Kinh doanh

Kích cầu du lịch bằng công nghệ: Thế vận mới cho doanh nghiệp lữ hành vượt bão Covid-19

(VOVTV) - Tại hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM 2020, các doanh nghiệp tiêu biểu đã phát triển/ ứng dụng công nghệ trong du lịch thành công chia sẻ kinh nghiệm dùng công nghệ làm "đòn bẩy" tăng trưởng, kích cầu du lịch nội địa.

Tác giả Thịnh An / VOVTV
21/11/2020 21:49

Kích cầu du lịch bằng công nghệ: "cuộc chơi" của tư duy và đầu tư trí tuệ

Ngành du lịch cần một hệ sinh thái công nghệ toàn diện. Việc vinh danh các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu tại VITM Hà Nội 2020 là tín hiệu về sự chuyển đổi số trong chính tư duy của ngành du lịch, giúp kích cầu du lịch Việt Nam thành công. Giờ đây, du lịch không chỉ bao gồm: dịch vụ lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khách sạn, resort, công nghệ cũng là một phần tất yếu trong đó. 

du lịch 1

Cần nhiều chất xám hơn nữa cho ngành công nghiệp không khói. Ảnh: Thịnh An

Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý và bán hàng trong lĩnh vực du lịch đã được các "tay chơi" trong ngành quan tâm từ lâu. Tuy nhiên, với ảnh hưởng của Covid-19, thói quen và "khẩu vị" của khách du lịch đã thay đổi. Đại dịch lần này là sự kiện cho thấy những doanh nghiệp có tích lũy tài chính, đầu tư nghiêm túc vào chuyển đổi số từ trước đó nhiều năm là những doanh nghiệp tiếp tục tồn tại và tăng trưởng mạnh mẽ. Nhận vinh danh từ Hiệp Hội du lịch Việt Nam, những "lá cờ đầu" của ngành cũng đã có những chia sẻ về cách thức ứng dụng công nghệ vào quá trình kích cầu du lịch.

Mô hình kinh doanh được tạo dựng từ nền tảng công nghệ, tập trung vào thị trường nội địa

Luxstay là một ứng dụng hoạt động trên nền tảng "home-sharing" - chia sẻ nơi ở, mang tính kết nối giữa chủ nhà và khách lưu trú, giúp họ có thể liên hệ với nhau khi có nhu cầu về nhà trọ. Mô hình kinh doanh của Luxstay về cơ bản không khác Airbnb, Agoda hay Booking. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt và thành công ở Luxstay, nhất là trong bối cảnh thế giới đã có Airbnb? 

du lịch 2

Luxstay tập trung vào thị trường du lịch nội địa. Ảnh: Thịnh An

Không giống các nền tảng khác như Airbnb - vốn là nền tảng toàn cầu chưa có sự tập trung cho thị trường Việt Nam, Luxstay hướng tới người dùng Việt, kích cầu du lịch nội địa và kết hợp với các đối tác địa phương tại các quốc gia có nhiều khách du lịch tới Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản... để phát triển người dùng.

CEO Luxstay Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: "Luxstay vô cùng ưng ý với tính năng "Power Commission"; trong đó chủ nhà có thêm lựa chọn mức phí sử dụng nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) là 3%, bên cạnh mức phí sử dụng nền tảng là 15% đang áp dụng. Cụ thể về mức phí sử dụng nền tảng CNTT 3% dành cho chủ nhà, Luxstay sẽ thu phí sử dụng nền tảng CNTT là 3% trên mỗi giao dịch đặt phòng thành công của khách hàng. Giá phòng chủ nhà thiết lập tại Luxstay sẽ là giá đã bao gồm 3% và khách hàng sẽ phải trả phí dịch vụ tương đương với 0-12% giá phòng chủ nhà đã thiết lập tại Luxstay. Mức giá này đảm bảo rẻ hơn rất nhiều so với việc thuê nhà truyền thống. Như vậy, cả Luxstay và đối tác, khách hàng của mình đều có lợi nhờ CNTT."

