Bác sĩ xa con lên Bắc Giang chống dịch và lời nói dối: 'Mấy hôm nữa mẹ về'
"Mẹ biết bé con của mẹ dũng cảm lắm. Mẹ sẽ trở về sớm thôi, Kem yêu chờ mẹ nhé. Mẹ yêu và nhớ con thật nhiều!".
Đó là những lời gửi gắm đến cô con gái nhỏ đầy cảm động của bác sĩ Phùng Thị Hạnh hiện đang tham gia chống dịch tại Bắc Giang. Chị chính là mẹ bé Kem trong video em bé bật khóc nức nở khi thấy mẹ qua truyền hình.
Không giấu được sự đau lòng khi xem hình ảnh con gái chưa đầy 20 tháng tuổi dang tay trước màn hình đòi mẹ bế bồng, chị Hạnh vừa nói vừa nghẹn ngào: "Bản thân tôi cũng không biết phóng sự của mình được phát sóng khi nào. Khi chồng gửi cho tôi video của con, tôi khóc ướt cả gối. Cứ mỗi lần mở lên để xem nước mắt lại lưng tròng.
Chồng tôi kể, cả nhà vẫn đang tập trung ngồi ăn cơm, tự nhiên thấy con gái đứng ra trước tivi nhìn chăm chú rồi khóc nức nở. Con bé nhận ra giọng tôi trước cả mọi người trong nhà, mặc dù tôi bịt khẩu trang và đồ bảo hộ kín mít như thế.
Gần 20 tháng tuổi rồi mà Kem lười nói cực kỳ. Thấy mẹ gọi video thì con chỉ biết chìa đôi bàn tay bé nhỏ ra rồi bi bô mấy câu: "Mẹ! mẹ!". Tôi rất đau lòng nhưng cũng vì thế mà lại càng quyết tâm để chiến đấu đến cùng với đại dịch để sớm có ngày về bên con".
Nhớ về ngày nhận được công văn lên tâm dịch Bắc Giang để tăng cường, chị Hạnh kể: "Bình thường trước khi đi ngủ tôi đều tắt mạng và để chế độ im lặng để con ngủ ngon, nhưng hôm đó thì không. 10 giờ đêm tôi nhận được công văn rất dài về việc điều động y bác sĩ lên Bắc Giang, 7 giờ sáng hôm sau đã phải tập trung tại cơ quan để lên đường. Khi thấy tên mình trong danh sách trong đầu tôi chỉ nghĩ đến con.
Lúc xách hành lý chuẩn bị đi Bắc Giang tôi chỉ dám thơm nhẹ lên trán con rồi đi, sợ con dậy sẽ khóc theo. Nhưng con chưa khóc thì mẹ đã ướt hai gò má vì thương con.
Bởi chưa cho con cai sữa nên trong những ngày đầu lên Bắc Giang làm việc chị Hạnh cực vất vả vì mỗi khi sữa về hai bầu ngực căng cứng, tắc sữa đến mức phát sốt. Cũng bởi tình hình sức khỏe như vậy chị đã phải trình bày với lãnh đạo và các anh chị em để tránh mọi người hiểu lầm rằng chị bị mắc Covid-19.
"Ngày còn ở nhà mỗi đêm khi con giật mình dậy, mắt vẫn nhắm nhưng cái miệng nhỏ xinh cứ rúc tìm ti mẹ. Chỉ cần được ti mẹ là con sẽ lại ngủ ngoan ngay. Không có tôi ở nhà, đêm cháu khóc không ai dỗ được. Giờ phải xa con, mỗi khi căng sữa lại phải tự tay vắt ra chai rồi bỏ đi. Vừa ngồi vắt sữa vừa nghĩ đến con tôi lại khóc", chị Hạnh nghẹn ngào nói.
Thấy chị Hạnh khóc liên tục, thân hình lại gầy gò vì đang nuôi con các đồng nghiệp hết sức thông cảm và động viên liên tục. "Bởi tất cả các anh chị y bác sĩ đều lên Bắc Giang với một tâm thế chưa biết ngày trở về, họ đều đang phải xa nhà, xa vợ chồng, xa con cái nên chúng tôi đều đồng cảm với nhau", chị Hạnh nói.
"Kem là cô bé tính tình vui vẻ, hiếu động, lúc nào cũng cười tít mắt. Vậy mà giờ tôi lại để con thiệt thòi quá nhiều. Cứ thấy mẹ gọi video con bé lại cuống cuồng chạy lại để mong chạm được vào. Mỗi lần thấy con khóc như thế tôi lại nói: "Kem ngoan! Mấy hôm nữa mẹ về với con". Đó là lời nói dối đau lòng nhất bởi vì bản thân tôi và các anh chị em đồng nghiệp không ai biết khi nào được trở về bên gia đình.
Tôi cũng thương nhớ con rất nhiều nhưng cứ mỗi khi cuốn vào guồng quay công việc, nỗi nhớ con lại vơi đi phần nào. Hôm nay xem những dòng chia sẻ của cộng đồng mạng dưới video của con gái, tôi cũng có chút chạnh lòng vì nhiều người hỏi tại sao lại đi Bắc Giang khi con còn quá nhỏ.
Với tôi và tất cả các y bác sĩ, nhiệm vụ Tổ quốc giao phó chúng tôi sẵn sàng gánh vác. Những gì hôm nay tôi và đồng nghiệp đang làm chắc chắn một ngày sẽ khiến các con tự hào.
Sắp tới các con sẽ có một ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 đặc biệt khi cả nước phải gồng mình chiến đấu với dịch bệnh, khi bố mẹ là những chiến sỹ áo trắng đang chiến đấu chống lại Covid-19. Tôi luôn tin các con vẫn sẽ hạnh phúc và sẽ tự hào vì những ngày chúng tôi không thể bên các con".
Tin nổi bật
Tin Video