Sĩ tử khấn vái trước bia 'Hạ mã' ở Văn Miếu: Vừa hài vừa bi
Tấm bia "Hạ mã" trước cổng Văn Miếu chỉ mang ý nghĩa yêu cầu xuống ngựa, vậy mà bao nhiêu sĩ tử và phụ huynh đến dâng lễ, sì sụp khấn vái, cầu may mắn trước kỳ thi.
Các sĩ tử sắp bước vào kỳ thi quan trọng - kỳ thi THPT QG. Và như mọi khi, Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại có người đến để cầu khấn. Có điều vào mùa thi năm nay, di tích này vẫn đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19. Không thể vào trong, nhiều phụ huynh và sĩ tử mang hương hoa lễ vật đứng ngoài bái vọng. Và có một cảnh khiến những ai hiểu biết cảm thấy nực cười, đó là người ta đặt lễ, thắp hương sì sụp khấn vái trước tấm biển "Hạ mã" ngoài cổng Văn Miếu.
Hạ mã có nghĩa là xuống ngựa. Thuở xưa, bia "Hạ mã" thường được đặt trước cửa những nơi quan trọng, đòi hỏi sự tôn nghiêm như đền, phủ, miếu hay dinh thự các quan lớn, nhằm yêu cầu những người tới hoặc qua đây phải xuống ngựa để thể hiện sự tôn kính. Ở công trình Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bia "Hạ mã" do Thượng thư Bộ công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho dựng năm 1771, muốn nhắc nhở mọi người, kể cả công hầu, khanh tướng, khi tới đây đều phải xuống ngựa, xuống xe, đi bộ ngang qua để không thất lễ với các bậc tiên thánh, tiên hiền.
Bia "Hạ mã" dù được đặt trong nhà che bia, bên dưới có bệ rất trang trọng nhưng hoàn toàn không phải là không gian thờ tự. Nói nôm na, chức năng của nó tương tự tấm biển báo "xuống xe dắt bộ" ngày nay.
Có ai lại đi thắp hương cầu khấn trước tấm biển báo giao thông bao giờ! Ấy thế mà người ta đang làm vậy với tấm biển "Hạ mã" ở Văn Miếu. Cái sự khấn vái lấy được, không cần biết mình đang khấn ai ấy, hoàn toàn trái ngược với tinh thần hướng về tri thức, hành động dựa trên hiểu biết mà người đi học, đi thi cần phải hướng tới.
Đành rằng, cầu may trước mỗi sự kiện quan trọng như thi cử cũng là nét tín ngưỡng cần được tôn trọng, nhưng ít nhất ở một công trình là biểu tượng của sự học như Văn Miếu, chuyện bi hài thể hiện sự thiếu hiểu biết, lười tìm hiểu ấy không nên xảy ra.
Mặt khác, từ xưa đến nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn luôn là nơi được sĩ tử và những người coi trọng sự học, coi trọng nền văn hiến đến bày tỏ sự kính ngưỡng, nhưng có vẻ như tính chất, mục đích đã thay đổi, biến tướng rất nhiều. Xưa sĩ tử thường tới nơi thờ phụng các Thánh nho như Khổng Tử, Chu Văn An dâng lễ, thắp hương là để bày tỏ sự ngưỡng mộ, tri ân. Họ chiêm bái hàng bia tiến sĩ, đọc kỹ những dòng chữ ghi trên đó để cảm nhận, suy ngẫm thông điệp tinh thần mà người xưa gửi gắm, lấy đó làm động lực vươn lên, noi gương các bậc tiền bối, mà một trong các thông điệp đó là chuyên cần, dựa vào nỗ lực của bản thân.
Còn ngày nay, nhiều sĩ tử và người nhà cứ nghe đồn ở đâu thiêng là tới lễ, đôi khi chẳng cần tìm hiểu xem nguồn gốc, ý nghĩa của nơi đó là gì. Họ dâng lễ sì sụp khấn ở Văn Miếu cũng giống như khấn xin tài lộc, may mắn ở đền, ở phủ, chăm chăm sờ đầu rùa lấy may. Năm nay Văn Miếu đóng cửa không thể vào trong sờ đầu rùa hay khấn trước ban thờ, họ đặt hương hoa cúng bái ngay trước tấm biển yêu cầu xuống ngựa. Hài hước hơn, không ít thanh niên còn mang theo đề cương để gieo bốc.
Các bậc tiên thánh, tiên hiền dù linh thiêng liệu có thể phù hộ cho đỗ đạt những sĩ tử chỉ đi thi kiểu cầu may?
Hy vọng câu chuyện vừa hài vừa bi về việc khấn vái trước bia "Hạ mã" có thể khiến không ít người vì xấu hổ mà thức tỉnh để không tiếp tục biến mình thành u mê và lố bịch, để chuyện này không còn diễn ra trong tương lai.
Tin nổi bật
Tin Video