Cũng như Luxstay, OneLocal - một đại diện đến từ Đà Nẵng, cung cấp đầy đủ thông tin đặt khách sạn, tour du lịch, combo villa/ resort/ homestay, thuê xe, vé tham quan/ show diễn, cẩm nang du lịch, địa điểm hot nhất của các thành phố du lịch nổi tiếng tại Việt Nam như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Phan Thiết, Quy Nhơn, Phú Yên, Ninh Bình, Sapa, Hạ Long,..., giúp khách hàng tự lựa chọn chuyến đi phù hợp nhất theo sở thích và nhu cầu của mình. 

Kích cầu du lịch bằng công nghệ: Thế vận mới cho doanh nghiệp lữ hành vượt bão Covid-19 - Ảnh 4.

OneLocal - một trong các đại diện tiêu biểu về doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch. Ảnh: Thịnh An

Sáng tạo mạng xã hội du lịch có tích hợp OTA

App OneLocal sở hữu mục "Trending", tạo nên một mạng xã hội giúp khách hàng tương tác, chia sẻ về những chuyến du lịch của mình. Ảnh càng nhiều tương tác, khách hàng đó càng nhận được nhiều ưu đãi từ OneLocal. Trong trường hợp này, mỗi khách hàng đã trở thành "đại sứ thương hiệu" cho OneLocal, kích cầu du lịch nội địa cùng app OneLocal.

CEO OneLocal Nguyễn Hữu Thảo cho biết: "Có một may mắn là trước và sau dịch Covid-19, chúng tôi không phải thay đổi nhiều về mặt chiến lược kinh doanh hay kích cầu du lịch. OneLocal về bản chất vốn được xây dựng từ nền tảng công nghệ số - OTA. Mọi hoạt động đều diễn ra trực tuyến từ trước đến nay."

Trong năm vừa qua, một đại diện tiêu biểu khác - Hahalolo đã đạt mức tăng trưởng mạnh, sở hữu hơn 6 triệu người dùng. Đây được xem là thành công của Hahalolo trên hành trình xây dựng mạng xã hội chuyên về du lịch. 

Ngoài việc kết nối cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm du lịch, mua sắm, Hahalolo cho phép người dùng tạo ra thu nhập cho chính mình thông qua tính năng "Điểm 10" – giống với nút Like trên Facebook. Nhưng nếu nút Like chỉ thể hiện được sự hào hứng của bạn bè với bài đăng của bạn, thì những nội dung chia sẻ trên Hahalolo được những người dùng khác sau khi đọc. Nếu họ cảm thấy thích thú với bài chia sẻ kinh nghiệm, địa điểm du lịch hoặc bài review của bạn, họ có thể tặng tiền cho bạn bằng cách nhấp biểu tượng "Điểm 10" bên dưới các bài viết, hình ảnh.

Kích cầu du lịch bằng công nghệ: Thế vận mới cho doanh nghiệp lữ hành vượt bão Covid-19 - Ảnh 6.

Các chương trình của Hahalolo tại VITM 2020 được khách tham quan nhiệt tình hưởng ứng. Ảnh: Thịnh An

Hiện tại, tính năng tặng tiền trên Hahalolo có 5 mức khác nhau tương ứng với 5 mệnh giá: 5.000, 10.000, 20.000, 50.000 và 100.000 VNĐ. Tuy nhiên, mỗi người sử dụng chỉ được phép tặng tiền một lần duy nhất cho mỗi bài viết bạn thích.

Với áp lực cạnh tranh từ thị trường rộng lớn và công nghệ thay đổi mỗi ngày, các công ty du lịch không ngừng điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đặt ra nhiều mục tiêu cao hơn nữa trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; góp phần tăng trưởng doanh thu và kích cầu du lịch nội địa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận