Tin tức

‘Lỗ hổng’ thương mại giúp hải sản Nga vẫn có thể vào Mỹ bất chấp lệnh trừng phạt

Bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ, Moskva vẫn có thể xuất khẩu hàng tỷ USD thủy sản vào Washington thông qua những "lỗ hổng" thương mại.

21/04/2022 07:44

Theo hãng tin Al Jazeera, đánh bắt cá là hoạt động kinh doanh lớn ở Nga, lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến Điện Kremlin. Nga cũng là một trong những nhà sản xuất thủy sản hàng đầu thế giới. Trong năm 2021, Nga là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 8 vào Mỹ với doanh thu lên tới hơn 1,2 tỉ USD, phần lớn là cua hoàng đế.

‘Lỗ hổng’ thương mại giúp hải sản Nga vẫn có thể vào Mỹ bất chấp lệnh trừng phạt - Ảnh 1.

Siêu tàu đánh cá Mekanik Sizov. Ảnh: AP

Tuy nhiên, không rõ chính xác lượng thủy sản Nga được đưa vào Mỹ thông qua Trung Quốc là bao nhiêu. Bắc Kinh đã xuất khẩu 1,7 tỷ USD cá sang Mỹ vào năm ngoái. Trong khi đó, lệnh trừng phạt của Mỹ không yêu cầu các công ty nhập khẩu thủy hải sản từ Trung Quốc tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thay vì truy xuất nguồn gốc xuất xứ, các nhà sản xuất Mỹ chỉ dựa vào nhận dạng tên cá minh thái Alaska để nhận biết nơi đánh bắt. Do đó, việc xác minh nguồn hàng là rất khó khăn.

Mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn nhất của Nga là cá minh thái Alaska, loài cá có giá trị cao nhất ở Mỹ. Cá minh thái Alaska xuất hiện trong mọi món ăn ở quốc gia này, từ món giả cua cho đến bánh mì sandwich Filet-O-Fish của McDonald. Mỗi năm, các nhà máy nổi khổng lồ trên biển Bering và vịnh Alaska đánh bắt khoảng 1,5 triệu tấn cá, tương đương với hơn 4 lần trọng lượng của tòa nhà Empire State ở New York.

Ông Craig Morris, Giám đốc điều hành của Nhà sản xuất cá minh thái Alaska chính hãng khẳng định: “Người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng nếu có tên Alaska trên hộp thì nó rõ ràng đến từ vùng biển Alaska”.

Song nhiều sức ép đã gia tăng ngay cả trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Thượng nghị sĩ Dan Sullivan, thành viên đảng Cộng hòa tại Alaska, đã kêu gọi ngăn chặn cá minh thái nhập khẩu vào Mỹ.

‘Lỗ hổng’ thương mại giúp hải sản Nga vẫn có thể vào Mỹ bất chấp lệnh trừng phạt - Ảnh 2.

Cá minh thái Alaska. Ảnh AP

Tổng thống Putin đã cấm nhập khẩu hải sản Mỹ vào năm 2014 nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của Washingto về vấn đề Crimea. Kể từ đó, hàng hóa xuất khẩu của Nga vào Mỹ theo đường miễn thuế đã tăng gần gấp 4 lần giá trị.

Dữ liệu thương mại của Mỹ do hãng thông tấn AP phân tích cho thấy nhà nhập khẩu cá minh thái của Nga đánh bắt từ Trung Quốc năm ngoái là High Liner Foods. Công ty này đã không trả lời yêu cầu bình luận của AP.

Trong khi vai trò cường quốc năng lượng của Nga đang bị lu mờ, ngành công nghiệp thủy sản của Moskva đang ngày càng phát huy sức mạnh với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Điện Kremlin.

Hai trong số các nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Nga là Russian Fishery và Russian Crab có trụ sở tại Vladivostok - thuộc sở hữu của ông Gleb Frank, con trai của cựu Chủ tịch Tập đoàn đóng tàu nhà nước Nga Sovcomflot. Ông Frank được mệnh danh là “vua cua Hoàng đế” của Nga, cũng là con rể của một trong những người đàn ông giàu nhất nước Nga - Gennady Timchenko, một trong những nhà tài phiệt đầu tiên bị trừng phạt sau sau khi Crimea sáp nhập Nga năm 2014.

Các công ty của ông Frank đã đi đầu trong nỗ lực hiện đại hóa hạm đội tàu lỗi thời của Nga. Năm ngoái, trong lễ kỷ niệm Ngày Hải quân tại nhà máy đóng tàu ở St Petersburg với sự tham gia của Tổng thống Putin, ông đã cho ra mắt một siêu tàu vận tải tiên tiến có khả năng vận chuyển 60.000 tấn cá minh thái Alaska mỗi năm.

‘Lỗ hổng’ thương mại giúp hải sản Nga vẫn có thể vào Mỹ bất chấp lệnh trừng phạt - Ảnh 3.

Tổng thống Putin dự lễ ra mắt Mekanik Sizov, một siêu tàu đánh cá thuộc công ty do doanh nhân Nga Gleb Frank sở hữu. Ảnh AP

Tuy nhiên, sau khi bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ vào tháng trước, ông Frank đã phải bán một cổ phần trong cả 2 công ty thủy sản và từ chức. Russian Fishery đã không trả lời các câu hỏi về lệnh cấm vận của Mỹ, nhưng Russian Crab cho biết ông Frank chưa bao giờ tham gia vào công việc quản lý của công ty.

Trong nhiều năm, các nhà môi trường đã chỉ trích Nga trong vấn đề quản lý đại dương. Cuộc khảo sát gần đây về những nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế việc đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát và không được báo cáo, quốc gia này xếp thứ 2/152 quốc gia. Các cáo buộc về hành vi đánh bắt bất hợp pháp thậm chí còn lan đến Nam Cực. Năm 2020, một tàu Nga bị cáo buộc làm sai lệch dữ liệu vị trí để đánh bắt cá trái phép trái vụ. Một nhà quan sát người Nga cũng bị phát hiện là nguồn cung cấp dữ liệu thu thập sai từ nhiều tàu đánh cá ở Nam Cực. Nga đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc trên.

Tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ về lệnh cấm hải sản của Nga, nghị sĩ Jared Huffman, thành viên đảng Dân chủ California, đã kêu gọi mở rộng Chương trình Giám sát Nhập khẩu Thủy sản của Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) nhằm ngăn chặn hải sản bất hợp pháp xâm nhập vào chuỗi cung ứng của nước này. Hiện tại, chương trình chỉ áp dụng với 13 loại hải sản, trong đó chỉ có 2 loại (cua hoàng đế và cá tuyết Đại Tây Dương) do Nga đánh bắt.

Cựu luật sư của Cơ quan Hải quan Mỹ Peter Quinter tin rằng chính quyền Tổng thống Biden có thể chỉ cần “bịt lỗ hổng” của Trung Quốc bằng cách yêu cầu các nhà nhập khẩu xác minh chuỗi cung ứng của họ để đảm bảo rằng không có hải sản nào có nguồn gốc từ Nga.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận