'Tàu chiến sa mạc' dấy lên những lo ngại mới ở Lầu Năm Góc
"Trung Quốc đang trở nên hùng mạnh khác thường, muốn điều chỉnh trật tự quốc tế để có lợi cho họ. Đó sẽ là một thách thức thực sự trong những năm tới", Tướng Mỹ Mark Milley cảnh báo.
Công ty khai thác hình ảnh vệ tinh Maxar Technologies cho biết loạt ảnh gây chú ý của họ được chụp ở tỉnh Tân Cương, tây bắc Trung Quốc.
Đó dường như là một trường bắn sa mạc, không giống bất cứ nơi nào khác, nằm ở huyện Nhược Khương (Ruoqiang) thuộc vùng sa mạc phía tây bắc Tân Cương. Giữa sa mạc cát mênh mông xuất hiện các tàu chiến mô phỏng khổng lồ, có hình dạng giống như tàu sân bay lớp Ford và tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ.
Hình ảnh đó đã dấy lên hồi chuông báo động với các quan chức Lầu Năm Góc, những người lo ngại rằng Bắc Kinh đang nghiêm túc chuẩn bị cho một cuộc chiếm tiềm tàng liên quan đến vấn đề Đài Loan/Trung Quốc.
Các ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies có trụ sở tại Colorado (Mỹ) chụp cho thấy Trung Quốc đã dựng các mô hình tàu chiến Mỹ tại một trường bắn quân sự, có thể được sử dụng làm mục tiêu tập luyện.
Sự việc thu hút sự chú ý của truyền thông khắp thế giới này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường quân sự khổng lồ, phát triển vũ khí hạt nhân, tàu chiến, máy bay chiến đấu, xe tăng, tên lửa, đồng thời với việc mở rộng ồ ạt lực lượng vũ trang khi nước này có lập trường ngày càng quyết đoán trên trường quốc tế.
Bắc Kinh và Washington từ lâu đã ngầm đối đầu trong vấn đề Đài Loan – hòn đảo mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời và khẳng định sẽ “tái thống nhất” với đại lục, trong khi Tổng thống Joe Biden nói Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Bắc Kinh tấn công (mặc dù cấp dưới của ông đã đính chính và khẳng định chính sách của Mỹ với Đài Loan không thay đổi. Mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan trở nên không chính thức kể từ khi Washington công nhận ngoại giao đối với Bắc Kinh vào năm 1979).
Viện Hải quân Mỹ (USNI), một tổ chức độc lập, cho biết trên trang web của mình rằng, mô hình tàu chiến Mỹ là một phần của loạt mục tiêu mới do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phát triển.
Công ty Maxar xác định vị trí đặt các tàu chiến mô phỏng là ở huyện Nhược Khương, nằm trên vùng sa mạc Taklamakan ở tây bắc Tân Cương. Các mục tiêu bao gồm ít nhất một mô hình tàu sân bay cố định, hai mô hình tàu khu trục cố định và một mô hình tàu sân bay gắn vào đường ray, được thiết kế để thực hành mục tiêu di động.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu chi tiết được phân tích qua các hình ảnh, nhưng USNI cho biết họ đã xác định được một số tính năng trên mô hình tàu khu trục bao gồm cả các ống dẫn và hệ thống vũ khí, cho thấy nó được thiết kế để bắt chước tàu lớp Arleigh Burke.
Những năm qua, hoạt động nâng cấp quân sự khổng lồ của Trung Quốc đã thể hiện sự ưu tiên phát triển các tên lửa phóng từ đất liền, trên biển và trên không nhằm ngăn chặn tiếp cận và có thể đánh chìm các tàu đối phương. Điều này thể hiện rõ nhất qua tên lửa đạn đạo DF-21D phóng từ đất liền, được ví là “sát thủ diệt tàu sân bay”.
Những tháng gần đây cũng đã chứng kiến sự gia tăng mạnh các chuyến bay quân sự của Trung Quốc ở khu vực tây nam đảo Đài Loan.
Theo một báo cáo mới tiết lộ của Bộ Quốc phòng Mỹ, Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) là lực lượng hải quân lớn nhất trên thế giới hiện nay, với tổng cộng 355 tàu chiến, với ước tính 145 tàu tác chiến mặt nước chủ lực.
Báo cáo trên lưu ý PLAN cũng đang sẵn sàng khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa nhằm vào các mục tiêu trên bộ và tăng cường năng lưc tác chiến chống tàu ngầm, củng cố hơn nữa khả năng phát triển sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc.
Số tàu của PLAN được cho là còn tăng mạnh trong tương lai. Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán toàn hạm đội Trung Quốc sẽ tăng lên 460 tàu vào năm 2030.
Ngoài sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, Trung Quốc còn có lực lượng quân đội thường trực lớn nhất và không quân lớn thứ ba thế giới. Đây là những điểm cộng thêm vào năng lực hạt nhân đáng chú ý của Trung Quốc.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho rằng: “Chúng ta đang chứng kiến một trong những thay đổi lớn nhất về sức mạnh địa chiến lược toàn cầu mà thế giới từng thấy”.
"Ngày nay Trung Quốc sở hữu năng lực vũ trụ và không gian mạng, năng lực trên bộ, trên biển, trên không, dưới biển và họ rõ ràng đang thách thức chúng ta trong khu vực”, Tướng Milley cảnh báo, và lưu ý: "Vì vậy, chúng ta đang có ở đây một quốc gia đang trở nên hùng mạnh khác thường, muốn điều chỉnh trật tự quốc tế để có lợi cho họ”.
“Đó sẽ là một thách thức thực sự trong những năm tới, trong 10, 20 năm tới. Điều đó sẽ thực sự có ý nghĩa đối với Mỹ”, ôngMilley nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại cuộc họp giao ban hàng ngày hôm 8/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết ông không có thông tin về các hình ảnh tàu chiến mô phỏng, khẳng định: "Tôi không biết về tình huống mà bạn đã đề cập."
Theo phân tích của AllSource Analysis,“những mô hình một số tàu chiến Mỹ, cùng với các tàu chiến khác (đặt trên đường ray và di động) có thể mô phỏng các mục tiêu liên quan đến thử nghiệm tìm kiếm/tiếp cận mục tiêu”. Tuy nhiên phân tích của tổ chức này không cho thấy các khu vực chịu tác động của vũ khí xung quanh các vật thể mô phỏng.
“Điều này và những chi tiết kỹ của các mô hình, bao gồm vị trí của nhiều cảm biến trên và xung quanh các mục tiêu trên tàu, có thể cho thấy khu vực này được thiết kế để sử dụng nhiều lần trong thời gian dài”, AllSource Analysis nêu.
Phân tích các hình ảnh vệ tinh cho thấy cấu trúc mục tiêu tàu sân bay được dựng lần đầu tiên từ tháng 3 đến tháng 4/2019. Nó đã trải qua một số lần dựng lại và sau đó bị tháo dỡ đáng kể vào tháng 12/2019.
Địa điểm trên đã hoạt động trở lại vào cuối tháng 9 năm nay và cấu trúc mô phỏng được hoàn thành cơ bản vào đầu tháng 10.
Tin nổi bật
Tin Video