Bất động sản đắt đỏ, khó tin với ngôi nhà giá vài trăm triệu đồng ở Hà Nội
Giá nhà "bỏng tay", dân nghèo chỉ biết ngóng chính sách; Đủ kiểu rao bán nhà đất Hà Nội: Nơi vài tỷ đồng/m2, chỗ rẻ đến kinh ngạc... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Đủ kiểu rao bán nhà đất Hà Nội: Nơi vài tỷ đồng/m2, chỗ rẻ đến kinh ngạc
Không "hét" giá ở mức trên trời, mới đây một ngôi nhà Hà Nội được rao với giá rẻ đến khó tin thu hút sự quan tâm của nhiều người. Cụ thể, ngôi nhà này được rao bán có 4 tầng, 2 phòng ngủ, có sân để xe riêng, giá chỉ 450 triệu đồng, chưa kể giá này còn được thương lượng.
"Một cái giá không tưởng cho nhà đất ở phố Hồng Mai, chắc không có sổ hoặc 'dính' quy hoạch", một độc giả bình luận. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng đây chỉ là chiêu trò "cò mồi" của dân môi giới hoặc cũng có thể đó là một ngôi nhà diện tích chỉ vài m2 và trong ngõ ngách.
Khảo sát trên trang rao vặt bất động sản, một ngôi nhà cũng ở khu vực Hồng Mai, diện tích 15m2, 2 tầng được rao bán thấp nhất cũng gần 1,3 tỷ đồng.
Khi rao bán nhà, bán đất, nhiều môi giới sẽ chọn cách đưa ra những mô tả hấp dẫn để thu hút sự chú ý của người mua, đồng thời sẽ giúp cho chuyện mua bán thuận lợi hơn. Theo đó họ có thể nghĩ ra những cái giá rất hời để thu hút người mua nhưng thực tế thì không phải như vậy.
Giá nhà "bỏng tay", dân nghèo chỉ biết ngóng chính sách
Thử làm một phép toán cho những người trẻ thu nhập trung bình khoảng 20 triệu đồng/tháng, tiền tiết kiệm mỗi tháng là 10 triệu đồng, muốn mua một căn hộ bình dân 60m2. Dựa theo mức giá rao bán trung bình nêu trên tính toán, để mua được căn hộ tại Hà Nội, người trẻ cần 12,5 năm, còn tại TP.HCM sẽ là 16 năm. Đó là chưa kể giá nhà sẽ tăng lên trong khoảng thời gian này và tốc độ tăng thu nhập không đuổi kịp tốc độ tăng giá nhà.
Chưa kể tại các quận trung tâm ở Hà Nội, giá nhà mặt phố như ở quận Hoàn Kiếm đã tăng 33 lần so với năm 2002. Cụ thể, năm 2002, nhà mặt phố ở quận Hoàn Kiếm có giá bình quân khoảng 11 triệu đồng/m2 nhưng đến năm 2020, mức giá này đã lên tới 360 triệu đồng/m2.
Nhiều người chật vật kiếm tiền, tiết kiệm để hơn chục năm trời mới mua được nhà. Trong khi đó, có những "đại gia" nắm trong tay hàng loạt bất động sản, họ coi đây là một hình thức tích lũy tài sản. Hay giới đầu cơ cũng "chơi chiêu", mua đi bán lại để kiếm chênh, đẩy giá nhà đất đã cao lại càng cao hơn.
Hải Phòng muốn lập thành phố Thủy Nguyên như Thủ Đức, Bộ Xây dựng nói gì?
Bộ Xây dựng cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng liên quan đến nội dung về quy hoạch thành phố.
Cụ thể, cử tri đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho phép Hải Phòng hình thành một số quận mới và thành phố Thủy Nguyên - Trung tâm đô thị Bắc Sông Cấm như thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM.
Liên quan đến nội dung cho phép Hải Phòng hình thành một số quận mới và thành phố Thủy Nguyên - Trung tâm đô thị Bắc Sông Cấm, Bộ Xây dựng cho biết, việc đề xuất thành lập thành phố trực thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương theo kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng là phù hợp quy định của pháp luật.
Các tiêu chuẩn thành lập Thành phố được quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 1211/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Dự báo bất động sản 2021: Xuất hiện 2 yếu tố kéo thị trường, giá vẫn tăng
Chuyên gia nghiên cứu của VNDirect cho rằng 2021 sẽ có nhiều khởi sắc với thị trường bất động sản. "Chúng tôi kỳ vọng vào đà phục hồi vững chắc từ 2021 trở đi. Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ sự trở lại của các hoạt động sản xuất cùng tăng trưởng nhu cầu trong và ngoài nước", chuyên gia VNDirect nhận định.
Theo VNDirect, trong nỗ lực thúc đẩy tốc độ phục hồi tăng trưởng GDP, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là phát triển các cơ sở hạ tầng, điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường bất động sản và trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng chính từ năm nay trở đi.
Bên cạnh đó, lãi suất vay mua nhà sẽ tiếp tục thấp trong 2021. Việc này, theo chuyên gia, đã giúp giảm áp lực chi phí dự phòng cho các ngân hàng và giảm chi phí lãi vay cho khách hàng. Do đó, các ngân hàng đã đưa ra các gói kích thích như miễn/giảm lãi và giảm lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy nhu cầu vốn của người mua nhà do ảnh hưởng của đại dịch cùng việc thiếu nguồn cung nhà ở.
Tin nổi bật
Tin Video