Tin tức

EU vẫn bất đồng về việc áp mức giá trần đối với khí đốt

(VOVTV) - Bộ trưởng Công thương CH Séc Jozef Sikela ngày 25/10 thừa nhận các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) "có quan điểm khá khác biệt" về việc đặt ra mức giá trần khí đốt thông qua sàn giao dịch TTF của Hà Lan do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất trước đó.

26/10/2022 10:28

Phát biểu họp báo sau cuộc họp cùng ngày của Hội đồng Giao thông, Viễn thông và Năng lượng EU ở Luxembourg, ông Sikela cho biết: "Chúng tôi cũng đã có một cuộc thảo luận về giới hạn giá khí đốt và cơ chế điều chỉnh trên TTF. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi về cơ chế này khá khác biệt. Vấn đề ở đây là làm thế nào để đảm bảo rằng việc giới hạn giá vẫn cho phép chúng tôi mua khí đốt trên thị trường theo nhu cầu của chúng tôi".

EU vẫn bất đồng về việc áp mức giá trần đối với khí đốt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Cũng theo ông Sikela, các bộ trưởng EU cũng ủng hộ rộng rãi việc áp dụng trần giá linh hoạt đối với điện và khí đốt để hạ chế nguy cơ tăng giá quá mức trong trường hợp thị trường hoảng loạn. Ngoài ra, Bộ trưởng Sikela cũng thông báo các bộ trưởng năng lượng EU sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc họp bất thường nữa vào ngày 24/11 tới để thảo luận về các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra, đồng thời nhấn mạnh EU sẽ kêu gọi "càng nhiều cuộc họp bất thường càng tốt" để thảo luận về các biện pháp mới về năng lượng khi cần thiết.

Hầu hết các hợp đồng khí đốt tại châu Âu hiện đều gắn liền với tiêu chuẩn của TTF. Hồi tuần trước, EC đã đề xuất đưa ra cơ chế hạn chế giá khí đốt thông qua sàn giao dịch TTF có thể được kích hoạt khi cần thiết. Đáng chú ý, EC đề xuất "can thiệp có mục đích" vào giá khí đốt do TTF "không còn phản ánh chính xác giá giao dịch khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại EU". Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia thành viên trong EU đều ủng hộ đề xuất này.

Kể từ năm 2021, giá năng lượng tại các nước EU đã tăng cao theo xu hướng toàn cầu. Sau khi EU thông qua các gói trừng phạt nhằm vào Nga, giá năng lượng đã tăng mạnh, qua đó đặt vấn đề an ninh năng lượng lên mức ưu tiên cao trong các chương trình nghị sự ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu, đồng thời khiến nhiều chính phủ châu Âu phải áp dụng các biện pháp bất thường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận