Phó thủ tướng: 'Phải thắng dịch Covid-19 bằng công thức của Việt Nam'
“Chúng ta là nước nghèo, phải chiến thắng dịch bệnh bằng công thức của Việt Nam sao cho chi phí rẻ nhất, bớt xáo trộn đời sống của nhân dân", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Tại cuộc họp sáng 5/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 đã nghe báo cáo về dịch bệnh trong nước, triển khai rà soát năng lực xét nghiệm, các loại sinh phẩm xét nghiệm và những vấn đề liên quan đến tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết những số liệu trên thế giới cho thấy tình hình dịch bệnh được cải thiện do 4 yếu tố: Chu kỳ lây nhiễm của virus, cách ứng xử của các nước, miễn dịch trong cộng đồng, cuối cùng là tiêm vaccine.
Ông Phu dự đoán khoảng 1-1,5 năm nữa tình hình dịch Covid-19 mới bớt căng thẳng.
Tăng tốc nghiên cứu vaccine trong nước
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, ngày 8/3, những liều vaccine đầu tiên sẽ được tiêm trước hết tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19, các vùng có dịch, các đối tượng theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ.
Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh cho rằng vaccine là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, Bộ Y tế phải là đầu mối điều phối thống nhất, không thể để tình trạng các địa phương đàm phán trực tiếp với doanh nghiệp chào bán vaccine ngừa Covid-19.
Ban Chỉ đạo yêu cầu việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 khẩn trương nhưng phải rất chắc chắn, đặc biệt phải chuẩn bị đầy đủ phương án xử lý những vấn đề, sự cố phát sinh trong quá trình tiêm chủng.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tiếp cận vaccine nước ngoài ngay từ rất sớm. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước.
Đề nghị khi có vaccine ngừa Covid-19, Bộ Y tế tổ chức tiêm, đánh giá độ an toàn, hiệu quả một cách tốt nhất, Phó thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi 2 lý do chính.
Thứ nhất, trong những đợt tiêm chủng mở rộng đối với những vaccine đã ổn định rồi cũng có lúc xảy ra sự cố, sơ suất, nếu không chuẩn bị tốt sẽ biến thành những sự cố lớn.
Thứ hai, tất cả loại vaccine trước đây tiêm ở Việt Nam đều được phát triển theo quy trình bình thường với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại lên đến 12 năm. Trong khi đó, những vaccine ngừa Covid-19 được nghiên cứu, phát triển theo trong tình hình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Do đó, chúng ta càng phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân, và khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể. "Nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý", ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phải thúc đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Việt Nam hiện có 3 ứng viên vaccine, một loại đã hoàn thành quá trình thử nghiệm trên người giai đoạn một, cho kết quả tốt và đã tiến giai đoạn thử nghiệm thứ hai. Hai vaccine còn lại, tới đây Bộ Y tế sẽ khẩn trương tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn một.
Theo Phó thủ tướng, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có một số vaccine sản xuất trong nước rất tốt và nếu nghiên cứu, phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19, chúng ta có thể chủ động được nguồn vaccine cho 100 triệu dân.
Ông nhìn nhận đây là cơ hội để năng lực nghiên cứu vaccine của Việt Nam bước lên một tầm mới, để chuẩn bị ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
"Vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài để kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu, nhưng trong một thời gian ngắn hạn (6 tháng-1 năm), vaccine chưa phải là tất cả. Đầu tiên, căn bản nhất vẫn phải là các biện pháp phòng, chống dịch ban đầu rất hiệu quả của chúng ta, cộng thêm với vaccine", Phó thủ tướng nói.
Chống dịch bằng chi phí rẻ nhất, ít xáo trộn nhất
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng đánh giá dịch Covid-19 trong nước cơ bản đã được kiểm soát tốt, song các lực lượng cần tiếp tục duy trì tinh thần sẵn sàng, cảnh giác.
Tình hình dịch bệnh trên thế giới đã "bớt nóng" hơn so với trước đây nhưng Việt Nam vẫn là "cánh đồng trũng", phải kiên trì thực hiện các chiến lược đã triển khai trên tinh thần cảnh giác trước nguy cơ mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng.
"Chúng ta là nước nghèo, phải chiến thắng dịch bệnh bằng công thức của Việt Nam sao cho chi phí rẻ nhất, bớt xáo trộn đời sống của nhân dân. Thực tiễn từ khi diễn ra dịch bệnh đến nay, chúng ta đã làm rất tốt", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ông đề nghị mọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).
"Ban Chỉ đạo và cá nhân tôi đã nhiều lần yêu cầu thực hiện việc tự đánh giá, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch nhưng rất ít cơ sở lưu trú, trạm y tế, phòng khám tư nhân… làm nghiêm túc", Phó thủ tướng nói và cho biết phải "siết" hoạt động này, thậm chí quyết liệt tạm đình chỉ hoạt động những nơi không thực hiện nghiêm túc.
Tin nổi bật
Tin Video