Tin tức

Thêm 3 quận huyện 'vùng cam', Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch đầu năm mới

(VOVTV) - Tới ngày 31/12, Hà Nội có thêm 3 quận, huyện Thanh Xuân, Gia Lâm, Thanh Trì trở thành "vùng cam", tức vùng có nguy cơ cao. Cũng trong ngày 31/12, thành phố ra văn bản yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Dương lịch và đầu năm mới.

Tác giả PV / VOVTV
31/12/2021 22:58

Theo công bố cấp độ dịch của UBND TP Hà Nội,  ngày 31/12, TP Hà Nội đang ở cấp độ 2 (vùng vàng - nguy cơ trung bình). 

Hai huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp); 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (vùng cam - nguy cơ cao) gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân; 18 quận, huyện thị xã còn lại ở cấp độ 2. Thành phố không có địa phương nào ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao).

Như vậy, so với tuần trước, tuần này Hà Nội có thêm 3 quận, huyện nâng cấp độ phòng chống dịch là Thanh Xuân, Gia Lâm, Thanh Trì. Do có số ca mắc giảm, quận Đống Đa từ "vùng cam" đã "hạ nhiệt", chuyển xuống cấp độ 2 (vùng vàng).

Về cấp xã, phường, có 111 xã, phường thị trấn ở cấp độ 3; 278 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2; 190 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1.

Trong 14 ngày trở lại đây, trên địa bàn ghi nhận 23.606 trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng.

Đến nay, Hà Nội có tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 là 98,5%. Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 là 95,8%.

Thêm 3 quận huyện 'vùng cam', Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch đầu năm mới - Ảnh 1.

Hà Nội treo cờ chào đón năm mới 2022

Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn trước những nguy cơ bùng phát dịch, đặc biệt đã xuất hiện biến chủng mới Omicron, về việc đón năm mới Tết Dương lịch 2022, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 27/CĐ-UBND ngày 31/12/2021 yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành và các Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã triển khai, thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố; yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K, lắp đặt và triển khai quét mã QR căn cước công dân có gắn chíp, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt tại các điểm công cộng, nhà ga, sân bay, bệnh viện, chợ, siêu thị… không để phát sinh tình trạng tập trung đông người trên địa bàn; kiên trì tuyên truyền, vận động người dân có việc cần thiết mới ra ngoài.

Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã căn cứ vào cấp độ dịch trên địa bàn để áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp và chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch; tăng tối đa công suất thu dung điều trị F0 tại xã, phường, tại nhà khi đủ điều kiện; rà soát lại trang thiết bị y tế tại các trạm y tế lưu động, như  ô xy, thuốc điều trị, thiết bị đo SpO2, xem xét cần thiết thì có thể bố trí phòng cấp cứu.

Bên cạnh đó, các địa phương cần duy trì thường trực 24/24/7 các đội phòng chống dịch cơ động, tại các cơ sở y tế đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; Giám sát chặt người về từ các quốc gia, vùng có dịch, tăng cường giám sát phát hiện biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2, dịch bệnh chặt chẽ tại cộng đồng, luôn trong tình trạng sẵn sàng phản ứng nhanh với các thông tin để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, xác minh, khoanh vùng dập dịch kịp thời không để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng; tăng cường các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Các quận, huyện, thị xã tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, tổ chức tiêm vaccine, thuốc, oxy y tế, giám sát dịch và nâng cao năng lực thực chất của hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở, tăng cường thành lập các trạm y tế lưu động, đặc biệt trong các khu công nghiệp, phường đông dân cư; tổ chức diễn tập rút kinh nghiệm và tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng, huy động sự tham gia của các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập, lực lượng y, bác sỹ nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành Y của thành phố và chủ động của cấp quận, huyện, thị xã; thực hiện tốt công tác điều trị tại các tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cập nhật đầy đủ thông tin trên phần mềm theo dõi, quản lý F0 tại nhà, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.

Thành phố cũng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm chủng mũi 1, mũi 2 và tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo tiếp tục rà soát người từ 50 tuổi trở lên, tăng cường, kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục tiêm vaccine phòng COVID-19.

Đối với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế tăng cường các giải pháp chuyên môn giám sát dịch bệnh, biến chủng của virus; đồng thời hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với cấp độ dịch. Sở Y tế cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu có chính sách đối với Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà…

Thành phố Hà Nội còn giao Công an thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục lắp đặt và triển khai quét mã QR căn cước công dân có gắn chíp tại các khu vực có nguy cơ cao; rà soát, quản lý, giám sát việc di biến động dân cư, tất cả những trường hợp ngoại tỉnh, nhập cảnh từ nước ngoài về làm việc và cư trú trên địa bàn để giám sát, theo dõi, xử lý kịp thời các tình huống khi cần thiết; triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhất là trong dịp cao điểm như Tết Dương lịch 2022 và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19…/.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận