Mỹ: Cuộc đàm phán về trần nợ được nối lại
(VOVTV) - Ngày 21/5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy cho biết cuộc điện đàm trước đó giữa ông và Tổng thống Joe Biden về vấn đề nâng trần nợ công là "hữu ích" và hai bên sẽ gặp nhau vào ngày 22/5 để tiếp tục thảo luận về vấn đề này, ngay khi ông Biden về nước sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Hiroshima (Nhật Bản).
Ông McCarthy cho biết Tổng thống Biden đã nói chuyện với ông qua điện thoại trên chuyên cơ.
Nhà Trắng cùng ngày ra thông cáo cho biết các cuộc đàm phán cấp chuyên viên được nối lại vào tối 21/5 (giờ Mỹ) trước khi Chủ tịch Hạ viện McCarthy và Tổng thống Biden gặp trực tiếp. Theo ông McCarthy, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa là Garret Graves và Patrick McHenry tham dự các cuộc đàm phán này.
Cuộc đàm phán giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về nâng trần nợ công đang trở nên gấp rút hơn bao giờ hết khi Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ có thể hết tiền và vỡ nợ với khoản nợ 31.000 tỷ USD vào ngày 1/6 tới.
Hiện hai bên vẫn giữ quan điểm khác biệt trong vấn đề này. Đảng Cộng hòa cho rằng không thể nâng mức trần nợ công nếu chính quyền không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách. Theo họ, các biện pháp này bao gồm cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid, chương trình trợ cấp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Biden đã phản đối các biện pháp trên, thay vào đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất cùng các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn. Đảng Cộng hòa từ chối chấp nhận biện pháp tăng thuế này.
Hiện vẫn chưa rõ khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên trước 1/6 - thời điểm Mỹ vỡ nợ theo cảnh báo của Bộ Tài chính Mỹ. Tổng thống Biden đề cập đến khả năng sử dụng một điều khoản hiến pháp trong Tu chính án thứ 14, trong đó cho phép tổng thống quyền tự nâng mức trần nợ công.
Kinh tế Mỹ nếu vỡ nợ sẽ kéo theo một loạt hệ lụy tiêu cực đối, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất ngân hàng và thị trường bất động sản, chưa kể đến hiệu ứng domino ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu./.
Tin nổi bật
Tin Video