Chu Văn An - người thầy mẫu mực của lịch sử Việt Nam
(VOVTV) - "Vạn thế sư biểu" là danh xưng mà người đời dành tặng cho Chu Văn An. Câu nói đó thể hiện tấm lòng tôn kính của người dân đến vị thầy giáo mẫu mực của đất Việt.
Chu Văn An (1292–1370), là một nhà giáo, thầy thuốc, quan viên tài đức của Đại Việt dưới thời vua Trần. Ông được Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá là người cương trực, thẳng thắn và luôn giữ mình trong sạch, không màng danh lợi, không cầu bổng lộc. Người thầy mẫu mực đó luôn trọng người tài, ghét người cậy giàu mà lười biếng, vì vậy tiếng thơm bay xa, lưu truyền hậu thế.
Chu Văn An chính là người thầy lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, là người dành cả cuộc đời mình cho nghiệp dạy học. Đối với ông, việc học không phân giàu - nghèo, không có sang - hèn, học đi đôi với hành, học để cống hiến cho giang sơn xã tắc. Đây chính là một tư tưởng tiến bộ, nhân văn và là bài học giáo dục đến nay vẫn còn ven nguyên giá trị.
Chu Văn An: Mở trường dạy học cho nhân dân
Ở cuối thời Trần, trường học rất hiếm và thường chỉ dạy cho con vua, con quan trong triều đình hay những gia đình giàu có, bởi vậy mà nhân dân ta thời đó thất học khá nhiều. Nhìn thấy điều đó, Chu Văn An đã mở một ngôi trường tại chính quê nhà (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội ngày nay) mang tên: Huỳnh Cung.
Ngôi trường Huỳnh Cung của thầy Chu Văn An thu hút rất nhiều học trò đến theo học. Ở trường ông chủ yếu dạy học trò của mình sự cung kính, trung quân, ái quốc và văn nhã. Khoa thi năm 1314, có tới 2 học trò của ông đỗ Thái học sinh (giống với học vị tiến sĩ ngày nay) khiến cho cả nước đều biết đến cái tên ngôi trường Huỳnh Cung.
Chu Văn An: Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám
Sau tiếng tăm vang dội của ngôi trường Huỳnh Cung, vua Trần Minh Tông đã mời ông về giữ chức Tư nghiệp (tương đương với chức Hiệu trưởng ngày nay) của Quốc Tử Giám. Giáo trình dạy học lúc đó là Tứ thư, bao gồm: Trung dung, Luận ngữ, Đại học và Mạnh tử.
Thái tử Trần Vượng, người sau này trở thành vua Trần Hiến Tông, đã được Chu Văn An đích thân dạy dỗ. Tuy nhiên, Hiến Tông lên ngôi được 2 năm thì qua đời, sau đó vua Trần Dụ Tông lên thay. Từ lúc này, triều đình bắt đầu rối ren bởi vua nông cạn, đam mê tửu sắc, bỏ bê dân chúng khiến giặc giã nổi lên ở nhiều nơi, còn trong triều thì chia phe phái, đấu đá lẫn nhau.
Chứng kiến cảnh này, Chu Văn An viết "Thất trảm sớ" dâng vua đòi chém đầu 7 tên nịnh thần. Tuy bản tấu của ông không được vua màng tới nhưng cũng đủ làm chấn động dư luận lúc bấy giờ.
Chu Văn An: Rời xa chốn quan trường, về với nghề giáo ở Chí Linh
Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, sau khi "Thất trảm sớ" bị vua Trần Dụ Tông phớt lờ, Chu Văn An đã rời Thăng Long về Chí Linh (Hải Dương) và tiếp tục mở trường dạy học. Dù trường của ông nằm ở nơi rất xa nhưng vẫn có nhiều học trò lặn lội tìm đến, theo học rất đông.
Về Chi Linh, Chu Văn An lấy việc dạy học, ngâm thơ làm thú vui; ngoài ra, ông còn nghiên cứu y học, trồng thuốc, chữa bệnh cứu dân. Những người được ông dạy dỗ đều là người tài giỏi nổi danh, như vị nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam - Nguyễn Thị Duệ, hay Nguyễn Phong - người từng đỗ tiến sĩ năm 26 tuổi. Tất cả học trò của ông, sau này dù đỗ đạt đến đâu nếu làm gì không đúng phép thì vẫn đều bị ông nghiêm khắc chỉ bảo. Điều này khiến họ càng thêm nể trọng người thầy của mình.
Rất nhiều lần triều đình đến tìm và mời Chu Văn An trờ về nhưng đều bị ông từ chối. Tuy nhiên, ông vẫn là một người bề tôi trung với nhà Trần, bởi vậy mà sau khi Trần Nghệ Tông dẹp yên loạn lạc, lấy lại được ngôi vương thì Chu Văn An đã về triều để chúc mừng, dù ông khi đó tuổi đã cao. Điều này đã khiến các sĩ phu đương thời hết sức nể trọng. Tháng 11/1370, Chu Văn An qua đời, hưởng thọ 78 tuổi.
Cả cuộc đời dành cho nghề giáo, đào tạo ra biết bao thế hệ tinh anh cho đất nước, Chu Văn An chính là người thầy giáo mẫu mực muôn đời của đất Việt. Khắp cả nước có biết bao con đường, biết bao ngôi trường mang tên Chu Văn An cũng là để tưởng nhớ đến công lao của một nhà giáo vĩ đại, người được mệnh danh là thầy của các vị thầy.