Tin tức

Thị trường vàng thế giới không 'bắt được sóng' lạm phát

(VOVTV) - Dù có nhiều cơ hội để vàng tăng giá, khi lãi suất ở các mức thấp lịch sử, thị trường vàng thế giới vẫn "trật nhịp" với đà tăng của lạm phát trong năm 2021, do giới đầu tư tập trung vào kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước. Triển vọng thị trường vàng khi bước sang năm 2022 sẽ phụ thuộc vào sự chuyển động của chính sách tiền tệ và tác động đối với đồng USD cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới.

05/01/2022 09:47

Sự "hụt hơi" của năm 2021…

Vàng vẫn được công nhận là một trong những tài sản trú ẩn an toàn tốt nhất trong những thời kỳ thị trường biến động. Nhu cầu vàng của giới đầu tư thường có xu hướng tăng mạnh khi bất ổn gia tăng trên các thị trường tài chính truyền thống như chứng khoán và trái phiếu.

Điều này được thể hiện rõ trong năm 2020 khi đại dịch COVID-19 gây hoang mang cho các thị trường trên toàn cầu. Đến đầu tháng 8/2020, giá vàng đã chạm mức cao nhất từ trước đến này là 2.067 USD/ounce và vẫn neo ở trên mức 1.850 USD/ounce trong thời gian còn lại của năm ngoái.

Nhưng khi thế giới đã phục hồi nhiều từ đại dịch COVID-19, giá vàng đã rời khỏi các mức cao nói trên. Gói giải cứu khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào đầu năm 2021 là một yếu tố chính khiến giá vàng giảm đáng kể, từ khoảng 1.950 USD/ounce vào đầu tháng Một xuống dưới 1.700 USD/ounce vào tuần đầu tiên của tháng Ba.

Thị trường vàng thế giới không 'bắt được sóng' lạm phát - Ảnh 1.

Vàng được bày bán tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh minh họa

Dù tình trạng lạm phát leo thang và những lo ngại xung quanh biến thể Delta đã đẩy giá vàng tăng trở lại lên trên mức 1.900 USD/ounce vào tháng Sáu, nhưng kim loại quý này đã không thể giữ vững "phong độ", mà phần lớn thời gian sau đó lại nằm ở dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce.

Tuy nhiên, giá vàng lại leo lên trên mức 1.850 USD/ounce vào giữa tháng 11, khi số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng lên đến 6,2% trong tháng 10/2021, mức cao nhất trong 31 năm, khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một biện pháp phòng trừ rủi ro lạm phát.

Nhưng sau đó, giá vàng lại đảo chiều đi xuống và chủ yếu dao động dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce từ tuần cuối cùng của tháng 11 trở đi. Diễn biến này có thể một phần là do việc ông Jerome Powell được tái bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), điều làm gia tăng những đồn đoán về khả năng Fed sẽ bình thường hóa chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất và giảm chương trình mua tài sản sớm hơn dự kiến ban đầu.

Thông báo của Fed về việc kết thúc chương trình mua trái phiếu hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch vào tháng 3/2022 và ba đợt tăng lãi suất dự kiến trong năm 2022 đã tiếp sức cho vàng, khi kim loại quý này một lần nữa phá ngưỡng 1.800 USD/ounce và "neo" quanh mức này cho tới cuối năm 2021.

Nhiều nhà quan sát thị trường cho rằng vàng đang không phản ứng với các mức lạm phát cao hơn mục tiêu hiện nay ở nhiều nước như vẫn thường được dự đoán, vì thị trường đang tập trung vào xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương nhiều nước. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang sử dụng các đồng tiền kỹ thuật số như bitcoin như một hình thức lưu giữ giá trị và phòng ngừa rủi ro lạm phát.

… và kịch bản nào cho năm 2022?

Ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan) mới đây đưa ra dự báo triển vọng của giá vàng trong năm 2022 vẫn tiêu cực. Ngân hàng này cho rằng giá vàng sẽ giảm xuống 1.500 USD/ounce vào cuối năm 2022, rồi giảm tiếp xuống 1.300 USD/ounce vào cuối năm 2023.

Có nhiều nguyên nhân cho dự báo này. Đầu tiên, chính sách tiền tệ toàn cầu đang trên đà thắt chặt. Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh (BoE) đã trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nâng lãi suất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi đó, Fed cho biết sẽ giảm dần tiến đến kết thúc chương trình mua trái phiếu và báo hiệu ba đợt nâng lãi suất trong năm sau. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang cắt giảm các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho nền kinh tế. Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nhìn chung sẽ tác động tiêu cực lên giá vàng.

Thứ hai, Ngân hàng ABN AMRO dự đoán lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ sẽ đi lên, từ đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng. Cùng với đó, áp lực lạm phát sẽ giảm bớt, dẫn đến lợi suất thực tế của trái phiếu kho bạc Mỹ còn cao hơn nữa, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến giá vàng trong tương lai.

Thứ ba, đồng USD được dự báo sẽ còn tăng mạnh hơn nữa, nhất là so với đồng tiền của các nước thắt chặt chính sách tiền tệ muộn hơn. Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Mỹ cũng sẽ thúc đẩy đồng USD, tạo ra một "cơn gió ngược" cho vàng. Đồng "bạc xanh" tăng giá sẽ khiến vàng vốn là kim loại quý được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác. Giá vàng yếu hơn có thể khiến các nhà đầu tư bán ra tài sản vàng mà họ đang nắm giữ.

Trong khi đó, Ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định giá vàng có thể bị kìm hãm trong nửa đầu năm 2022 khi chu kỳ nâng lãi suất bắt đầu. Ngân hàng này dự đoán giá vàng sẽ ở mức 1.900 USD/ounce vào cuối năm 2022, tức giảm 200 USD so với dự đoán trước đó.

Tuy nhiên, diễn biến tiếp theo của giá vàng một phần lớn còn phụ thuộc vào tác động mà biến thể Omicron thực sự sẽ gây ra cho thế giới. Nếu biến thể Omicron cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng như các biến thể trước đó, giới đầu tư có thể sẽ một lần nữa tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.

Nhưng trong dài hạn, khi tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn đang được thúc đẩy trên toàn thế giới, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang bình thường hóa, dù tốc độ phục hồi không đồng đều, và lãi suất sắp bước vào một chu kỳ đi lên mới, sự khởi sắc của giá vàng trong gần hai năm qua có thể sẽ đi đến hồi kết trong năm 2022.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận