Tin tức

Ban quản lý vịnh Hạ Long lên tiếng về hoạt động du lịch trên vịnh Lan Hạ

Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, nhiều tàu du lịch không đáp ứng được các quy định của tỉnh Quảng Ninh đã được chủ tàu chuyển nhượng sang hoạt động trên vịnh Lan Hạ.

28/07/2023 02:49

Vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ là 2 danh lam thắng cảnh thuộc địa giới hành chính của hai địa phương khác nhau (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng). Việc tham quan các danh thắng phải tuân thủ theo nội quy, quy định của từng địa phương, từng danh thắng. Căn cứ quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, tàu du lịch chỉ được hoạt động trong luồng tuyến du lịch đã được ghi trong giấy phép rời cảng, bến do cơ quan cảng vụ cấp. Do vậy các tàu du lịch của Hải Phòng sẽ không được hoạt động trong khu vực vịnh Hạ Long nếu không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, để đảm bảo sức tải của di sản và giảm thiểu ảnh hưởng tới di sản, hoạt động tham quan trên vịnh Hạ Long và trên vịnh Lan Hạ đều phải phân thành các tuyến; hiện tại có 5 tuyến tham quan vịnh Hạ Long và có 3 tuyến tham quan vịnh Lan Hạ. Khi đi tham quan vịnh Hạ Long, du khách phải mua vé tham quan vịnh Hạ Long, thuê phương tiện được cấp phép hoạt động trên vịnh Hạ Long và tương tự đối với vịnh Lan Hạ. Do đó, không có việc “cùng một vùng biển nhưng muốn thăm phải qua 2 lần đò”.

Ban quản lý vịnh Hạ Long lên tiếng về hoạt động du lịch trên vịnh Lan Hạ - Ảnh 1.

Vịnh Hạ Long tại Quảng Ninh.

Những năm vừa qua, từ yêu cầu quản lý nhà nước đối với các phương tiện vận chuyển và lưu trú trên vịnh Hạ Long nhằm khắc phục triệt để nguy cơ gây mất an toàn trên tàu hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch tham quan, lưu trú trên vịnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, đồng thời để thực hiện khuyến cáo của tổ chức UNESCO, IUCN về “hạn chế số lượng tàu du lịch hoạt động trên khu vực vịnh Hạ Long”, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

"Để được hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, tàu du lịch phải đáp ứng được các tiêu chí về an toàn, kỹ thuật,… theo các quy định của UBND tỉnh Quảng Ninh. Nhiều tàu du lịch không đáp ứng được các quy định của tỉnh
Quảng Ninh đã được chủ tàu chuyển nhượng sang hoạt động trên vịnh Lan Hạ (Hải Phòng). Do không được phát triển thêm tàu nên đã đầu tư sang Cát Bà", phía Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết.

Ngoài ra, hiện nay để tiết kiệm chi phí, các hãng tàu du lịch hoạt động trên vịnh Lan Hạ không sử dụng tàu định tuyến và tàu hợp đồng để trung chuyển khách từ Tuần Châu ra Gia Luận mà sử dụng các tàu tender chạy theo dạng hợp đồng trên tuyến Tuần Châu - Gia Luận.

"Theo Điều 77 và Điều 78, Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 thì các doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo hợp đồng phải có hợp đồng, kê khai thuế và xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật về hợp đồng và thuế; phải mua bảo hiểm bắt buộc và phải trả khách tại bến Gia Luận. Tuy nhiên các tender đều chạy thẳng ra tàu mẹ đỗ chờ tại vùng nước giáp ranh và chuyển khách lên tàu và ngược lại đón khách từ tàu mẹ đưa về Tuần Châu. Trong quá trình vận hành các tender thường chạy với tốc độ cao, tạo sóng lớn gây nguy hiểm cho các tàu du lịch chạy trên luồng", phía Ban Quản lý vịnh Hạ Long nêu thực trạng.

Nhằm tránh quá tải tàu du lịch, hiện nay có 500 tàu du lịch vận chuyển khách tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (trong đó có 400 tàu thường xuyên hoạt động). Nếu các tàu du lịch từ Hải Phòng chạy vào vịnh Hạ Long thì sẽ làm tăng số lượng tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, do đó tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đã không thiết lập thêm tuyến từ Cát Bà sang Hạ Long mà 2 bên triển khai hoạt động du lịch theo các tuyến du lịch do 2 địa phương đã xây dựng.

Ý kiến của bạn