Lên Mẫu Sơn ăn Tết người Dao
Từ bao đời nay, người Dao ở xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) luôn có ý thức giữ bản sắc văn hoá dân tộc, không pha trộn từ cách ăn, nếp ở, trang phục, phong tục thờ cúng, lễ hội... Dịp cuối năm, cùng với ăn Tết Nguyên đán như những dân tộc khác, người Dao Lù Gang ở Mẫu Sơn còn có "Tết năm cũ" với những nét độc đáo riêng.
Đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cao hơn 1.500m so với mực nước biển, là xứ sở của mây mù, gió lạnh và sương giá quanh năm. Vậy nhưng đến Mẫu Sơn vào những ngày tháng Chạp, dễ dàng cảm nhận không khí rộn ràng của người Dao đón Tết - "Tết năm cũ".
Theo phong tục của người Dao Lù Gang, sau một năm lao động vất vả, khoảng giữa tháng Chạp, mọi người đều tạm dừng công việc nương rẫy, ruộng đồng để dọn dẹp nhà cửa, bài trí lại bàn thờ tổ tiên, bắt lợn, nhốt gà... và chọn ngày đẹp để tổ chức "Tết năm cũ". Thầy cúng được mời đến để thay mặt gia chủ báo cáo với tổ tiên kết quả một năm lao động sản xuất và cúng giải hạn, rũ bỏ những rủi ro trong năm cũ, đồng thời mời ông bà, tổ tiên cùng những người đã khuất về ăn Tết... Mâm cỗ cúng thường gồm 1 con lợn, gà và rượu; tiền vàng được cắt bằng giấy bản bày trước bàn thờ tổ tiên.
Ông Hoàng Phủ Sỉnh ở thôn Khuổi Tẳng cho biết: Theo phong tục của người Dao Lù Gang, thường thì họ Hoàng sẽ chọn ngày Ngọ, họ Đặng chọn ngày Dần, họ Triệu chọn ngày Mão hoặc ngày Thìn để tổ chức "Tết năm cũ".
“Thông thường, cứ vào khoảng 17, 18 tháng Chạp thì các nhà sẽ mời Thầy về để cúng Tết, nếu có nhiều nhà trùng thời gian thì Thầy cúng sẽ phải chuyển sang ngày khác. Cúng năm Tết năm cũ, mọi người đều ước mong ai ai cũng có sức khỏe. Ăn Tết năm cũ này cứ mùng 5 tháng Chạp trở ra là được, khi tổ chức thì thông báo tới anh em trong làng về cùng ăn. Năm cũ qua đi rồi thì ăn cho vui, sang năm lại ăn tiếp. Vui thì bà con trong làng mới về, không vui thì người ta không về đâu. Người dân ở đây ăn Tết năm cũ để báo cáo, xin tổ tiên sức khỏe và may mắn,” ông Sỉnh kể.
Mẫu Sơn là vùng đất rộng, dân số không đông, nhà cửa thưa thớt. Qua các sự kiện tập thể được tổ chức, tình cảm xóm làng được gắn kết, bà con động viên nhau cùng phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới.
Bà Lý Dương Liễu, nhà nghiên cứu văn hóa người Dao cho biết thêm, Mẫu Sơn tập trung đông người Dao. Bữa Tết, nếu làng đông thì lần lượt, cứ bàn với nhau nhà nào trước nhà nào sau. Nhà này làm thì những nhà kia sẽ cử một người đến dự.
"Có thể là cùng họ chung bát hương. Ăn Tết của người Dao là ăn Tết ở nhà người giữ bát hương của họ. Những nhà khác thì họ là khách mời, còn những nhà cùng chung bát hương có nghĩa vụ phải đến. Qua một năm vất vả, giờ là lúc để gặp nhau, trước hết là trong dòng họ, sau là làng bản, xóm xã, anh em bạn bè gần gũi, hôm đó tất cả đều có mặt để chung vui cùng gia chủ,” bà Liễu cho biết.
Đã nhiều năm công tác tại vùng đồng bào người Dao, anh Nguyễn Minh Chuyển, cán bộ Phòng Quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn (thuộc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Lạng Sơn) không chỉ một lần được mời đến dự lễ cúng "Tết năm cũ" của những gia đình người Dao.
“Khi người Dao tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần, họ sẽ lựa chọn những thành phần đối tượng để họ mời dự. Qua những sự kiện được tổ chức thì giúp bà con có dịp ngồi lại gần nhau hơn và tình cảm bà con cũng được gắn bó chặt chẽ hơn. Điều đó giúp gắn kết tình nghĩ đồng bào tại vùng biên, giúp cho công tác quản lý nhà nước, việc thực hiện các chủ trương chính sách của địa phương đối với đồng bào được cụ thể hơn,” anh Chuyển kể.
Sau khi ăn Tết năm cũ, người Dao chuẩn bị bước vào Tết Nguyên đán. Sáng 30 Tết, mọi người đều thức dậy từ sớm để chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên. Mâm cúng gồm gà, thịt lợn, bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo... Hai bên bàn thờ được dựng 2 cây mía và có 4 cây tỏi tươi tượng trưng cho 4 mùa trong năm.
Cúng tất niên, gia chủ không mời Thầy cúng mà chỉ thắp hương lên bàn thờ, khấn vái. Sau đó cả gia đình quây quần bên mâm cơm đoàn tụ cuối năm. Đây cũng là dịp để người lớn nhắc nhở, dạy dỗ con cháu những điều hay lẽ phải; cùng trò chuyện về những điều đã qua trong năm cũ và bàn bạc, dự tính những việc của gia đình sẽ làm trong năm mới...
Chị Triệu Thị Hải, ở thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn cho biết, “Tết đến, người Dao vẫn chuẩn bị gà, bánh chưng, đồ cúng... giống như những dân tộc khác. Hết một năm, mình cũng dọn dẹp nhà cửa khang trang để đón năm mới, sắm sửa bánh kẹo, hoa quả. Đi làm một năm vất vả, ai cũng mong đến Tết để nghỉ ngơi vài hôm, đi về nhà đón Tết đoàn tụ cùng gia đình, bỏ hết buồn phiền, gặp nhau vui vẻ, mong sang năm mới công việc suôn sẻ hơn, làm ăn khấm khá hơn năm cũ."
Sau bữa cơm tất niên, mọi người trong gia đình đều được tắm bằng nước lá thuốc truyền thống với ý nghĩa gột bỏ những ưu phiền của năm cũ. Họ mặc những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất và cùng chờ đón thời khắc Giao thừa. Quây quần bên nhau, họ cầu chúc cho mọi người trong gia đình một năm mới sung túc, no đủ và bình an...
Ngày mùng Một Tết, sau khi thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, người Dao sẽ đến nhà anh em, hàng xóm để chúc Tết. Họ hỏi thăm nhau, chúc cho nhau có những mùa vụ bội thu, tràn trề sức khỏe, cùng cầu mong một năm mới tốt lành đến với tất cả mọi người, mọi nhà./.