Ngoài cầu lông, nhiều tiến sĩ còn nghiên cứu phát triển cờ vua, yoga, bóng rổ
Không chỉ luận án phát triển cầu lông, nhiều tiến sĩ khác còn nghiên cứu về tập yoga, bóng rổ, cử tạ... khiến các chuyên gia bất ngờ vì "tưởng đùa mà hóa thật".
Thống kê những luận án tiến sĩ do Viện Khoa học thể dục thể thao hướng dẫn và nghiệm thu trong 3 năm qua (từ 2020 đến nay) trên web Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT cho thấy, nhiều nghiên cứu tương tự đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh.
Ba năm qua, Viện Khoa học Thể dục thể thao nghiệm thu tổng số 22 luận án tiến sĩ, trong đó 21 đề tài thuộc chuyên ngành Giáo dục học, 1 đề tài thuộc lĩnh vực thể dục thể thao.
"Hoá ra, ngoài tiến sĩ về phát triển cầu lông thì còn nhiều tiến sĩ khác về yoga, bóng rổ, cử tạ.... Chuyện nghiên cứu khoa học thật mà như đùa", TS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội thốt lên khi xem bảng thống kê trên.
Ông đánh giá, một số đề tài nghiên cứu trên quy mô hẹp, chưa đủ tầm luận án tiến sĩ, giống với báo cáo, tham luận hoặc cùng lắm là luận văn thạc sĩ.
Hầu hết các đề tài chỉ khảo sát một địa phương, một khía cạnh rất nhỏ trong các bộ môn thể thao như: "Nghiên cứu hiệu quả của bài tập Hatha Yoga đối với sức khỏe người cao tuổi nữ tại thành phố Hà Nội", "Nghiên cứu phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi tỉnh Đồng Tháp"... Hay những đề tài chỉ khảo sát ở một trường đại học: “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Giáo dục Thể chất cho Đại học Bách Khoa Hà Nội”, "Nghiên cứu xây dựng nội dung hoạt động Câu lạc bộ thể thao giải trí cho sinh viên Đại học Lâm nghiệp".... Rất hiếm đề tài của nghiên cứu sinh tại Viện này khảo sát trên phạm vị rộng khu vực phía Bắc, Nam hay toàn quốc.
Một số đề tài nghiên cứu trên quy mô hẹp, chưa đủ tầm luận án tiến sĩ, giống với báo cáo, tham luận hoặc cùng lắm là luận văn thạc sĩ.
TS Nguyễn Văn Tuấn
Mục đích của nghiên cứu là chỉ ra được thực trạng, hạn chế và đưa ra giải pháp cải tiến mang tính vi mô và vĩ mô, tác động lớn đến cộng đồng hoặc cả xã hội. Trong khi đó, đề tài trên nói đến việc phát triển một góc độ, bài tập, động tác trong các môn thể thao là quá nhỏ, không có tính đóng góp mới cho xã hội hay cộng đồng khoa học vì rất nhiều người trước đó từng nghiên cứu.
"Xét cả về tính học thuật hay thực tiễn, nhiều đề tài trong giai đoạn từ 2020 đến nay chưa đạt yêu cầu. Không biết lý do vì sao mà người hướng dẫn nghiên cứu lại đồng ý và hội đồng thẩm định lại thông qua những đề tài như vậy", ông Tuấn nhấn mạnh.
Chỉ cần vào chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT sẽ tra cứu ra hàng loạt tên luận án tiến sĩ như vậy. Tên của các luận án này đều là "nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thể chất..." chỉ khác nhau địa điểm (các trường học, địa phương trên khắp cả nước).
GS Nguyễn Ngọc Châu (nghiên cứu viên cao cấp của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) lo sợ tình trạng các đề tài nghiên cứu tiến sĩ được nghiệm thu “dễ dàng” như vậy thì có thể sẽ có thêm đề tài tương tự về phát triển môn cầu lông, yoga, bóng rổ ở hàng nghìn cơ quan công sở, địa phương cũng được thông qua, và biết đâu mỗi tỉnh thành sẽ có một đề tài về nghiên cứu giải pháp phát triển một môn thể thao nào đó cho công chức, viên chức.
TS Lê Thị Hoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, những nghiên cứu trên có phần nguyên nhân từ việc đầu năm 2021, Bộ GD&ĐT quy định bỏ công bố khoa học quốc tế khi bảo vệ luận án tiến sĩ. "Tin chắc thời gian tới sẽ còn rất nhiều những luận án nhỏ nhặt như báo cáo khoa học khiến ngành giáo dục bất ngờ hơn nữa, bởi cơ chế nới lỏng quy định đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT".
Bà Hoa đặt nghi vấn, liệu các hội đồng khoa học đã quá dễ dàng, xuề xòa cho thông qua các đề tài như vậy, và liệu các nghiên cứu sinh có phân biệt được đâu là đề tài nghiên cứu ở bậc học tiến sĩ và đâu là báo cáo, nghiên cứu giải pháp, khảo sát thực trạng đơn thuần ở một đơn vị, ngành nghề nào đó.
"Rất cần cơ chế thắt chặt tuyển sinh đầu vào và bảo vệ luận án để tránh việc háo danh và phổ cập tiến sĩ", bà nói.
Là người từng học thạc sĩ, tiến sĩ và làm việc ở Đức, bà Hoa cho biết, nghiên cứu sinh ở một số nước châu Âu phải làm chăm chỉ, nghiêm túc và thực chất trong 3 - 5 năm mới có đủ tiêu chuẩn số giờ nghiên cứu trong phòng lab, thực địa, thông tin để bảo vệ trước hội đồng. Thậm chí có người bảo vệ đến 5 lần vẫn chưa được hội đồng thông qua do chưa đạt yêu cầu.
"Việt Nam cũng nên có chính sách khắt khe và những giáo sư, phó giáo sư đầu ngành ngồi hội đồng cần thẳng tay chấm, đừng cả nể, xuề xòa mà cho ra lò những tiến sĩ copy - paster", chuyên gia nói.
Ngoài luận án "tiến sĩ cầu lông" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh còn ít nhất 6 luận án của những tiến sĩ khác liên quan đến lĩnh vực cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước được công bố từ năm 2018 đến nay.
- Luận án "Nghiên cứu xây dựng chương trình và tổ chức luyện tập ngoại khóa cầu lông cho học sinh THPT thành phố Tuyên Quang" của NCS Nguyễn Mỹ Việt tại Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, bảo vệ năm 2021.
- Luận án "Nghiên cứu xây dựng mô hình nữ vận động viên cầu lông cấp cao Việt Nam" của NCS Lương Thành Tài tại Đại học Thể dục thể thao TP.HCM, bảo vệ năm 2021.
- Luận án "Nghiên cứu đổi mới chương trình giảng dạy cho sinh viên chuyên sâu cầu lông ngành giáo dục thể chất theo học chế tín chỉ tại Đại học Cần Thơ" của NCS Châu Hoàng Cầu tại Đại học Thể dục thể thao TP.HCM, bảo vệ năm 2020.
- Luận án "Nghiên cứu xây dựng chương trình tập luyện ngoại khóa môn cầu lông cho sinh viên đại học khối các trường kỹ thuật thành phố Thái Nguyên" của NCS Nguyễn Trường Giang tại Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, bảo vệ năm 2019.
- Luận án "Nghiên cứu mô hình câu lạc bộ cầu lông trong một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội" của NCS Lê Thanh Hà, Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, bảo vệ năm 2018.
- Luận án "Nghiên cứu lựa chọn bài tập nâng cao hiệu quả giảng dạy kỹ thuật tay cho sinh viên chuyên ngành cầu lông khoa sư phạm thể dục Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh" của NCS Nguyễn Văn Thạch, Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, bảo vệ năm 2018.