Nhanh chóng hoàn thiện 'chữ ký số' để triển khai cấp 'hộ chiếu vaccine'
(VOVTV) - Để người dân có thể đi lại thuận tiện hơn trong thời gian dịch COVID-19, Bộ Y tế mới đây đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân.
Cụ thể, Bộ Y tế nhận được công văn của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thử nghiệm ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Từ ngày 15/2-18/2, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đã làm việc với Bộ Thông tin và truyền thông, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) xem xét, đánh giá chức năng ký số. Kết luận là đến thời điểm hiện tại, chức năng chữ ký số của đơn vị cung cấp chưa đáp ứng được các yêu cầu đề ra, do vậy, chưa thể triển khai thử nghiệm chữ ký số như kế hoạch.
Trước đó, biểu mẫu và quy trình cấp "hộ chiếu vaccine" đã được Bộ Y tế ban hành tại quyết định 5772/QĐ-BYT (ngày 20/12/2021). Quy trình cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước.
Quy trình cấp gồm 3 bước: Bước thứ nhất, các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19 theo hướng dẫn tại các công văn của Bộ Y tế (Công văn 8938/BYT-DP ngày 21/10/2021 và Công văn 9438/BYT-CNTT ngày 5/11/2021).
Bước 2, các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành. Dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép (gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala - mỗi sản phẩm vaccine được gắn 1 mã code).
Bước cuối cùng, cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) quy định.
“Hộ chiếu vaccine" cần hiển thị 11 trường thông tin: Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vaccine; Sản phẩm vaccine; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận.
Đến nay, sau 2 tháng ban hành Quyết định 5772/QĐ-BYT, Bộ Y tế chưa thể cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân phục vụ đi lại, giao thương quốc tế. Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các hệ thống, đảm bảo cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Về việc cấp "hộ chiếu vaccine", Bộ Y tế có nêu một số yêu cầu. Cụ thể, chức năng ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 phải ký được cả dữ liệu định dạng JSON. JSON là viết tắt của JavaScript Object Notation, là một kiểu định dạng dữ liệu tuân theo một quy luật nhất định mà hầu hết các ngôn ngữ lập trình hiện nay đều có thể đọc được. JSON là một tiêu chuẩn mở để trao đổi dữ liệu trên web. Trong khi đó, hiện các chữ ký số mới ký được định dạng tệp pdf (pdf là một loại định dạng tập văn bản điện tử khá phổ biến).
Về quy trình ký số, Bộ Y tế cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định đơn vị ký tập trung (Sở Y tế hoặc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh) hoặc các cơ sở tiêm chủng ký tùy theo khả năng, tình hình thực tế ở mỗi địa phương.
Hiện nay, chữ ký số mới xây dựng chức năng ký số sử dụng chữ kỹ số của Viettel. Bộ Y tế yêu cầu cho phép sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp khác nhau. Đồng thời, cần bổ sung chức năng hiển thị "hộ chiếu vaccine" trên ứng dụng PC-COVID trên cơ sở kết nối dữ liệu với hệ thống cấp chứng nhận "hộ chiếu vaccine" của Bộ Y tế.
Tin nổi bật
Tin Video