Tin tức

Du lịch tự phát “lên đảo hoang, câu mực đêm” trên vịnh Hạ Long

(VOVTV) - Thời gian qua, các tour du lịch "khám phá đảo hoang trên Vịnh Hạ Long” hay “câu mực đêm” được quảng cáo khá rầm rộ trên mạng xã hội. Đây đều là những hoạt động du lịch tự phát, không chỉ tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất trật tự an toàn giao thông trên biển mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh.

Tác giả CTV Quốc Xã/VOV Đông Bắc
28/08/2023 08:01

Gần nửa đêm, lực lượng tuần tra của Phòng CSGT đường thủy (Công an tỉnh Quảng Ninh) phát hiện 2 đò khách và 1 tàu cá chở gần chục khách du lịch đang có hoạt động câu mực đêm trên vịnh Hạ Long. Không một ai mặc áo phao bảo hộ; đại diện các phương tiện cũng không xuất trình được giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề...

Du lịch tự phát “lên đảo hoang, câu mực đêm” trên vịnh Hạ Long - Ảnh 1.

3 phương tiện chở khách câu mực đêm trên vịnh Hạ Long bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý

Nhận thấy dấu hiệu vi phạm, lực lượng chức năng yêu cầu các phương tiện dừng hoạt động, đưa khách quay trở lại đất liền để đảm bảo an toàn, đồng thời tạm đình chỉ, lập biên bản xử lý về hành vi sử dụng phương tiện không đúng công dụng theo đăng kiểm và các vi phạm khác.

Thượng tá Nguyễn Tiến Duật - Phó Trưởng Phòng CSGT đường thủy cho biết: "Thời gian qua có hiện tượng các đò đăng ký chở khách, rồi các phương tiện thủy lợi dụng việc đi khai thác thủy sản để chở khách tham quan ở các đảo, các khu vực danh lam thắng cảnh chưa được công bố, cho khách du lịch tham gia trải nghiệm câu cá, câu mực".

Du lịch tự phát “lên đảo hoang, câu mực đêm” trên vịnh Hạ Long - Ảnh 2.

Phương tiện đón khách đi câu mực đêm tại bến tự phát tại đường ven biển Hạ Long.

Qua khảo sát, tại khu vực ven bờ vịnh Hạ Long có gần 600 tàu cá đang hoạt động. Riêng đội tàu câu mực tại thành phố Hạ Long có 10 chiếc và những tàu này thường móc nối với khách hoặc tự phát đưa người đi tham quan, câu mực vào ban đêm tại các điểm trên vịnh. Do chưa đăng ký, đăng kiểm, không được vào những bến cảng nên các phương tiện này chủ yếu hoạt động ở các bến tự phát.

Đáng chú ý, những hoạt động “trải nghiệm đảo hoang” dạng này còn được những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tiếp tay quảng bá và "cổ vũ", dù vô tình hay cố ý. Một kênh Youtube (có hơn 7 triệu lượt đăng ký) vừa đăng tải video dài hơn 53 phút review (giới thiệu) về chuyến cắm trại trên đảo hoang. Video này thu hút gần 1 triệu lượt xem, xếp thứ 24 trên "Tab thịnh hành" của Youtube chỉ sau 1 ngày đăng tải, có hơn 1.500 lượt bình luận bày tỏ sự quan tâm, mong muốn trải nghiệm chuyến đi.

Du lịch tự phát “lên đảo hoang, câu mực đêm” trên vịnh Hạ Long - Ảnh 3.

Các loại phương tiện tàu cao tốc, tàu cá, đò khách đón khách đi du lịch tự phát

Chỉ cần vào Facebook, gõ cụm từ “câu mực đêm Hạ Long” hay “tour du lịch đảo hoang - vịnh Hạ Long”, không khó để tìm được một địa chỉ đáp ứng nhu cầu với số điện thoại, giá cả rõ ràng. Chi phí tour dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/người. Hành trình được quảng cáo hứa hẹn đầy thú vị nhưng thực tế thì khác xa, như chia sẻ của anh Ngô Văn Hưng (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng): "Thật sự tôi thất vọng về chuyến trải nghiệm lần này, trong cả chuyến đi không câu được con mực nào cả. Không những vậy trời còn mưa, chúng tôi phải quay trở về sớm, sợ phương tiện không đảm bảo an toàn. Tôi khuyên mọi người đừng nên bỏ tiền lãng phí vào những chuyến du lịch kiểu như thế này".

