Mỹ thúc đẩy dự luật hạn chế quyền lực của các tập đoàn công nghệ
Dự luật mới nhằm giải quyết tình trạng thiếu công bằng khi một nền tảng có thể sử dụng quyền lực của "người gác cổng" để ưu tiên các dịch vụ của chính nền tảng này hoặc gây bất lợi cho các đối thủ.
Ngày 24/6, các nhà lập pháp Mỹ đã thúc đẩy dự luật nhằm hạn chế quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn thông qua một cuộc cải cách sâu rộng đối với luật chống độc quyền.
Động thái có thể mở đường cho một cuộc tranh luận gay gắt tại Quốc hội.
Trong một phiên họp kéo dài hai ngày, các thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã thông qua sáu dự luật nhằm vào hoạt động kinh doanh của Google, Apple, Amazon và Facebook.
Dự luật mới nhằm giải quyết tình trạng thiếu công bằng về lợi ích khi một nền tảng có thể sử dụng quyền lực của "người gác cổng" để ưu tiên các dịch vụ của chính nền tảng này hoặc gây bất lợi cho các đối thủ.
Trong khi đó, một đại diện của đảng Cộng hòa đã lên tiếng phản đối dự luật, với lập luận trừ khi các doanh nghiệp vi phạm luật cạnh tranh một cách rõ ràng, các nhà lập pháp không nên cản đường doanh nghiệp.
Dự kiến, các dự luật mới sẽ làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt tại Quốc hội Mỹ. Theo luật, bất kỳ dự luật nào cũng cần sự thông qua của cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ cùng với chữ ký phê duyệt của Tổng thống.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jerry Nadler cho biết các dự luật mới nhằm vào một nhóm nhỏ các nền tảng trực tuyến vốn đã trở thành người gác cổng cho phần lớn thị trường kỹ thuật số, đồng thời nhấn mạnh trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp và người tiêu dùng không còn có những lựa chọn thay thế.
Phản ứng về dự luật trên, các công ty công nghệ đã cảnh báo về những hậu quả tiêu cực đối với người dùng, khi Apple có khả năng buộc phải xóa các ứng dụng nhắn tin phổ biến khỏi iPhone và Google phải ngừng hiển thị kết quả từ ứng dụng YouTube hoặc Maps.
Apple cũng lưu ý về những rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư đối với người dùng.