Trung Nam E&C xin nhận thầu 100km cao tốc Bắc – Nam: Cẩn trọng với hệ sinh thái nhiều nợ nần của công ty mẹ?
(VOVTV) - Liên tục phải thế chấp tài sản, các quyền đòi nợ phát sinh từ các gói thầu, các hợp đồng thi công xây dựng để huy động vốn từ ngân hàng liệu Trung Nam E&C có đủ sức "gánh" dự án khủng 100km công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam với quy mô 20.000 tỷ?
Trung Nam E&C muốn làm đường cao tốc Bắc Nam với quy mô 20.000 tỷ đồng
Ngày 11/01/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã kí ban hành Nghị quyết số 44/20022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Quyết định chủ trương đầu từ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Cụ thể về phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư, Nghị quyết nêu rõ, đầu tư khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Với mức sơ bộ tổng đầu tư dự án là 146.990 tỷ đồng trong đó: Giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư cộng trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giai đoạn 2026 – 2030 bố trí 27.324 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện là chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Đến giữa tháng 3/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có công văn về việc hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, Bộ KH&ĐT đề xuất áp dụng quy định giá trị hợp đồng tương tự thấp hơn thông lệ (70%) hoặc quy định nhà thầu phải có kinh nghiệm thi công công trình có hạng mục tương tự với hạng mục công trình của gói thầu được chỉ định.
Trung Nam E&C liên tục thế chấp tài sản là quyền lợi, các quyền đòi nợ phát sinh từ các gói thầu, các hợp đồng thi công xây dựng
Bên cạnh đó, các nhà thầu phải đáp ứng nguồn lực tài chính theo hướng quy định nhà thầu được chỉ định phải thực hiện đặt cọc hoặc ký quỹ một khoản kinh phí nhất định để phục vụ việc thi công gói thầu. Những nội dung yêu cầu cụ thể về năng lực, kinh nghiệm sẽ do Bộ GTVT đề xuất.
Sau khi có Nghị quyết ban hành, mới đây nhất Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C - thành viên của Trung Nam Group) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải xin được chỉ định thầu thực hiện các gói thầu xây lắp thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với chiều dài khoảng 100km. Dự kiến tổng giá trị các gói thầu mà đơn vị này đề nghị khoảng 20.000 tỷ đồng với cao tốc quy mô 4 làn xe.
Trung Nam E&C và hệ sinh thái nhiều nợ nần của Trung Nam Group
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác như Đèo Cả, Him Lam, Hòa Bình, Sơn Hải, Phương Thành, Licogi 16, DIC Corp, Vinaconex E&C, Hưng Thịnh... cũng xin được chỉ định thầu thông qua việc lập các liên danh nhà thầu hoặc là nhà thầu độc lập cho các dự án cao tốc Bắc Nam sắp triển khai.
Các doanh nghiệp xin chỉ định thầu đều đưa ra cam kết mạnh mẽ như rút ngắn tiến độ 3-6 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu, cam kết huy động tài chính, thiết bị và tổ chức thi công công trình khoa học, bảo đảm chất lượng. Có liên danh còn cho biết đã làm việc với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ, tăng tính chủ động nguồn vốn.
Trong các đơn vị xin được chỉ định thầu dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025, thì Trung Nam E&C là công ty thành viên của Tập đoàn Trung Nam Group – một "ông lớn" đa ngành, nổi bật với lĩnh vực năng lượng tái tạo, ngoài ra còn có bất động sản, xây dựng, hạ tầng… với "hệ sinh thái" gồm hàng chục công ty thành viên.
Trung Nam E&C là nhà thầu chính của nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, trong số này, không ít dự án là của chính Trung Nam Group. Đơn cử như tổ hợp dự án ngăn triều cường trên sông tại TP HCM vốn đầu tư 10.000 tỷ, các dự án năng lượng tái tạo như điện gió – điện mặt trời – thủy điện…
Về hạ tầng giao thông, có thể kể đến như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Trung Nam E&C trong vai trò liên danh cùng Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là nhà thầu gói thầu số XL-14 tại dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45. Trị giá gói thầu là 2.498 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Hay Trung Nam E&C cũng góp mặt trong một dự án thành phần khác tại cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án cầu Mỹ Thuận 2. Tại dự án này, Trung Nam E&C liên danh cùng Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính và CTCP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C thực hiện gói thầu XL03B trị giá 1.516 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để hoàn thành, triển khai các dự án, gói thầu nói trên và những gói thầu khác, thời gian qua, Trung Nam E&C đã liên tục thế chấp tài sản là quyền lợi, các quyền đòi nợ phát sinh từ các gói thầu, các hợp đồng thi công xây dựng để huy động vốn từ ngân hàng.
Có thể nói đến tháng 6/2021, Trung Nam E&C đã thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng số 292/2020/HĐXD-BQL ký ngày 17/12/2020 giữa Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng và Liên danh Dancinco - Xuân Quang - CIENCO 5 - Trung Nam và các Phụ lục phát sinh về việc thi công Gói thầu Xây lắp Cầu Biện, kè bảo vệ bờ sông, bến đón trả khách và neo đậu tàu thuyền, phao tiêu, biển báo dọc sông tại Thành phố Đà Nẵng. Tiểu dự án 1: Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng).
Đến tháng 8/2021, doanh nghiệp tiếp tục thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng số 4746/2020/HĐXL-BQLDATL ký ngày 28/12/2020 giữa Ban Quản lý dự án Thăng Long và Liên danh Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Liên danh VINACONEX - Trung Nam E&C). Ngân Hàng TMCP Tiên Phong Chi Nhánh Cửu Long tiếp tục là bên nhận thế chấp.
Trước đó, vào tháng 10/2020, Trung Nam E&C cũng thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 36/2020/HĐXD-B7 ngày 10/08/2020 giữa Ban Quản lý dự án 7 và liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 – Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam.
Gói thầu XL.03A thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Hay tháng 8/2020, Trung Nam E&C đã thế chấp toàn bộ quyền đòi nợ gốc, nợ lãi, tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại đã hình thành phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 48/2017/HĐXD/QLDA-TNE&C ngày 20/11/2017…
Cụ thể, tính đến năm 2020, doanh thu của Trung Nam E&C lên đến 13.342 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước. Trước đó, năm 2019 trước đó doanh thu của doanh nghiệp này cũng đã tăng đột biến gấp gần 4 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần chỉ vỏn vẹn chưa đến 2,2 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2020, công ty mẹ của Trung Nam E&C là Trung Nam Group ghi nhận doanh thu tăng 58% so với cùng kỳ lên 10.285 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần chỉ ở mức 133 tỷ đồng, con số này đã tăng 7% so với năm trước.
Ngoài ra, theo công bố của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Trung Nam Group hiện là nhóm doanh nghiệp năng lượng tái tạo phát hành trái phiếu nhiều nhất thị trường. Tính trong 2 năm 2020 và 2021, Trung Nam Group đã huy động khoảng 23.000 tỷ đồng từ trái phiếu, với lãi suất trung bình từ 9,5%/năm, kỳ tính lãi trung bình 3 - 6 tháng/lần. Trong khi đó, tổng tài sản của Trung Nam hiện nay khoảng 77.000 tỷ đồng, có thể thấy Trung Nam Group đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao.
Với những khoản nợ hàng chục nghìn tỷ khiến áp lực trả nợ, trả lãi ngân hàng đè nặng "hệ sinh thái" Trung Nam Group và Trung Nam E&C liên tục phải thế chấp tài sản, các quyền đòi nợ phát sinh từ các gói thầu, các hợp đồng thi công xây dựng để huy động vốn từ ngân hàng liệu khi được chỉ định làm nhà thầu cho dự án "khủng" như 100km Cao tốc Bắc – Nam với quy mô đầu tư lên đến 20.000 tỷ đồng, Trung Nam E&C có phải đối diện với khó khăn mới về dòng tiền, về nguồn tài chính và việc huy động vốn cho dự án?
Tin nổi bật
Tin Video