Không có 'kế hoạch B' cho Tổng thống Biden nếu Thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ
Nếu các nhà đàm phán không thể làm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran, các chuyên gia cảnh báo, sẽ không có "kế hoạch B" nào cho Tổng thống Biden và nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột tại Trung Đông sẽ ngày càng gia tăng.
Không có kế hoạch B
Việc nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran là một mục tiêu chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông bước vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, thỏa thuận quan trọng này dường như đang trên bờ vực sụp đổ không thể cứu vãn được khi các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng mất kiên nhẫn với Tehran về các cuộc đàm phán trì trệ ở Vienna, Áo nhằm khôi phục thỏa thuận.
Nếu các nhà đàm phán không thể làm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran, các chuyên gia cho rằng sẽ không có "kế hoạch B" khả thi nào cho Tổng thống Biden và nguy cơ của một cuộc xung đột tại Trung Đông có thể gia tăng. Iran đang vi phạm các hạn chế làm giàu uranium và "phe diều hâu" trong chính trường Mỹ cảnh báo, "thời gian đột phá" (breakout time - thời gian ước tính để Iran sản xuất đủ nhiên liệu uranium được làm giàu ở cấp độ vũ khí) ngày càng rút ngắn.
Barbara Slavin, giám đốc Viện Tương lai Sáng kiến Iran tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định với Insider rằng vẫn còn hy vọng thỏa thuận hạt nhân Iran có thể được cứu vãn và nhấn mạnh, nền kinh tế Iran đang trong "tình trạng mong manh" khiến chính phủ nước này nhận ra lợi ích của việc quay lại thỏa thuận.
"Một số nhân tố sẽ đóng vai trò then chốt. Đó là việc Trung Quốc sẽ gia tăng sức ép ở mức độ nào để thuyết phục Iran rằng nước này sẽ được hưởng lợi từ việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt và liệu chính quyền Mỹ có đủ tự tin để tuyên bố rằng Washington sẽ gắn với thỏa thuận này trong suốt nhiệm kỳ của ông Biden hay không", bà Salvin đánh giá.
Gần đây, Tổng thống Biden cam kết Mỹ sẽ chỉ phá vỡ thỏa thuận được đàm phán lại nếu có bằng chứng rõ ràng cho thấy Iran vi phạm các điều khoản.
"Sẽ không có 'Kế hoạch B', mà chỉ có sự tiếp nối của 'Kế hoạch A': Đó là ngoại giao và động lực để giảm nhẹ trừng phạt", chuyên gia Salvin cho hay.
Bà Salvin nói thêm: "Iran là một quốc gia đã ‘chạm ngưỡng’ với khả năng chuyên môn và nguyên liệu cần thiết để phát triển bom nếu nước này quyết định làm vậy. Iran chưa làm điều này trước đây bởi Tehran cho rằng họ có thể bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà không cần đến vũ khí hạt nhân và việc theo đuổi lộ trình đó chỉ làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới ở Trung Đông".
Tiếp tục con đường ngoại giao hay phản ứng quân sự?
Joseph Cirincione, học giả tại Viện Quincy về Nghệ thuật Quản lý Nhà nước trong một dòng tweet hôm 1/10 nhấn mạnh, ngoại giao là cách tốt nhất và là "cách duy nhất" để "kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran cũng như ngăn chặn một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông".
Các quan chức Israel cho rằng, việc đưa ra phản ứng quân sự với Iran là điều cần thiết nếu các cuộc trao đổi thất bại. Ngày 31/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không loại trừ các lựa chọn quân sự nhằm chống lại Iran nếu đàm phán không khả quan.
"Nếu các cuộc đàm phán ở Vienna thất bại, nguy cơ leo thang quân sự giữa Iran và Israel sẽ gia tăng", Randa Slim, học giả cấp cao tại Viện Trung Đông nhận định với Insider.
Với căng thẳng vẫn ở mức cao, cuối tuần trước, Mỹ đã điều máy bay ném bom B1-B tới Trung Đông, hoạt động cùng các tiêm kích từ Israel, Bahrain, Ai Cập và Saudi Arabia.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được xây dựng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama, hay còn được biết tới là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) có mục tiêu ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân và đổi lại bằng việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế lên nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận trên vào tháng 5/2019, dẫn tới một loạt sự kiện làm leo thang căng thẳng giữa Washington và Iran ở mức lịch sử, châm ngòi cho một số cuộc xung đột nhỏ ở Vịnh Ba Tư và làm dấy lên mối lo ngại chiến tranh. Giữa bối cảnh này, cựu Tổng thống Trump đã tiến hành chiến lược "gây sức ép tối đa" nhằm chống lại Iran, triển khai các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề với mục tiêu buộc Iran phải đàm phán một thỏa thuận chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, mục tiêu trên đã thất bại.
Mặc dù ban đầu Iran vẫn tuân thủ JCPOA nhưng nước này dần có những động thái xa rời thỏa thuận và từ bỏ nó sau khi cựu Tổng thống Trump ra lệnh không kích giết chết tướng cấp cao của nước này là ông Qassem Soleimani vào tháng 1/2020. Những hành động của Iran bao gồm làm giàu uranium lên tới 60% (trong khi thỏa thuận giới hạn mức độ làm giàu chỉ là 3,67%) mặc dù mức độ này vẫn thấp hơn mức độ làm giàu uranium ở cấp độ vũ khí là gần 90%, đồng thời giảm sự tiếp cận của các thanh sát viên quốc tế.
Chương trình hạt nhân Iran đã phát triển đến một giai đoạn mà chính quyền Tổng thống Biden cảnh báo việc làm hồi sinh JCPOA có thể sớm trở nên vô nghĩa.
Trở lại hồi tháng 4, các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran bắt đầu ở Vienna với mục tiêu đưa cả hai tuân thủ thỏa thuận. Tuy nhiên, Mỹ từ chối giảm nhẹ trừng phạt Iran cho tới khi nước này tuân thủ các biện pháp hạn chế của JCPOA, trong khi Iran yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden dừng trừng phạt trước khi nước này quay lại tuân thủ thỏa thuận.
Ban đầu, các cuộc đàm phán có những dấu hiệu tích cực nhưng Iran đã tạm dừng trao đổi và tháng 6 sau cuộc bầu cử với Tổng thống mới là người có lập trường cứng rắn - ông Ebrahim Raisi. Tuần trước, Iran thông báo nước này đã sẵn sàng quay lại đàm phán vào cuối tháng 11 nhưng thời gian vẫn chưa được ấn định. Chính quyền Tổng thống Biden thận trọng hoan nghênh động thái này.
Tuy nhiên, gần đây, phía Mỹ cáo buộc lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mỹ ở Iraq và Syria, đồng thời khẳng định nỗ lực này sẽ không giúp giải quyết vấn đề. Sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây vào quân đội Mỹ ở Syria, chính quyền Tổng thống Biden tuần trước đã ban hành lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran liên quan đến chương trình máy bay không người lái của nước này.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Rome vào 31/10, Tổng thống Biden nói với báo giới rằng Mỹ "đang tiếp tục chịu đựng hậu quả từ những quyết định rất tồi tệ của cựu Tổng thống Trump khi rút khỏi JCPOA". Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cảnh báo, Washington sẽ tiếp tục phản ứng trước bất kỳ hành động hung hăng nào nhằm vào quân đội Mỹ trong khu vực.
Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Đức (tất cả các nước đều ở trong JCPOA) ngày 30/10 đã đưa ra một tuyên bố chung chỉ trích "các biện pháp hạt nhân khiêu khích" mà Iran đã tiến hành.
Tuyên bố này cũng hối thúc Iran "thay đổi thái độ", kêu gọi ông Tổng thống Raisi "nắm bắt cơ hội và quay lại với nỗ lực thiện chí để hoàn tất việc đàm phán của chúng ta".
Tin nổi bật
Tin Video