Tin tức

Từ vụ YouTuber Thơ Nguyễn chơi búp bê Kumanthong đến việc kiểm soát nội dung Youtube cho trẻ em

(VOVTV) - Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh và các bạn trẻ phẫn nộ trước clip sử dụng búp bê Kumanthong để xin vía học giỏi cho các bạn nhỏ của Thơ Nguyễn. Sự việc cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về những video "bẩn" nhắm tới trẻ em trên Youtube.

Tác giả Ngọc Bích / VOVTV
12/03/2021 16:54

Hồi chuông cảnh báo

Thơ Nguyễn là một Youtuber nổi tiếng với những video dành cho trẻ em. Kênh Youtube của cô có gần 9 triệu người theo dõi và được nhiều bạn nhỏ yêu mến. Tuy nhiên, gần đây, các bậc phụ huynh và nhiều người sử dụng mạng xã hội bức xúc trước hành động sử dụng búp bê Kumanthong - một loại đồ tâm linh đến từ Thái Lan - làm clip cầu vía học giỏi cho các em nhỏ của cô. Video của cô đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội và nhiều người đã đặt vấn đề về việc phải kiểm soát các kênh mạng xã hội dành cho trẻ em và nhắm tới trẻ em. Được biết, đây không phải lần đầu tiên Thơ Nguyễn dính phải tranh cãi về việc sản xuất những video không phù hợp với lứa tuổi.

Vụ việc về Youtuber Thơ Nguyễn đã khiến nhiều phụ huynh giật mình xem lại những gì mà con cái của họ vẫn đang xem hàng ngày. May mắn thì là video ca nhạc, hoạt hình vui nhộn nhưng cũng không ít người lớn phải bàng hoàng trước những video có xu hướng bạo lực, thậm chí dẫn dụ tự tử và trên thực tế đã xảy ra không ít vụ các em nhỏ làm theo hướng dẫn tự tử trên video, gây hậu quả thương tâm.

Từ vụ Thơ Nguyễn đến việc kiểm soát nội dung Youtube cho trẻ em - Ảnh 1.

Yotuber Thơ Nguyễn và video xin vía học giỏi cho các em nhỏ gây phẫn nộ cộng đồng mạng

Video độc hại khó kiểm soát

Youtube hay mạng xã hội đã quá phổ biến trong cuộc sống công nghệ hiện nay. Nó trở thành công cụ hữu ích đối với nhiều người trong cả công việc lẫn giải trí. Đối với trẻ em, Youtube mang đến một thế giới mới với đầy màu sắc, thông qua những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, đáng yêu, và mang tới cho các em nhiều kiến thức bổ ích về xã hội và đời sống. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Bên cạnh ích lợi, mạng xã hội cũng là nơi  lan tràn các nội dung độc hại, khó kiểm soát. Phó mặc đời sống tinh thần của con cái cho chiếc điện thoại hay ipad có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Việc kiểm soát nội dung trên các nền tảng mạng xã hội không phải là việc dễ dàng, nhất là khi các video được ngụy trang công phu để tránh sự kiểm duyệt.

Rất nhiều video hoạt hình dành cho trẻ em với những phút đầu được làm chỉn chu, phù hợp nhưng đến khoảng giữa video thì các hành động bạo lực, tự làm đau mình hay làm đau người khác của các nhân vật hoạt hình mới xuất hiện. Những dạng video kiểu này không chỉ qua mắt được thuật toán sàng lọc của Youtube mà còn qua mắt được các phụ huynh muốn kiểm tra nội dung xem của con.

Những video nếu xem qua tưởng chừng không có gì nhưng lại tác động xấu đối với trẻ em. Các video Kumanthong của Youtuber Thơ Nguyễn là một ví dụ tiêu biểu. Dù Thơ Nguyễn không thừa nhận, nhưng video của cô có dấu hiệu truyền bá mê tín dị đoan và nhắm tới các em nhỏ khi dùng búp bê tà thuật để vía học giỏi. Thậm chí, Thơ Nguyễn còn khẳng định: "Xin vía học giỏi là cái gì đó không sai trái".

Từ vụ Thơ Nguyễn đến việc kiểm soát nội dung Youtube cho trẻ em - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Bảo vệ trẻ em trước các nội dung không phù hợp

Trách nhiệm đầu tiên trong việc bảo vệ trẻ em trước các nội dung không phù hợp chính là cha mẹ. Trên nền tảng Youtube luôn có chế độ hạn chế để kiểm soát nội dung xem cho trẻ nhỏ hay đăng nhập bằng tài khoản để biết lịch sử xem video khi ở xa và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Những cách đơn giản như vậy nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết.

Phụ huynh cần dành thời gian để xem các chương trình cùng con. Đây là cách giúp phụ huynh kiểm soát được hiểu quả nhất nội dung xem của con mình, đồng thời hướng các con đến những kênh Youtube lành mạnh, bổ ích. 

Các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp quyết liệt hơn trong việc kiểm soát các nội dung trên nền tảng xã hội. Thơ Nguyễn đã từng dính phải nhiều tranh cãi trong việc sản xuất video dành cho trẻ em không phù hợp như "tiếng rên la" phản cảm, dạy trẻ em nấu nước ngọt, làm các video hướng dẫn gây nổ nguy hiểm.... nhưng đến khi video xin vía học giỏi xuất hiện, bị dư luận phản đối dữ dội, nhà chức trách mới bắt đầu có động thái vào cuộc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận