Kinh doanh

Khu đô thị Bắc Đầm Vạc (Vĩnh Phúc): Dùng Hợp đồng vay vốn để bán 'lúa non'

(VOVTV) - Hợp đồng đặt cọc hay hợp đồng tư vấn đều đã quá quen thuộc với nhiều khách hàng quan tâm tới lĩnh vực bất động sản. Gần đây, chủ đầu tư dự án KĐT Bắc Đầm Vạc – River Bay Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) lại có "sáng kiến mới" là Hợp đồng vay vốn. Đáng nói, mục đích của văn bản này cũng không nằm ngoài mong muốn là nhằm huy động vốn khi chưa đủ quy định.

Tác giả Giang Nam / VOVTV
22/02/2022 11:50

Chưa đủ điều kiện đã vội rao bán

Thời gian gần đây, dự án có tên thương mại River Bay Vĩnh Yên (phường Đống Đa, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đang rất được giới bất động sản quan tâm bởi những lời quảng cáo "bắt tai" như: Liền kề - biệt thự - Shophouse đẳng cấp thượng lưu trong lòng thành phố Vĩnh Yên; biểu tượng mới, nơi an cư lý tưởng của giới thượng lưu thành phố Vĩnh Yên và tỉnh Vĩnh Phúc; kiệt tác tái hiện hình ảnh "Vùng sông nước bay lên"…

Khu đô thị Bắc Đầm Vạc (Vĩnh Phúc): Dùng Hợp đồng vay vốn để bán 'lúa non' - Ảnh 1.

Trụ sở Công ty Sông Hồng Thủ Đô tại đường Lam Sơn – TP. Vĩnh Yên

Đáng nói, River Bay Vĩnh Yên được quan tâm không chỉ bởi những lời quảng cáo "có cánh" mà dư luận còn băn khoăn liệu bỏ ra số tiền lớn, đặt bút ký vào bản Hợp đồng vay vốn với "người nhà" của chủ đầu tư, quyền lợi của họ có được đảm bảo hay không?

Theo tìm hiểu của PV, River Bay Vĩnh Yên thực chất là Dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc (KĐT Bắc Đầm Vạc) do Công ty CP Sông Hồng Hoàng Gia - thành viên của Công ty CP TM Sông Hồng Thủ Đô làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng diện tích đất theo điều chỉnh quy hoạch 1/500 là 58.650ha, mức đầu tư tạm tính là hơn 4.400 tỷ đồng. KĐT Bắc Đầm Vạc thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thông qua tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 tại danh mục số 49 trang 7, danh mục các công trình, dự án chấp thuận thu hồi đất để triển khai thực hiện năm 2017 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Khu đô thị Bắc Đầm Vạc (Vĩnh Phúc): Dùng Hợp đồng vay vốn để bán 'lúa non' - Ảnh 2.

Dự án Khu đô thị Bắc Đầm Vạc chưa đủ điều kiện mở bán nhưng vẫn được nhân viên tư vấn cho khách hàng

Trên nhiều trang web về bất động sản, KĐT Bắc Đầm Vạc được giới thiệu có 1.256 sản phẩm bao gồm: 581 shophouse, 404 đất nền liền kề, 113 biệt thự song lập, 158 biệt thự đơn lập. Hình thức sở hữu là sổ đỏ lâu dài, dự kiến bàn giao vào quý I/2022.

Đến thời điểm hiện tại, dù nhiều khu đất tại dự án chỉ đang trong giai đoạn san gạt mặt bằng, chưa được phép mở bán theo quy định pháp luật song chủ đầu tư đã tìm nhiều cách lách luật, huy động vốn.

Lắm chiêu nhiều thức

Cách thức mà chủ đầu tư sử dụng rất khó lường: Khách hàng sẽ ký kết Hợp đồng vay vốn với "người nhà" của chủ đầu tư. Thông qua hợp đồng này, khi hết thời hạn vay vốn, bên vay ("người nhà" của chủ đầu tư) sẽ hoàn trả khoản vay dưới hình thức tiền hoặc tài sản là lô đất mà bên vay thực chất đã mua của chủ đầu tư. Lô đất được hoàn trả này chính là lô đất mà bên cho vay đã lựa chọn và chuyển tiền cho bên vay.

Theo bản Hợp đồng vay vốn mà nhân viên tư vấn cung cấp cho PV, người đứng tên ký với khách hàng là ông Phạm Trường Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô. Nhân viên tư vấn khẳng định ông Minh chịu trách nhiệm phụ trách dự án và là "người nhà" của Chủ tịch Hội đồng quản trị nên khách hàng ký kết hợp đồng vay vốn với ông Minh cũng là ký kết với chủ đầu tư.

Khu đô thị Bắc Đầm Vạc (Vĩnh Phúc): Dùng Hợp đồng vay vốn để bán 'lúa non' - Ảnh 3.

Huy động vốn bằng hình thức dùng Hợp đồng vay vốn với người nhà chủ đầu tư

Trong khi trên hồ sơ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Sông Hồng là ông Trần Đại Thắng - Tổng Giám đốc. Vậy căn cứ vào đâu ông Phạm Trường Minh lại có thể đại diện cho chủ đầu tư ký kết hợp đồng với khách hàng?

Pháp luật quy định chủ đầu tư không được kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh và không được huy động, chiếm dụng vốn trái phép. Cụ thể, Điều 55 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh nêu rõ: Nếu là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Trong trường hợp này, các hợp đồng ký kết giữa khách hàng và chủ đầu tư sẽ không được pháp luật công nhận.

Hợp đồng vay vốn nhưng thực chất là mua bán dự án, giao dịch cá nhân nhưng lại thể hiện quan hệ giữa chủ đầu tư và khách hàng, cách mà Công ty CP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô đang sử dụng để bán dự án KĐT Bắc Đầm Vạc phát sinh nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ai sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng trước những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của chủ đầu tư?

PV sẽ tiếp tục thông tin!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận