'Kỷ nguyên vàng đen' khép lại, thị trường dầu mỏ năm 2022 sẽ đi về đâu?
Khởi đầu năm 2022, giá dầu thô “giằng co” quanh ngưỡng 80 USD/thùng, và có một số nhân tố lớn mang tính quyết định sẵn sàng kích hoạt "dây thần kinh nhạy cảm" của thị trường bất cứ lúc nào.
Theo tờ Economic Daily, khởi đầu năm mới 2022, giá dầu thô quốc tế đã “giằng co” quanh ngưỡng 80 USD/thùng. Tình trạng này sẽ đi đâu về đâu? Giới chuyên gia đang tỏ ra không thống nhất, sự chia rẽ lớn hơn đồng thuận. Một số nhân tố lớn mang tính quyết định sẵn sàng kích hoạt "dây thần kinh nhạy cảm" của thị trường bất cứ lúc nào.
Đầu tiên, diễn biến của dịch COVID-19 sẽ quyết định đến sự thay đổi nhu cầu dầu mỏ thế giới.
Khó tưởng tượng rằng rất nhiều nước trên thế giới bước vào năm 2022 với tư thế “nằm thẳng”. Từ châu Âu đến châu Đại Dương, từ Nam châu Phi đến Bắc Mỹ, khi đối diện với số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt, chính sách “miễn dịch cộng đồng” đã trở thành lựa chọn bất đắc dĩ khi hầu hết các nước khó chịu đựng tình trạng phong tỏa lâu dài.
Mọi người đều hy vọng dịch bệnh cuối cùng sẽ kết thúc và kinh tế thế giới sẽ phục hồi. Thời điểm này có thế là năm nay, cũng có thể là năm tới. Khi đó, sự tăng trưởng mang tính bù đắp cũng sẽ giúp nhu cầu đối với dầu mỏ tăng mạnh.
Hai năm trước, khi virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan khắp toàn cầu, chính sách phong tỏa và cách ly khiến kinh tế thế giới rơi vào đình trệ. Nhu cầu năng lượng khi đó bị tác động nghiêm trọng và giá dầu biến động mạnh. Sau khi các nước triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine rộng rãi, kinh tế thế giới xuất hiện dấu hiệu phục hồi rõ nét trong năm 2021. Nhu cầu dầu mỏ cũng bắt đầu khôi phục, với giá dầu tăng dần theo từng tháng và biên độ tăng vượt kỳ vọng.
Nhiều tổ chức tư vấn dự báo nhu cầu dầu mỏ trong quý I/2022 sẽ tạm thời suy giảm do chịu cú sốc từ biến thể Omicron dễ lây lan trên quy mô lớn, tuy nhiên sẽ phục hồi trở lại vào quý II. Kinh tế thế giới có thể phục hồi mạnh hơn trong nửa cuối năm nay và nhu cầu dầu mỏ cũng sẽ tiếp tục gia tăng.
Theo quan điểm của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ảnh hưởng của Omicron sẽ “ôn hòa và ngắn ngủi”, trong khi Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhận định do dịch bệnh xuất hiện diễn biến mới nên sự phục hồi về nhu cầu sẽ tạm thời chậm lại. Tuy nhiên, xu hướng tổng thể sẽ không đảo ngược. Xuất phát từ nhận định tương tự, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng “mùa Xuân” của nhu cầu năng lượng thế giới sẽ đến nhanh chóng.
Theo số liệu của IEA, lượng tiêu thụ dầu mỏ năm 2022 dự kiến sẽ tăng từ mức 96,2 triệu thùng/ngày của năm 2021 lên 99,53 triệu thùng/ngày, cơ bản phục hồi về mức trước khi xảy ra dịch bệnh. Dự báo của một số chuyên gia càng lạc quan hơn khi họ cho rằng nhu cầu dầu mỏ thế giới năm nay sẽ đạt kỷ lục mới, đồng thời tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Vì vậy giá dầu thô cũng sẽ tăng ổn định.
Ngân hàng Barclays dự báo, giá dầu thô WTI trung bình trong năm 2022 vào khoảng 77 USD/thùng, cao hơn mức 73 USD/thùng của năm 2021. Còn theo Goldman Sachs, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong năm nay và năm sau, giá dầu sẽ tiếp tục tăng và dầu Brent có thể đạt mức trung bình 85 USD/thùng vào năm 2023.
Thứ hai, tình hình căng thẳng nguồn cung dầu thô có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Do nhu cầu thị trường phục hồi, cuối năm 2021, nhiều người cảnh báo rằng sự thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ có thể dẫn đến tình trạng cung - cầu mất cân bằng. Khủng hoảng điện ở châu Âu kể từ khi bước vào mùa Đông đến nay cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với thế giới. Hầu hết các dự báo cũng đều cho thấy nhu cầu dầu mỏ trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Vấn đề này đã đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu nguồn cung dầu thô có tăng kịp hay không? Để hiểu thêm vấn đề này, hãy lần lượt điểm qua tình hình của ba nhà sản xuất chủ chốt:
Đầu tiên là OPEC. Số liệu thống kê mới được công bố từ cuộc họp hàng tháng của OPEC cho thấy, OPEC và các nước không thuộc khối này đã tuân thủ yêu cầu cắt giảm sản lượng ở mức 117% trong tháng 11/2021. Điều này đồng nghĩa với việc năng lực sản xuất thực tế của khối này không đủ, thậm chí thấp hơn hạn ngạch sản lượng hàng tháng. Không có gì bất ngờ khi cuộc họp của OPEC quyết định tiếp tục nâng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 2 – 6/2022.
Theo một báo cáo khác của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), công suất dự phòng của OPEC đến cuối năm 2022 có thể chỉ khoảng 5,11 triệu thùng/ngày. Và đến cuối năm 2023, con số này có thể sẽ tiếp tục xuống mức 4 triệu thùng/ngày, giảm mạnh so với mức 9 triệu thùng/ngày vào quý I/2021. Bloomberg dự đoán khối lượng gia tăng nguồn cung thực tế của OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối sẽ là 1,4 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với dự đoán 1,7 triệu thùng/ngày trước đó.
Hai là Mỹ. Chuyên gia nổi tiếng về ngành dầu mỏ Daniel Yergin cho rằng, sản lượng dầu thô năm nay của Mỹ có thể sẽ tăng gần 1 triệu thùng, với sản lượng dầu đá phiến đang phục hồi. Tuy nhiên, rất khó để sản lượng dầu của Mỹ trở lại mức cao trước đây. Hiện nay, sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 2 triệu thùng so với mức kỷ lục 13 triệu thùng/ngày được thiết lập vào đầu năm 2020. Dự trữ dầu thô của nước này trong cùng giai đoạn cũng giảm gần 70 triệu thùng.
Cùng với đó, lập trường phản đối nhiên liệu hóa thạch và chương trình nghị sự xanh cấp tiến của chính quyền Tổng thống Joe Biden đều có thể kiềm chế đà phát triển của ngành dầu mỏ và khí tự nhiên trong thời gian tới. Một số liệu thống kê của ngành công nghiệp cho thấy, chi tiêu cho tư liệu sản xuất của 27 nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt tại Mỹ đã giảm gần 60% xuống 111 tỷ USD trong năm 2021. Dự kiến chi tiêu cho tư liệu sản xuất của nhóm công ty trên trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 125 tỷ USD, chưa bằng một nửa của năm 2014.
Ba là Nga. Theo số liệu của công ty dầu khí quốc doanh Rosneft của Nga, tổng sản lượng dầu thô của nước này trong năm 2021 vào khoảng 10,9 triệu thùng/ngày. Con số này gần chạm đến giới hạn năng lực sản xuất dầu thô của Nga và cơ bản quốc gia này không còn dư địa để tăng sản lượng. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết sẽ cố gắng nâng sản lượng dầu thô của Nga lên mức 11,33 triệu thùng/ngày vào tháng 5/2022. Nhưng ngay cả với mức tăng như vậy, vẫn rất khó để thay đổi xu hướng giảm.
Ngoài ra, các nước sản xuất dầu mỏ như Canada, Na Uy, Guyana và Brazil… có thể tìm cách bù đắp chênh lệch cung-cầu, nhưng tác dụng không lớn.
Thứ ba, nhu cầu đầu tư sẽ ảnh hưởng đến sự tăng hoặc giảm của giá dầu.
Chuyển đổi năng lượng toàn cầu đã trở thành xu hướng lớn, mặc dù khó khăn chồng chất như chi phí liên tục gia tăng có thể sẽ trở thành vấn đề rất nổi cộm trong năm nay. Tuy nhiên, xu hướng theo đuổi các giải pháp năng lượng xanh sẽ không dừng lại.
Năng lượng tái tạo có hy vọng củng cố và tạo điều kiện cho tăng trưởng xanh. Nếu giá cả các loại hàng hóa chiến lược thế giới luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt là giá dầu mỏ và khí tự nhiên, chúng sẽ có tác động lớn đến việc phát triển, sử dụng và phổ biến các loại năng lượng sạch như điện gió và điện Mặt Trời…
“Báo cáo thị trường năm 2021” của IEA nhấn mạnh, chi phí đầu tư liên tục gia tăng, gánh nặng lương nhân công, vấn đề trong chuỗi cung ứng và logistics có thể sẽ cản trở sự phổ biến và phát triển một loạt những công nghệ ít phát thải carbon. Đến năm 2025, toàn thế giới cần phải tăng công suất năng lượng sạch gấp đôi mới có thể thực hiện mục tiêu phát thải bằng 0.
Bên cạnh đó, cùng với việc nhà đầu tư ngày càng theo đuổi quan điểm ESG (môi trường-xã hội-quản trị), hoạt động đầu tư vào lĩnh vực hóa thạch truyền thống sẽ tiếp tục giảm xuống. Không những các công ty dầu mỏ gánh chịu sức ép bảo vệ môi trường và phát thải ít carbon, các ngân hàng đầu tư lớn cũng đang nỗ lực cắt giảm dấu chân carbon (carbon footprint). Một số quỹ đầu tư lớn đang gấp rút thể hiện năng lực của mình thông qua việc tránh triển khai các dự án dầu mỏ và khí tự nhiên mới.
Tuy nhiên, các nhà đầu cơ ở phố Wall sẽ không quan tâm đến cảm nhận của công chúng. Hiện nay, dường như kỳ vọng giá dầu tiếp tục tăng đang áp đảo. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cảnh báo đầu tư không đủ có thể dẫn đến “khủng hoảng nguồn cung dầu mỏ”, đồng thời tiếp tục đẩy giá dầu lên cao.
Theo Goldman Sachs, không loại trừ khả năng giá dầu đạt mức 100 USD/thùng vào năm 2023 vì nguồn cung không thể bắt kịp nhu cầu. Ngân hàng này dự đoán trung bình giá dầu Brent vẫn ở mức 85 USD/thùng trong năm 2022 và 2023. Trong khi đó, JPMorgan Chase lại mạnh dạn đưa ra nhận định giá dầu có thể tăng vọt lên 125 USD/thùng trong năm nay và sẽ tiếp tục tăng lên mức 150 USD/thùng vào năm 2025.
Cuối cùng, một vấn đề không thể xem nhẹ là kết quả đàm phán vấn đề hạt nhân Iran.
Liệu Iran có được tự do xuất khẩu dầu thô như mong muốn hay không vẫn là biến số. Nếu thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ, không loại trừ khả năng xảy ra biến động địa chính trị lớn - một điều rõ ràng đáng để các bên liên quan đến thị trường dầu mỏ quan tâm chặt chẽ. Nếu Mỹ xóa bỏ một phần lệnh trừng phạt giữa bối cảnh nhu cầu dầu còn nhiều bất ổn trong những tháng tới, ảnh hưởng từ việc Iran gia tăng nguồn cung dầu thô ra thị trường đối với giá dầu toàn cầu sẽ rất đáng kể.
Iran có trữ lượng dầu thô lớn thứ tư thế giới với tiềm năng sản xuất rất mạnh. Trước đó, chính phủ Iran tuyên bố đến giữa năm 2023 sẽ tăng sản lượng của mỏ dầu Bắc Azadegan từ 140.000 thùng/ngày hiện nay lên ít nhất 320.000 thùng/ngày, từ đó thực hiện mục tiêu tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu. Theo thống kê tính đến tháng 10/2021, sản lượng dầu thô của Iran đạt gần 2,4 triệu thùng/ngày, trong đó 1,7-1,8 triệu thùng được dùng cho các nhà máy lọc dầu trong nước.
Sản lượng dầu thô hàng ngày của Iran vào những năm 1970 từng đạt đến mức 5 triệu thùng. Nếu các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, xuất khẩu dầu mỏ của Iran bắt đầu từ tháng 3/2022 sẽ tăng thêm 700.000 thùng/ngày. Các nhà quan sát cho rằng, việc Iran khôi phục xuất khẩu dầu thô sẽ gây ra cú sốc và ảnh hưởng trực tiếp là giá dầu sẽ giảm 10%.
Có rất nhiều yếu tố bất ổn tác động đến thị trường dầu mỏ năm nay. Thị trường không thể biết chính xác thời điểm nào dịch bệnh kết thúc, hay sẽ có những biến thể virus mới xuất hiện tiếp tục gây rối loạn trật tự kinh tế và xã hội hay không. Do đó, thị trường vừa cần chuẩn bị cho kịch bản giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng khiến cho chi phí của nền kinh tế tăng mạnh, vừa không được hoảng sợ khi giá dầu đột ngột sụt giảm.
Hiện nay, dự báo về giá dầu thô đang dao động từ mức trung bình 70 USD/thùng đến mức cao trên 100 USD/thùng cho năm nay và năm sau. Nhưng dù thế nào, điều duy nhất có thể xác định rõ là “Kỷ nguyên vàng đen” đã khép lại, trong khi các động thái hướng tới nền kinh tế xanh sẽ tăng tốc trong năm mới.