Giật mình trẻ lao vào đấm bạn của mẹ vì chê... chị Thơ Nguyễn
Chị Thảo vừa mở lời "chê" Thơ Nguyễn giọng vừa chua vừa chói thì cháu bé 6 tuổi từ trong phòng lao ra... đánh đấm vào người chị.
Không mở "chị Thơ", không ăn cơm
Chị Trần Thị Thảo, ở Hoàng Mai, Hà Nội kể tình huống xảy ra tại nhà chị bạn cách đây không lâu.
Lúc đó, hai chị em than thở về việc con nghiền xem clip chỉ dẫn linh tinh của Thơ Nguyễn. Chị Thảo vừa buông lời chê "giọng vừa chua vừa chát", thì bất ngờ cháu bé 6 tuổi con chị bạn lao ra từ trong phòng ra, đánh đấm liên tục và người chị.
Cháu gào lên: "Đáng ghét! Cô dám chê chị Thơ này! Dám chê này!". Cháu còn nói mẹ và cô... là đồ ngu ngốc.
Mẹ cháu lên tiếng cảnh cáo, phạt vì hành động mất kiểm soát, cháu vẫn rất tức giận và ấm ức vì "thần tượng" bị chê.
Chị Thảo bất ngờ trước phản ứng của cháu nhưng càng thấy rõ hơn tình trạng khi trẻ "say mê" những clip, thông tin nhảm trên mạng. Chẳng đâu xa, hai đứa con nhỏ của chị, không đến mức thần tượng chị Thơ Nguyễn nhưng cũng nắm hết các nội dung clip, nhái giọng điệu y chang, xem xong là đòi mua... sản phẩm.
Hay như con gái của em trai chị Thảo, gần hai năm qua, cứ phải mở clip chị Thơ Nguyễn lên mới chịu ăn cơm. Rồi khi cháu khó chịu, đòi hỏi, mệt mỏi... thì chỉ có chị Thơ Nguyễn mới an ủi, giúp cháu vui vẻ trở lại. Sức ảnh hưởng, tác động còn hơn cả bố mẹ.
Liên quan đến đoạn clip "xin vía học giỏi" cho các em học sinh đăng trên tài khoản Tiktok của YouTuber Thơ Nguyễn, nhiều luật sự nhận định hành vi này có thể bị xử hình sự.
Không ít clip khác của Thơ Nguyễn cũng bị phản ứng nhảm nhí, thiếu giác dục, âm thanh chói tai, câu từ ngôn ngữ phản cảm, không phù hợp với trẻ em.
Mở clip ra, nghe tiếng chị Thơ Nguyễn, nhiều người thấy như đang bị tra tấn, căng thẳng, ám ảnh hơn cả vấn nạn karaoke "hét vào tai" mà TPHCM đang tìm cách ngăn chặn.
Giọng choi chỏi, chua ngoắt lại ồm ồm, không cần đến âm thanh cỡ lớn cũng "dội" thẳng vào màng nhĩ có thể làm mất tinh thần cả những người nhiều năng lượng nhất.
Con trẻ bị bỏ rơi ngay trong nhà
Người lớn ám ảnh, mệt mỏi với nhiều clip của Thơ Nguyễn nhưng vì đâu đây lại là món ăn tinh thần của nhiều đứa trẻ? Kênh YouTube Thơ Nguyễn đạt con số khủng với gần 9 triệu lượt tài khoản đăng ký theo dõi, đa số là trẻ nhỏ.
Đâu chỉ mỗi kênh này, nhan nhản clip, nội dung nhảm nhí, phản cảm, ghê rợn, bạo lực... trên mạng rất thu hút, trở thành "người bạn thân thiết" với nhiều trẻ nhỏ.
Sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra như tác động của công nghệ, các clip đánh vào tâm lý, thị thiếu... Nhưng điều cần nhìn thẳng là những clip này đánh vào đúng nhu cầu của bố mẹ và trạng thái trẻ bị bỏ rơi ngay trong nhà.
Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, TPHCM chia sẻ, câu chuyện từ YouTuber Thơ Nguyễn vừa qua liệu có cảnh tỉnh bao nhiêu phụ huynh, gia đình?
Họ có phần bỏ mặc con với thế giới mạng thượng vàng hạ cám thông tin; có phần vô can không phản ứng không bày tỏ trước những điều xấu, thiếu văn hóa, phản giáo dục. Tất nhiên, cũng có có sự bất lực trước xu thế tiếp cận văn hóa, công nghệ giải trí và sự kiểm soát quản lý mạng xã hội hiện nay.
Nhiều gia đình không có thời gian cho con hoặc không xem con điều ưu tiên. Bố mẹ thả con cho tivi, điện thoại, máy tính trong mọi bối cảnh để mình rảnh tay. Để rồi con trẻ tìm thế giới của chúng, đắm mình trong đó.
Điều đi vào nhận thức, tâm hồn của nhiều đứa trẻ hàng ngày, hàng giờ không phải là những lời chia sẻ, thủ thỉ nhỏ nhẹ, những câu hát ru, vần thơ từ mẹ; không phải là những câu chuyện, lời tâm tình, ánh mắt từ bố.
Trẻ không được "tắm" trong những điều tốt đẹp, tình cảm của người thân. Mà là những clip nhộn nhạo sắc màu âm thanh nhộn kia. Không phải bố mẹ, mà chính những clip làm bạn với trẻ, mang đến tiếng cười, phấn khích cho trẻ.
Dần dần những clip nhảm, thảm của những người xa lạ, chỉ nhìn qua màn hình trở thành phần quen thuộc của trẻ, ảnh hưởng, tác động đến trẻ. Đáng sợ nhưng thực tế, nhiều đứa trẻ chỉ thấy an toàn trong thế giới đầy rẫy nguy hiểm này.
Bởi thử hỏi, nếu bước ra khỏi đó, các em có gì bên cạnh?
Khi con đòi xem tivi, điện thoại bao nhiêu ông bố bà mẹ dắt con đi dạo, trò chuyện cùng con, đọc sách cho con, chơi với con... thay thế cho rất - nhiều - chị - Thơ - Nguyễn?
Hay chúng ta la mắng hoặc chiều con cho xong việc của mình, ném cái điện thoại cho con, đưa tay bật lên cho con...
Không phải trẻ nhỏ mà trước hết người lớn đang tiếp tay những clip, nội dung hài, nhảm bởi sự lười biếng, bỏ bê con. Họ cần "những chị Thơ" như người giúp việc, giữ trẻ mà ít tốn kém nhất.
Nói như lời một họa sĩ trẻ, chị vô cùng đau xót không hiểu sao phụ huynh lại có thể dễ dãi với món ăn tinh thần của con trẻ đến vậy.
Nhưng phải nói hơn cả dễ dãi, phụ huynh bỏ rơi con trẻ. Những clip hài nhảm đánh thẳng vào sự cô đơn, thiếu vắng cha mẹ của trẻ nhỏ
Tin nổi bật
Tin Video