Tin tức

2 Hội nghị Thượng đỉnh của Biden và 'câu hỏi thế hệ' về quan hệ Mỹ - Trung

Tổng thống Joe Biden hiện đang chuẩn bị cho 2 Hội nghị Thượng đỉnh mà một lần nữa ông không gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, những căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn sẽ hiện hữu.

29/10/2021 09:05

2 Hội nghị Thượng đỉnh về Trung Quốc nhưng không có Trung Quốc

Trong 9 tháng dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã theo đuổi chiến lược ngoại giao tập trung vào Trung Quốc nhưng không có nhiều cuộc trao đổi với Trung Quốc.

Trên các vấn đề như an ninh, thương mại, khí hậu và Covid-19, Nhà Trắng cố gắng tái định hướng trọng tâm của Mỹ và các đồng minh vào những thách thức chiến lược mà sự trỗi dậy của Trung Quốc tạo ra, nhưng hầu như có rất ít cuộc gặp trực tiếp giữa 2 đối thủ này với nhau.

2 Hội nghị Thượng đỉnh của Biden và 'câu hỏi thế hệ' về quan hệ Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Tổng thống Biden sẽ lần đầu tiên dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rome vào cuối tuần này sau nhiều tháng đàm phán bất thành về những đề xuất của ông nhằm đầu tư thêm hàng tỷ USD cho những người lao động Mỹ và các ngành chủ chốt. Ông đã thúc đẩy những chính sách này bằng cách coi chúng là giải pháp để đối phó với mối đe dọa thế hệ mà Trung Quốc gây nên, cũng như kêu gọi phần còn lại của thế giới tham gia vào kế hoạch này của ông.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bỏ qua Hội nghị Thượng đỉnh G-20 và Hội nghị Thượng đỉnh tiếp theo về biến đổi khí hậu ở Scotland do đại dịch Covid-19. Đây sẽ là sự vắng mặt đáng chú ý bởi thế giới đang chờ xem Trung Quốc sẽ đưa ra những cam kết gì để cắt giảm phát thải khí nhà kính. Thay vào đó, ông Tập Cận Bình sẽ tham gia một số sự kiện trực tuyến khác, bỏ qua những cuộc trao đổi bên lề không chính thức, vốn thường mang lại nhiều tiến triển trong các Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế.

Kể từ khi nắm quyền hồi tháng 1, Tổng thống Biden chỉ trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình 2 lần mặc dù họ đã nhất trí sẽ tổ chức họp trực tuyến vào một thời điểm nào đó cuối năm nay. Nhà lãnh đạo Mỹ tập trung vào ưu tiên củng cố vị thế trong nước cũng như quốc tế trước khi tham gia vào cuộc gặp một - một trực tiếp với ông Tập.

"Trong kỷ nguyên cạnh tranh Mỹ - Trung diễn ra gay gắt, ngoại giao mạnh mẽ ở cấp cao nhất, cấp lãnh đạo có ý nghĩa quan trọng để giải quyết hiệu quả mối quan hệ này", cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết ngày 26/10.

Trung Quốc chưa bao giờ nằm ngoài suy nghĩ của ông Biden và Tổng thống Mỹ muốn vấn đề này cũng xếp hàng đầu trong suy nghĩ của các cử tri.

Tổng thống Biden ám chỉ đến Trung Quốc gần như trong mọi bài phát biểu. Ông thúc đẩy nhu cầu cần đối phó với Trung Quốc trong những tuyên bố chính sách quan trọng từ việc rút quân khỏi Afghanistan cho tới dự luật hàng nghìn tỷ USD về xây dựng hạ tầng trong nước và các khoản ngân sách xã hội.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tái tập trung các cơ quan trong chính quyền liên bang và các liên minh toàn cầu như NATO nhằm đối phó với Trung Quốc, thậm chí cả khi các nhà ngoại giao châu Âu thường thể hiện sự khó hiểu một cách lịch sự trước việc Washington tăng cường đối đầu với Bắc Kinh. Nhiều nước châu Âu đã tham gia vào dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc mang tên "Vành đai và Con đường" trong khi Mỹ cố gắng ngăn tập đoàn Huawei của Trung Quốc kiểm soát xương sống hạ tầng 5G.

Tại Thượng đỉnh G-20, Tổng thống Biden sẽ một lần nữa truyền tải đến thế giới thông điệp "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn"- một nỗ lực nhằm cung cấp cho các nước phát triển giải pháp thay thế các sáng kiến hạ tầng của Trung Quốc. Ông Biden cũng sẽ hối thúc các đồng minh của Mỹ đáp ứng cam kết đóng góp vaccine toàn cầu nhanh chóng hơn, giữa bối cảnh Mỹ thận trọng theo dõi Trung Quốc triển khai chiến lược "ngoại giao vaccine Covid-19".

Mỹ đã ưu tiên hợp tác với các đối tác trong nhóm Bộ Tứ (Quad) gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, cũng như cố gắng khiến các đồng minh công khai lên tiếng về một lập trường thống nhất hơn nhằm đối phó với Trung Quốc. Giải quyết tranh cãi địa chính trị với Pháp về kế hoạch Mỹ và Anh cung cấp cho Australia tàu ngầm hạt nhân nhằm phản ứng tốt hơn trước mối đe dọa từ Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu trong chương trình ngoại giao của ông Biden tuần tới.

Quan hệ Mỹ - Trung: Câu hỏi thế hệ

Dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Biden, cơ quan tình báo Mỹ đã tiến hành một loạt cuộc điều tra tập trung vào Trung Quốc. Các quan chức nước này cáo buộc Bắc Kinh tiến hành các hoạt động gián điệp mạng, can thiệp bầu cử Mỹ và trì hoãn cung cấp những thông tin quan trọng về đại dịch Covid-19. Những cáo buộc này đã vấp phải sự bác bỏ mạnh mẽ từ Bắc Kinh.

Phát biểu trước các sinh viên Đại học Stanford tuần trước, Giám đốc CIA William Burns đã gọi Trung Quốc là "một thách thức địa chính trị lớn nhất" mà Mỹ phải đối mặt.

"Đối với Mỹ, việc cạnh tranh với Trung Quốc đã lan rộng ở gần như mọi lĩnh vực".

Trên mặt trận quân sự, mối lo ngại gần đây nhất của Mỹ là vụ thử vũ khí siêu thanh của Trung Quốc. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng đã gọi đây là sự kiện rất gần với "khoảnh khắc Sputnik" - thời điểm Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên trên thế giới vào không gian năm 1957, một diễn biến khiến thế giới bất ngờ và làm dấy lên nỗi lo sợ rằng Mỹ đã tụt hậu về công nghệ.

Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ những bài báo của phương Tây về vụ thử tên lửa, đồng thời cho biết, đó là một tàu vũ trụ có thể tái sử dụng chứ không phải tên lửa.

Trong khi một số người coi đây là sự xuất hiện của một cuộc chiến tranh lạnh mới thì mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới phức tạp hơn nhiều so với những căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.

Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc vừa đối đầu nhưng cũng phụ thuộc vào nhau. Mỹ cần hợp tác với Trung Quốc để đối phó với biến đổi khí hậu và kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran. Hai nền kinh tế cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau bất chấp những biện pháp thuế quan dưới thời cựu Tổng thống Trump mà đến nay Tổng thống Biden vẫn tiếp tục thực hiện.

Trong khi Bắc Kinh tìm cách đảo ngược các biện pháp bảo hộ thương mại thì Mỹ không thể chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc như một lực lượng địa chính trị ngang bằng ảnh hưởng với mình. Các nhà quan sát cho rằng, chính quyền Tổng thống Biden có một số điểm tiếp nối đáng chú ý từ lập trường của chính quyền cựu Tổng thống Trump nhằm đối phó với Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc "có lẽ là câu hỏi của thế hệ chúng ta", Matthew Goodman, phó chủ tịch phụ trách kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho hay. Tổng thống Biden cần duy trì quan hệ với Trung Quốc nhằm đối phó với những vấn đề hiện hữu như biến đổi khí hậu, thậm chí cả vấn đề Đài Loan, an ninh mạng hay những nỗ lực nhằm mang các công việc trở lại các nhà máy.

Các dữ liệu thống kê cho thấy, năm nay, Mỹ sẽ tiếp tục nhập khẩu 470 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Trung Quốc, mức cao nhất kể từ năm 2018 khi Tổng thống Trump bắt đầu áp đặt các biện pháp thuế quan mới. Thương mại đã khiến 2 quốc gia kết nối với nhau và phụ thuộc vào nhau để phát triển, bất chấp những căng thẳng hiện nay.

Trong khi cựu Tổng thống Trump chủ yếu đơn độc đối phó với Trung Quốc thì Tổng thống Biden coi 2 Hội nghị Thượng đỉnh vào tuần tới là một cơ hội để thúc đẩy những điều mà ông gọi là liên minh phương Tây nhằm chống lại Trung Quốc.

Ý kiến của bạn