Nhiều tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 "made in Vietnam"
(VOVTV) - Sáng 10/12, đã có rất đông tình nguyện viên tham gia đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 "made in Vietnam" tại Hà Nội. Vaccine Nanocovax là sản phẩm của Công ty Nanogen phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu phát triển.
Covid-19 là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính truyền nhiễm gây ra bởi chủng virus corona SARS-CoV-2. Bệnh được phát hiện lần đầu trong đại dịch Covid-19 năm 2019-2020. Hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua để phát triển vaccine có khả năng ngừa virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam, hiện có bốn nhà sản xuất vaccine phòng Covid-19 đang nỗ lực, tập trung các nguồn lực nghiên cứu, sản xuất, là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) và Công ty Công nghệ sinh học Dược NANOGEN.
Từ tháng 5/2020, Công ty Nanogen đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19. Đây là dự án theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học - Công nghệ. Vaccine Covid-19, có tên gọi Nanocovax, được phát triển theo công nghệ protein tái tổ hợp.
Đến ngày 17/12, một tuần sau khi tuyển người, Học viện Quân y sẽ tiêm mũi vaccine Nanocovax đầu tiên cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1. Trong giai đoạn này sẽ có 60 người tình nguyện khỏe mạnh từ 18 đến 50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm, bao gồm: Nhóm 1A với 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên; Nhóm 1B gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg và sau đó là nhóm 1C gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg.
Là đơn vị tiến hành thử nghiệm vaccine Covid-19, GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cam kết sẽ đặt tính an toàn của người tham gia lên cao nhất và là yếu tố hàng đầu khi thử nghiệm vaccine, không để tai biến xảy ra trong quá trình thử nghiệm. GS. Quyết cũng gửi lời cảm ơn tới người tình nguyện đã và sẽ đăng ký tham gia thử nghiệm vaccine này. Hiện Học viện Quân y đã chuẩn bị các điều kiện và yêu cầu cho cuộc thử nghiệm này.
Được biết, để đảm bảo tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 đối tượng tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần. Quy trình thu tuyển đối tượng tham gia vào giai đoạn 1 sẽ được bắt đầu với 3 người thuộc nhóm liều 25 mcg. Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá 72 giờ sau tiêm vaccine trên 3 người đầu tiên mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), theo quy trình thông thường, để cho ra đời một loại vaccine mới, đơn vị sản xuất bắt buộc phải trải qua rất nhiều giai đoạn, mất 7-12 năm. Trong trường hợp đại dịch và khẩn cấp, thời gian được rút ngắn nhưng cũng phải mất 12-14 tháng.
Công nghệ sản xuất vaccine của Nanogen đang làm dựa trên protein tái tổ hợp, sau đó can thiệp vào bộ gen để sản sinh ra kháng thể. Điều này khác hoàn toàn với việc dùng kháng thể (tức dùng virus bất hoạt hoặc virus sống). Do đó, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học đánh giá là rất an toàn, không có vấn đề gì.
Theo đại diện Nanogen, dự kiến, nếu mọi việc diễn ra tốt, thì khoảng 4 tháng nữa sẽ hoàn tất việc thử nghiệm lâm sàng vaccine. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ tính đến phương án đưa vào vaccine vào tiêm chủng đại trà. Ngoài ra, dựa trên công nghệ đang có, Nanogen có thể sản xuất lên tới 20 triệu liều vaccine trong một tháng.
Tin nổi bật
Tin Video