dẫn tới gây hậu quả thất thoát tài sản Nhà nước. Việc quy kết bị cáo về tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát tài sản Nhà nước là đúng người, đúng tội.
Xét quá trình công tác, ông Thăng có nhiều huy chương, bằng khen nên VKS đề nghị tòa giảm nhẹ một phần hình phạt. Cơ quan công tố đề nghị tuyên phạt ông Đinh La Thăng 10-11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và miễn hình phạt bổ sung với bị cáo.
Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị tù chung thân
Với bị cáo Nguyễn Hồng Trường, VKSND TP.HCM nhận định bị cáo là người chịu trách nhiệm xuyên suốt quá trình xây dựng đề án bán quyền thu phí. Là Thứ trưởng Bộ GTVT, bị cáo phải có trách nhiệm cùng với bị cáo Đinh La Thăng quản lý tài sản Nhà nước.
Tuy nhiên, vì nể nang, ông Nguyễn Hồng Trường đã có những quyết định trái pháp luật, dẫn tới hậu quả thiệt hại 725 tỷ đồng cho Nhà nước. Cựu thứ trưởng bị đề nghị mức án 6-7 năm tù.
Còn bị cáo Đinh Ngọc Hệ, tại cơ quan điều tra và tại tòa, bị cáo ngoan cố, phủ nhận việc chiếm đoạt tài sản. Nhưng dựa vào lời khai của các bị cáo tại tòa đã thể hiện động cơ, mục đích của Hệ khi chỉ đạo làm giả hồ sơ tài chính để tham gia đấu giá, chỉ đạo dùng phần mềm can thiệp vào hệ thống thu phí…
VKS nhận thấy có đủ cơ sở xác định bị cáo Hệ là chủ mưu chỉ đạo, thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt hơn 725 tỷ của Nhà nước. Việc truy tố bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng pháp luật.
Đinh Ngọc Hệ có tình tiết tăng nặng là dùng thủ đoạn tinh vi, không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Về nhân thân, Hệ đã lĩnh 12 năm tù trong 2 bản án nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
VKSND đề nghị tòa sơ thẩm tuyên Đinh Ngọc Hệ chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 13-14 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp hình phạt là chung thân.
Đối với các bị cáo còn lại, kiểm sát viên khẳng định việc truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội. Tại tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội. Do đó, VKS đề nghị HĐXX xem xét trong quá trình lượng hình.
Bị cáo Phạm Văn Diệt (giám đốc Công ty Đức Bình) và Tô Phước Hùng (Kế toán trưởng Công ty Yên Khánh) bị đề nghị 11-12 năm tù. Các bị cáo còn lại nhận mức án đề nghị 2-9 năm.
Về trách nhiệm dân sự, kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên Đinh Ngọc Hệ phải chịu trách nhiệm bồi thường hơn 725 tỷ chiếm đoạt từ tiền thu phí và 3,4 tỷ đã trục lợi khi mua biệt thự; tiếp tục duy trì lệnh kê biên, phong tỏa tài sản của Bộ Công an kê biên mang tên Đinh Ngọc Hệ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Tin nổi bật
Tin Video