'Sau phim Người phán xử, băng nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều'
Thiếu tướng Lê Tấn Tới cho hay, sau khi VTV1 chiếu phim "Người phán xử", tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều.
Sáng 14/9, cho ý kiến về Luật Điện ảnh sửa đổi tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, phổ biến phim trên không gian mạng, phải có phương án kết hợp, cơ bản hậu kiểm nhưng một số loại phải tiền kiểm. Khi trình ra Quốc hội chỉ nên một phương án, không nên đưa 3 phương án.
Ông Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị sửa toàn diện luật để chuyển điện ảnh từ bao cấp sang tự chủ, từ tự chủ sang có lãi lớn. “Sửa ngôi nhà thì phải làm thế nào? Sửa luật này nhưng chưa thoát ra khỏi khung cũ. 8 chương thì 4 chương nói về phim. So với Luật 2006 bỏ mất chương cơ sở điện ảnh… Nói thế thì luật này là Luật Phim chứ chưa phải Luật Điện ảnh”, ông Định nêu.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị, phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại và chịu trách nhiệm, nhất là vấn đề liên quan đến quốc phòng an ninh, vấn đề nhạy cảm như trẻ em, tôn giáo, dân tộc…
Về Điều 9, liên quan đến tổ chức xã hội nghề nghiệp về điện ảnh, ông Tới cho đây là vấn bổ sung vào luật điện ảnh hiện hành. Vì vậy cần đánh giá rõ hơn về tác động, sự cần thiết trong dự thảo luật là vấn đề liên quan đến hội nghề nghiệp, rất nhạy cảm, có liên quan đến an ninh trật tự của đất nước.
Đáng lưu ý, Điều 11 của dự thảo quy định nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Theo ông Tới, hiện một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật, lối sống ích kỷ. Ông ví dụ về việc phạm tội nhưng không bị xử lý, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.
“Điển hình mới đây, VTV1 chiếu phim Người phán xử. Sau khi chiếu bộ phim đó thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều. Đất nước chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả mà đưa vào đó chiếu trên “giờ vàng” thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?”, ông Lê Tấn Tới nêu.
Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị rà soát, luật hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển điện ảnh, cụ thể hóa các điều luật chưa tương xứng với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Bà Thanh cũng đề nghị bổ sung thành phần thẩm định phim, bổ sung thêm nhà chuyên môn chính trị, chuyên gia liên quan đến nội dung điện ảnh, đặc biệt là an ninh, quốc phòng, tín ngưỡng… tránh để lọt, như vừa qua để lọt phim “Người tuyết bé nhỏ” có đường lưỡi bò. Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của nhà thẩm định phim, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
“Việt Nam có cảnh quan, địa chính trị, cảm giác ở đâu cũng trở thành phim trường rất lớn. Như Ninh Bình thời gian qua có phim trường của Đảo đầu lâu ở Tràng An, rồi đang chiếu “Hương vị tình thân”. Cần có quy định của Bộ TN&MT, địa phương cấp phép xây dựng trung tâm kỹ thuật, điện ảnh trường quay, cơ chế chính sách đầu tư, khai thác, lưu giữ bảo tồn giá trị của trường quay”, bà Thanh nói thêm.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, gắn tiền kiểm và hậu kiểm để bảo đảm an ninh chính trị. “Những công việc khác chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu”, ông Hùng cho hay.
Tin nổi bật
Tin Video