TP.HCM: Thí điểm “thẻ xanh COVID-19” cụ thể như thế nào?
(VOVTV) - TP.HCM sẽ thí điểm triển khai “thẻ Xanh COVID” gắn với mã QR cá nhân tại 5 địa bàn, đơn vị đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Việc thí điểm này sẽ được triển khai và kiểm soát như thế nào để hiệu quả và sớm được nhân rộng?
TP.HCM sẽ thí điểm triển khai việc thực hiện “thẻ Xanh COVID” gắn với mã QR cá nhân tại 5 địa bàn, đơn vị đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) và Ban quản lý Khu Công nghệ cao. Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, việc thí điểm “thẻ xanh COVID-19” không thực hiện trên toàn địa phương hay toàn bộ đơn vị, mà chỉ triển khai có lộ trình trong những nhóm cụ thể sau khi thống nhất với các lãnh đạo của đơn vị đó.
Ví dụ ở Quận 7 thí điểm cho khoảng 150 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thiết yếu. Ở Củ Chi, Cần Giờ thí điểm quản lý ở các cơ sở cung cấp thực phẩm, cung cấp sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp du lịch tại địa phương.
Riêng các địa phương, đơn vị còn lại (không được thí điểm) sẽ vẫn áp dụng phương thức di chuyển theo quy định nêu trong các công văn cho phép của UBND TP. Sau ngày 30/9, Sở sẽ phối hợp các sở ngành, địa phương, tham mưu các giải pháp cho UBND TP.
Về ứng dụng “Khai báo y tế điện tử TP.HCM” mà Sở Thông tin và Truyền thông đang phát triển, ông Thắng cho biết, đây không phải là ứng dụng mới mà là ứng dụng đã triển khai trên địa bàn từ tháng 1/2021.
Tuy nhiên để đảm bảo yêu cầu chống dịch sau ngày 15/9, sau khi tổng rà soát các ứng dụng, các giải pháp công nghệ thông tin và xin ý kiến Bộ chuyên ngành, thành phố thống nhất phát triển ứng dụng “Khai báo y tế điện tử TP.HCM” thành một ứng dụng thống nhất cho người dân quản lý thông tin của mình một cách tiện lợi nhất.
Ứng dụng này sẽ gom các ứng dụng hiện nay đang gây bất tiện cho người dân và các cơ quan quản lý, từ đó giúp người dân giảm giấy tờ và TP.HCM sẽ làm chủ được dữ liệu của mình.
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tình hình dịch bệnh ở 3 địa phương và 2 đơn vị nói trên có thể diễn biến phức tạp. Vì vậy trong tổ chức thực hiện giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế, cơ quan y tế cùng với các quận huyện sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc nới lỏng chính sách để kịp thời có biện pháp khắc phục hơn.
Ông Bình cho hay, TP đã có phương án dự phòng đối với từng đơn vị được thí điểm và cũng sẽ được sự đánh giá hàng ngày, hàng tuần: "Thậm chí, hằng ngày nếu có vấn đề cần điều chỉnh trong văn bản chúng tôi ban hành ra thì sẽ điều chỉnh ngay. Cái khó khăn nhất là điều chỉnh trong hệ thống giao thông, hằng ngày chúng tôi có giao ban về giao thông. Vì kết nối cung cầu mà không được thì cũng không sản xuất được. Sau đợt thí điểm này Sở Y tế sẽ đánh giá việc giãn cách gây ra mức độ như thế nào, chúng ta làm tiếp thế nào".
Còn theo ông Lê Hải Bình, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, TP.HCM đang đứng ở lằn ranh mong manh giữa đảm bảo an toàn cho người dân, kiểm soát dịch bệnh và để người dân có điều kiện sống tốt hơn, đảm bảo nhu cầu thiết thân của người dân.
Nếu chỉ phòng chống dịch bệnh thì đơn giản hơn, nhưng bắt đầu từ ngày 15/9, vừa phải phòng chống dịch bệnh sao cho nghiêm ngặt, không để số ca nhiễm, tử vong tăng lên, vừa thí điểm nới lỏng, mở cửa ở một số địa bàn để người dân có được cuộc sống tốt hơn.
Ông Bình cho rằng, đây là lúc khó khăn hơn giai đoạn trước rất nhiều. Trong giai đoạn tới, lực lượng chức năng sẽ gặp nhiều áp lực, có thể xuất hiện lúng túng, sai sót. Vì vậy, 15 ngày tới sẽ là những chuỗi ngày “then chốt”, ý nghĩa và đầy thách thức.
Các cấp lãnh đạo mong người dân hiểu rằng việc mở cửa, nới lỏng phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố, phải được đánh giá liên tục, nếu nhận thấy nới lỏng được thì thực hiện, nếu có sự bất thường thì triển khai siết chặt lại để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Vì vậy mong muốn người dân thấu cảm, đồng hành cùng thực hiện các biện pháp của TP trong thời gian tới./.
Tin nổi bật
Tin Video