Kinh doanh

Hành trình đưa trái dừa Bến Tre vươn tầm quốc tế

(VOVTV) - Nhờ sự đột phá trong nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt, TS. Nguyễn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Công nghệ & Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Viện ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã giúp ngành dừa Bến Tre, Việt Nam đạt kỷ lục về xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.

Tác giả Linh Trịnh / VOVTV
13/12/2020 18:48

Tại cuộc gặp gỡ với những tấm gương điển hình trong Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần X, trao đổi với Truyền hình Du lịch VOVTV, TS. Nguyễn Phương tự hào chia sẻ: "Lần đầu tiên Việt Nam có một dây chuyền công nghệ sản xuất dầu dừa nguyên chất quy mô 5 triệu lít/ năm và đạt được tiêu chuẩn của thế giới, tiêu thụ thành công ở thị trường Mỹ và châu Âu. Và cũng lần đầu tiên ở Việt Nam, sản phẩm dừa Bến Tre được áp dụng công nghệ cao để chiếm lĩnh thị trường quốc tế." 

Giá dừa tăng lên 2,5 lần, cũng như giá trị tăng 3,3 lần đã giúp doanh nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre giải quyết được 1.200 lao động, doanh thu tăng đáng kể trong những dự án vừa qua. 

Gắn bó với dừa Bến Tre 7 năm trời như một cơ duyên

Những năm qua, khoa học – công nghệ đã đạt được những tiến bộ đáng kể và góp phần tạo động lực cho sự phát triển của kinh tế, xã hội. Và với TS. Nguyễn Phương, tên tuổi của ông đã gắn liền với hình ảnh trái dừa Bến Tre. 

Ông là nhà khoa học tiên phong trong việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao trong việc chế biến trái dừa, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, cũng như đưa sản phẩm dừa Bến Tre tiến vào thị trường Mỹ và EU. Chia sẻ về cơ duyên, TS. Nguyễn Phương cho biết: "Nhiều người hỏi tôi tại sao sinh ra, lớn lên, học tập và công tác tại Hà Nội nhưng lại gắn bó với cây dừa Bến Tre 7 năm qua. Tôi đã trả lời rằng, đó là cơ duyên và tôi coi Bến Tre như quê hương thứ hai của mình."

dừa Bến Tre

TS. Nguyễn Phương trong buổi chia sẻ với VOVTV. Ảnh: VOVTV

Vào những năm 2011-2012, giá dừa Bến Tre giảm sút và "người dân Bến Tre bán 12 trái dừa vẫn chưa đủ mua 1 cân gạo". Trước thực trạng đó, người dân có xu hướng chặt bỏ cây dừa. Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre đã có công văn gửi Bộ KH&CN, nhờ Bộ KH&CN giúp đỡ người dân Bến Tre và doanh nghiệp chế biến dừa khắc phục khó khăn. 

Vì vậy, Bộ KH&CN đã thành lập đoàn khảo sát và giao cho nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Ứng dụng công nghệ của TS. Nguyễn Phương thực hiện nhiệm vụ: "Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt" thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020. Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới được UBND tỉnh Bến Tre lựa chọn là đơn vị tiên phong phối hợp cùng nhà khoa học để đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng các sản phẩm từ dừa.

Dừa Bến Tre: đi đúng hướng nhờ nắm bắt tốt nhu cầu của thị trường 

Sản phẩm chủ đạo của tỉnh Bến Tre là dầu dừa nguyên chất, hay có tên thương mại là VCO. Khi đó, ở Việt Nam tồn tại 3 loại công nghệ chế biến dừa: để nắng, enzyme, ly tâm. TS. Nguyễn Phương chọn hướng thứ ba, không sử dụng nhiệt, không sử dụng hóa chất trong quá trình chiết tách.

Trong công nghệ sản xuất dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt, công đoạn tách pha (pha nước, pha dầu, pha rắn) có vai trò rất quan trọng quyết định tới chất lượng và hiệu suất thu nhận dầu dừa. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã tìm cách tách pha trên thiết bị ly tâm 3 pha để vừa thu hồi được lượng dầu dừa lớn, vừa đảm bảo dầu dừa có được chất lượng cao theo tiêu chuẩn cho phép.

Công nghệ được ứng dụng thành công, lần đầu tiên ở Việt Nam có một dây chuyền sản xuất tinh VCO năng suất 5 triệu lít/năm, được đánh giá tiên tiến hàng đầu hiện nay trên thế giới. Sản phẩm VCO được cấp chứng nhận US FDA và BRC food đáp ứng được yêu cầu của thị trường Mỹ và EU.

dừa Bến Tre

TS. Nguyễn Phương báo cáo kết quả ứng dụng công nghệ tại Đại hội Thi đua yêu nước Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Vụ KH&CN

Một vấn đề đặt ra là tại sao thế giới lại quan tâm đến dầu dừa tinh khiết như vậy? Lý do là bởi hàm lượng của acid lauric trong dầu dừa là từ 50 – 52%, khi được đưa vào cơ thể sẽ tạo nên chất có tên gọi monolaurin. Monolaurin từ acid lauric có khả năng ức chế sự phát triển của các mầm bệnh nhờ vào đặc tính kháng khuẩn mạnh. Chính điều này đã khiến VCO được đưa vào sử dụng trong các sản phẩm. "Người Mỹ coi đây là thực phẩm chức năng chứ không phải là dầu dừa đơn thuần; cho nên giá thành của VCO thời điểm đó rất cao", TS. Nguyễn Phương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một sản phẩm chất lượng cao không thể có giá thành thấp. Để giải quyết vấn đề này, TS. Nguyễn Phương cùng với các doanh nghiệp đã tiến hành giải mã và áp dụng các công nghệ phụ trợ để đưa ra một chuỗi phụ phẩm từ sản phẩm trong quá trình chế biến: sữa dừa, bột dừa và đặc biệt là nước dừa. 

Vì thực tế cho thấy, "doanh nghiệp thải ra 90.000 – 100.000 lít nước dừa/ngày sản xuất. Lượng lớn như vậy dễ ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời chúng ta mất đi một nguồn của thiên nhiên ban tặng: những khoáng chất, hợp chất có trong nước dừa tự nhiên."

Người Việt Nam vốn chỉ quen uống nước dừa từ quả dừa, còn đối với nước dừa già, chúng ta chỉ làm thạch dừa. TS. Nguyễn Phương và các cộng sự đã giải mã và áp dụng công nghệ tiên tiến để tách những hợp chất phi thực phẩm, để biến nước dừa già thành nước dừa giải khát, phục vụ cho những thị trường khó tính như Anh, Đức, Mỹ và họ đã thành công trong việc này.

Hành trình đưa trái dừa Bến Tre vươn tầm quốc tế - Ảnh 3.

Dừa Bến Tre vươn xa, có mặt tại gần 90 quốc gia, chiếm lĩnh thị trường Mỹ và EU. Ảnh: Đảng Cộng sản

Những thành công đó đã giúp cho doanh nghiệp có những bước tăng trưởng, giúp cho địa phương tạo công ăn việc làm cho người dân. Sau gần 7 năm đưa công nghệ mới vào ứng dụng, doanh thu 132 tỷ đồng (năm 2013) đã tăng lên 1.200 tỷ đồng (năm 2019).

TS Nguyễn Phương cho biết, việc áp dụng công nghệ đã tăng năng lực xuất khẩu VCO lên 26 lần, tăng giá trị VCO lên 3,3 lần so với sản xuất dầu dừa công nghệ cũ. Dây chuyền sản xuất nước dừa năng suất 12.000 lít/giờ, bao gói hộp giấy với 3 loại: 300 ml, 500ml, 1000ml đã được cấp chứng chỉ quốc tế và được thị trường Mỹ, EU đón nhận.

Bằng năng lực, nhiệt huyết cùng lòng yêu nước, ý thức tự lực tự cường, TS. Nguyễn Phương cùng các nhà khoa học thuộc Bộ KH&CN đã nỗ lực hoàn thành tốt lời căn dặn của Bác: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân".

Mời quý vị theo dõi cuộc trò chuyện của TS. Nguyễn Phương với VOVTV
https://www.youtube.com/watch?v=ZjR...
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận