TP.HCM: Người có ‘thẻ xanh COVID-19’ sẽ được tham gia hoạt động nào?
Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc ban hành kế hoạch phòng, chống dịch sau 15/9, trong đó có giãn cách xã hội gắn với "thẻ xanh COVID-19".
Theo Sở Y tế TP.HCM, tới đây TP.HCM từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội dựa trên đánh giá mức độ nguy cơ, số liệu giám sát dịch tễ và khả năng đáp ứng của ngành Y tế để phục hồi sản xuất, cung ứng dịch vụ thiết yếu, lưu thông hàng hóa.
Người dân sử dụng "thẻ xanh COVID-19" tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội tùy theo mức độ kiểm soát dịch.
Thành phố sẽ phân loại các ngành nghề, đơn vị theo khả năng xuất hiện và bùng phát dịch, theo các tiêu chí an toàn để từng bước khôi phục hoạt động.
Theo Dự thảo điều kiện sử dụng "thẻ xanh COVID-19" mà Sở Y tế TP.HCM công bố, đối tượng được áp dụng là người đã được tiêm chủng đầy đủ theo khuyến nghị của hãng vaccine và đủ thời gian tạo kháng thể.
Cụ thể là 2 tuần sau mũi 2 với vaccine Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Người nhiễm bệnh trong vòng 6 tháng cũng là đối tượng được sử dụng "thẻ xanh COVID-19".
Trong điều kiện thực hiện chỉ thị 15, F0 khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ 2 mũi dưới 65 tuổi, không bệnh nền được tham gia các hoạt động tại nơi công cộng, được đi học, đi làm, đi du lịch hoặc đi công tác ở các tỉnh thành, nước ngoài.
Trong điều kiện thực hiện chỉ thị 16, F0 khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ 2 mũi dưới 65 tuổi, không bệnh nền được tham gia các hoạt động nơi công cộng như siêu thị, bệnh viện, phòng khám… được đi học, đi làm hoặc đi công tác nội địa.
F0 khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ 2 mũi trên 65 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, người chỉ tiêm 1 mũi vaccine hạn chế tham gia các hoạt động nơi công cộng, được đi học, đi làm nhưng cần bố trí công việc hạn chế tiếp xúc nhiều người, tuân thủ 5K và giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Theo BS Nguễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể nhiễm bệnh nếu tiếp xúc nguồn lây. Bởi không có vaccine nào bảo vệ 100%, nhưng những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 thì ít nhiễm bệnh, hoặc nếu có nhiễm thì không triệu chứng và triệu chứng rất nhẹ, giảm tử vong rất nhiều.
Do đó dù có “thẻ xanh COVID-19”, người dân vẫn phải tuân thủ 5K và các biện pháp phòng dịch nghiêm túc và an toàn.
BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, ngoài người tiêm đủ hai mũi vaccine thì 3 nhóm người lãnh đạo thành phố cần được xem xét khi nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại là: Người mắc COVID-19 đã được khỏi bệnh vì họ có miễn dịch tự nhiên ít nhất 6 tháng hoặc có thể cả đời mà chưa cần tiêm vaccine, người tiêm vaccine mũi 1 qua 14 ngày và những người trẻ tuổi.
“Người trẻ nhiễm bệnh COVID-19 thường nhẹ và tự khỏi sau vài tuần. Người F0 đã khỏi bệnh thì sẽ không nhiễm bệnh nữa ít nhất là 6 tháng, người tiêm một mũi vaccine nếu nhiễm bệnh rất ít bệnh nặng. Những người này, cộng với người tiêm 2 mũi vaccine là nguồn lực chống dịch và sống chung lâu dài với COVID-19”, BS Khanh nói.
Theo BS Khanh, nếu chờ đến khi tiêm đủ tối thiểu 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng mới tính đến việc mở cửa sẽ rất lâu. Trong khi ngay lúc này, chúng ta cần phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Do đó cần có cơ chế nới lỏng từng phần, các địa phương đã linh hoạt phong tỏa từng phần thì bây giờ tỷ lệ vaccine bao phủ đến đâu cũng cần mở cửa từng phần trở lại đến đó.
Tuy nhiên, theo BS Khanh người đã tiêm vaccine vẫn có thể mắc COVID-19 và lây cho người tiếp xúc gần. Vì vậy, các cơ chế, chính sách phải xem xét cụ thể từng nơi, khu vực được phép hoạt động và hoạt động được phép tham gia.