Sốt ruột chờ hỗ trợ, nhiều F0 ở Hà Nội tự chữa theo 'cộng đồng mạng'
Chậm được hỗ trợ từ y tế cơ sở, không ít F0 tại Hà Nội đã "tự xoay sở" bằng cách lên mạng xã hội tìm thuốc.
Sốt ruột chờ y tế phường, nhiều F0 tự chữa theo "cộng đồng mạng"
Sau khi tự test nhanh dương tính, chị M.C., sống tại Hà Nội, được trạm y tế phường xét nghiệm khẳng định PCR. Vài ngày sau, chị C. xuất hiện triệu chứng sốt nhưng vẫn chưa được thông báo kết quả xét nghiệm PCR.
Nhiều lần gọi điện lên hotline nhưng không được, sốt ruột, trong suốt thời gian bị sốt, chị C. đã tự tìm các phương thuốc điều trị Covid-19 được chia sẻ trên mạng và nhờ người thân mua thuốc dùm.
Một trường hợp khác là gia đình chị V.K.C. ở Đống Đa (Hà Nội) tự làm test nhanh thì phát hiện có 5 thành viên dương tính SARS-CoV-2. Gia đình đã gọi điện cho y tế phường nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ, nên phải lên mạng xã hội nhờ tư vấn đơn thuốc.
Cũng chung tình trạng "tự xoay sở", chị N.H.P. ở Bắc Từ Liêm chia sẻ, có chồng là F0 có triệu chứng đau rát họng được cho cách ly điều trị tại nhà. Tuy nhiên, sau khi đợi nhiều ngày nhưng không được phát thuốc điều trị, chồng chị đã chủ động uống vitamin C và men tiêu hóa. Chị P. cũng phải lên mạng để hỏi thêm các thuốc điều trị cho chồng mình.
Trên thực tế, việc F0 tại Hà Nội tăng nóng trong thời gian vừa qua cũng kéo theo áp lực lên lực lượng y tế cơ sở. Nhân lực của các trạm y tế phường, trung tâm y tế quận vốn rất mỏng lại phải đảm đương nhiều nhiệm vụ. Do đó, một số khu vực dịch diễn biến phức tạp đôi lúc xảy ra tình trạng không thể xử lý kịp thời các vấn đề về cách ly, điều trị.
Tự chữa Covid-19 bằng thuốc "truyền miệng": Tiền mất, tật mang
Là người trực tiếp hỗ trợ từ xa cho nhiều F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội, BS Lê Xuân Thắng (từng công tác tại Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 103) cho hay, tình trạng bệnh nhân Covid-19 tự điều trị theo các đơn thuốc chia sẻ trên mạng, trong thời gian qua là khá phổ biến.
"Tôi tham gia "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà" được hơn 10 ngày. Mỗi ngày tôi thường xuyên nhận được yêu cầu hỗ trợ từ 15 - 20 bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội. Bệnh nhân liên lạc bất kể thời điểm trong ngày, từ sáng sớm đến đêm muộn", BS Thắng cho hay.
Theo BS Thắng, hầu hết F0 tìm đến sự tư vấn của bác sĩ đều mang tâm trạng hoang mang, lo lắng. Nhất là những trường hợp ngoài bệnh nhân còn có những người thân bị lây bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi, mà vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của y tế cơ sở.
Nhiều trường hợp khi liên hệ với BS Thắng, trước đó, đã tự dùng các bài thuốc "truyền miệng".
BS Thắng thông tin: "Tình hình dịch tại Hà Nội leo thang. Lực lượng y tế phường lại rất mỏng, trong khi người cần sự hỗ trợ thì quá lớn, nên nhiều khi các F0 không được đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, không khó hiểu khi nhiều bệnh nhân tự tìm kiếm đơn thuốc trên mạng, rồi tự truyền tay nhau. Có nhiều trường hợp người từng là bệnh nhân ở các vùng dịch trước đây như Bắc Giang, TPHCM chia sẻ đơn thuốc mà mình từng dùng trên các hội nhóm".
Thậm chí, theo chuyên gia này, không chỉ có bệnh nhân Covid-19, mà nhiều gia đình một người là F0 còn chia sẻ đơn thuốc của mình cho các F1 cùng nhà uống để phòng bệnh, trong khi họ vẫn chưa có triệu chứng gì.
BS Thắng nhấn mạnh rằng, đây là một thực trạng rất đáng báo động bởi có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Các loại thuốc nếu sử dụng sai đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Đặc biệt, lưu ý các thuốc chứa thành phần là paracetamol và corticoid. Đây là những thành phần thuốc dùng có chỉ định. Nếu sử dụng đại trà, tràn lan thì hậu quả để lại rất nguy hiểm. Ví dụ điển hình là chúng có thể gây tác hại cho đường tiêu hóa nếu dùng không đúng như loét dạ dày, thậm chí nếu quá nặng có thể gây thủng dạ dày. Ngoài ra, paracetamol nếu uống quá nhiều có thể gây ảnh hưởng cho gan, nặng hơn là ngộ độc gan.
BS Thắng dẫn chứng một trường hợp mà mình từng tư vấn cách đây không lâu: "Có trường hợp người chồng là F0 không triệu chứng tự mua thuốc có chứa paracetamol và corticoid về uống. Người vợ là F1 cũng uống cùng thuốc với chồng vì nghĩ là để phòng bệnh. Tuy nhiên, buổi sáng vừa uống thuốc, đến tối người vợ đã bị đau bụng. Khi gọi cho tôi, qua mô tả của bệnh nhân, xác định được người vợ gặp tình trạng dạ dày do sử dụng corticoid".
Từ thực trạng này, BS Thắng khuyến cáo, người dân khi phát hiện mình là F0 cần hết sức bình tĩnh và liên hệ ngay đến các cơ quan chức năng để được hướng dẫn. Việc điều trị, sử dụng thuốc cần có sự tư vấn, hướng dẫn của các bác sĩ, người có chuyên môn. Ngoài ra, tránh việc tích trữ thuốc vì dễ gây tình trạng "người cần không có, người có lại không cần".