Bệnh béo phì - thị trường màu mỡ cho ngành dược trong tương lai
(VOVTV) - Các chuyên gia thuộc ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) cho rằng bệnh béo phì có thể tạo ra doanh thu 54 tỷ USD vào năm 2030, và trở thành nguồn "thu nhập khủng" trong thời gian tới, thậm chí có thể tương tự như thị trường thuốc huyết áp vào những năm 1990, từng đạt đỉnh 30 tỷ USD.
Dự báo tăng trưởng doanh thu của thị trường này chủ yếu được giải thích là do tình trạng béo phì tăng nhanh trên toàn thế giới. Căn bệnh này giờ đây không chỉ là nỗi khổ của riêng người Mỹ, mà nó đã lan rộng và ảnh hưởng đến cả châu Âu và châu Á. Theo thống kê, hiện có hơn 650 triệu người béo phì và 1,9 tỷ người thừa cân trên toàn thế giới. Trong đó, Pháp có 8,5 triệu người béo phì, chiếm 17% dân số trưởng thành, tăng 13% trong 10 năm qua.
Cho đến nay, béo phì là bệnh lý rất ít được hỗ trợ. Bệnh nhân phần lớn vẫn ngại tham khảo ý kiến bác sĩ, còn các bác sĩ lại ít được đào tạo về bệnh này, cũng như chưa có nhiều các giải pháp điều trị. Béo phì được cho là nguyên nhân gây ra 18 bệnh lý và 13 loại ung thư. Năm 2013, Mỹ đã công nhận đây là một bệnh mãn tính.
Ở châu Âu, phải từ vài năm trở lại đây, bệnh này mới được quan tâm nhiều hơn. Năm ngoái, Đức và Hà Lan đã coi béo phì là bệnh mãn tính và cho phép hoàn trả tiền điều trị với điều kiện bệnh nhân tuân thủ các chương trình hỗ trợ. Pháp tuy vẫn chưa cho phép bệnh nhân được hoàn trả chi phí điều trị nhưng Cơ quan Y tế cấp cao đã công bố các khuyến nghị mới vào tháng trước về việc quản lý béo phì theo mức độ nghiêm trọng.
Béo phì chủ yếu được coi là một trong những tổn thương cơ bản của bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mạch (40% người béo phì mắc phải), và ngoài phẫu thuật thắt dạ dày thì cũng có rất ít loại thuốc chuyên biệt để điều trị. Dự kiến, hai hãng dược lớn là Novo Nordisk của Đan Mạch và Lilly của Mỹ, với các hormone trị liệu của họ, sẽ chiếm phần lớn thị trường tiềm năng này.
Hiện mới chỉ có hãng Novo Nordisk đã đưa vào kinh doanh một loại thuốc dành riêng cho bệnh béo phì là Wegovy. Được bán từ một năm nay ở Mỹ, loại thuốc này đã có mặt tại thị trường Pháp từ tháng 3/2022 theo chế độ tạm ứng để điều trị trước và hoàn tiền sau đối với những bệnh nhân béo phì nặng. Giám đốc điều hành của Novo Nordisk France, Étienne Tichit, cho biết "đây là một cơ hội tuyệt vời cho những bệnh nhân Pháp, những người duy nhất ở châu Âu được điều trị bằng loại thuốc đó".
Trong khi đó, loại thuốc Mounjaro của Lilly được phê duyệt để chống lại bệnh tiểu đường, cũng đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm cân ở những bệnh nhân béo phì không bị tiểu đường. Hãng dược này đã công bố các thử nghiệm giai đoạn 3 trong điều trị bệnh béo phì vào tháng 4/2021 và sẽ sớm được chấp thuận cho hướng điều trị này.
Ngoài ra, thị trường tiềm năng này cũng đang thu hút sự quan tâm của các công ty công nghệ sinh học như Altimmune (Mỹ), Innovent (Trung Quốc) hay Adocia (Pháp). Innovent gần đây đã công bố kết quả đầy hứa hẹn từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đối với loại thuốc bào chế thử nghiệm của họ.
Phương pháp điều trị tiên tiến nhất của Adocia cũng đang ở giai đoạn 2, và hãng này đang tìm kiếm một đối tác để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Công nghệ của hãng này cho phép kết hợp một số hormone có sẵn trong một sản phẩm duy nhất để khai thác tối đa hiệu quả hoạt động của chúng, cũng là một cách để hạn chế chi phí điều trị. Tuy nhiên các hormone này hiện đang chờ được cấp bằng sáng chế.
Tin nổi bật
Tin Video