Du lịch tự phát “lên đảo hoang, câu mực đêm” trên vịnh Hạ Long - Ảnh 4.

Các phương tiện chở khách không trang bị mặc áo phao bảo hộ

Phần lớn các phương tiện chở khách đi tham quan nhưng không trang bị các trang thiết bị an toàn cần thiết như áo phao, thiết bị PCCC. Nếu có thì đã hết hạn, thậm chí hỏng hóc không sử dụng được. Anh Nguyễn Văn Lân (phường Hồng Hà, TP. Hạ Long, Quảng Ninh), người điều khiển phương tiện cho biết: "Tôi đi lái thuê nên là chủ bảo đón khách thì đón thôi. Tôi không có bằng lái tàu, chưa có chứng chỉ. Tôi có bằng lái xe và cũng là dân biển nên cũng sơ qua lái được".

Trước thực trạng này, UBND thành phố Hạ Long đã liên tục ra các văn bản về tăng cường, chấn chỉnh các hoạt động du lịch tự phát trên vịnh Hạ Long. 6 tháng đầu năm 2023, Phòng CSGT đường thủy (Công an tỉnh Quảng Ninh) tăng cường kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý 28 trường hợp, trong đó có 15 đò khách, 10 tàu cá, 3 tàu cao tốc có hành vi chở khách câu mực đêm, tham quan trái phép; xử phạt tổng cộng 84 triệu đồng, tước 7 chứng chỉ chuyên môn các loại.

Du lịch tự phát “lên đảo hoang, câu mực đêm” trên vịnh Hạ Long - Ảnh 5.

Các trang thiết bị PCCC trên nhiều tàu đã hết hạn hoặc hư hỏng, không sử dụng được

Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long khẳng định: "Những hành vi này đã không theo đúng quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long hay quy hoạch luồng tuyến tham quan. Do đó những hoạt động, hành vi này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch trên vịnh và làm lộn xộn các hoạt động tổ chức tham quan, các sản phẩm du lịch. Nó cũng tạo nhiều rủi ro về an ninh, an toàn cho khách du lịch, những người đi trên các phương tiện không đủ tiêu chuẩn".

Bên cạnh việc tăng cường công tác đấu tranh xử lý các phương tiện vi phạm, lực lượng CSGT đường thủy cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết về việc không tổ chức hoạt động câu mực đêm, chở khách tham quan vịnh Hạ Long trái phép cho 87 lượt phương tiện hoạt động trên tuyến, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho các chủ phương tiện phòng ngừa vi phạm.

Du lịch tự phát “lên đảo hoang, câu mực đêm” trên vịnh Hạ Long - Ảnh 6.

Lực lượng chức năng xử lý phương tiện vi phạm

Trung tá Vũ Quang Hòa, Đội trưởng Đội CSGTTT, Công an thành phố Hạ Long cho biết: "Chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền xử lý mạnh mẽ các trường hợp vi phạm, khép kín địa bàn để nâng cao nhận thức của bà con nhân dân, cũng như là xử lý mạnh các hành vi vi phạm để trong thời gian tới địa bàn thành phố Hạ Long - thành phố du lịch đón các du khách đến vui chơi, giải trí được an toàn, lành mạnh".

Việc tổ chức hoạt động du lịch trải nghiệm trên vịnh Hạ Long cần phải thực hiện theo đúng quy hoạch bảo tồn và tôn tạo giá trị Di sản thiên nhiên thế giới, đáp ứng các quy chế, quy định riêng. Do đó, các hoạt động du lịch tự phát đều là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đe dọa đến những giá trị bền vững của Di sản thiên nhiên thế giới cần được chung tay bảo vệ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận