Phiên họp đầu tiên của Cộng đồng chính trị châu Âu tại Praha
(VOVTV) - Ngày 6/10, các nhà lãnh đạo từ hơn 40 quốc gia châu Âu đã có mặt tại thủ đô Praha để khởi động định dạng mới là "Cộng đồng Chính trị châu Âu" nhằm thúc đẩy các giải pháp an ninh và giải quyết khủng hoảng kinh tế trên khắp châu lục.
Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo EU và các quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu tại thủ đô Praha diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga và Ukraine tiếp tục gia tăng. Hội nghị lần này có sự tham gia của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và các đối tác bên ngoài EU mong muốn được gia nhập EU, như Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia ở Balkan… Vương quốc Anh - quốc gia duy nhất rời EU cũng có mặt tại sự kiện này. Đặc biệt, Nga không tham dự trong hội nghị lần này.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Petr Fiala tuyên bố Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) không nhằm thay thế các cấu trúc hiện tại của châu Âu. Các quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu tham dự hội nghị lần này để cùng thảo luận và tìm kiếm các giải pháp cho các chủ đề chung của châu Âu.
Theo người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cuộc gặp này nhằm tìm kiếm một trật tự mới mà không có Nga. Điều đó không có nghĩa là sẽ loại trừ Nga mãi mãi, tuy nhiên thời điểm này sẽ không thể xây dựng một trật tự an ninh với Nga.
Các nhà chính trị không tán thành hội nghị lần này cho rằng diễn đàn mới là một nỗ lực để kìm chế việc mở rộng của EU cũng như không tạo ra bất kỳ ảnh hưởng nào đối với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng diễn đàn này có vai trò quan trọng để các quốc gia cùng chia sẻ quan điểm và tìm tiếng nói đồng thuận nhằm giải quyết các vấn đề nóng hiện nay.
Ông Jaroslav Kurfurst, thứ trưởng Ngoại giao Séc phụ trách Các vấn đề châu Âu cho biết: "Đây là một định dạng mới, một định dạng của các quốc gia châu Âu tôn trọng, có hành động phù hợp trong chính trị quốc tế, trật tự quốc tế và dựa trên luật lệ chung. Định dạng này đã ra đời trong thời điểm xung đột giữa Nga - Ukraine xảy ra, tôi nghĩ dù chưa có cấu trúc hoạt động chính thức nhưng đây là diễn đàn để chính phủ, các nhà lãnh đạo các quốc gia thảo luận về các vấn đề chung và sẽ không có bất kỳ giới hạn nào trong chương trình nghị sự. Đây chính là một nền tảng để các nhà lãnh đạo thảo luận và hợp tác với nhau".
Tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về những thách thức chính mà châu Âu phải đối mặt như an ninh, năng lượng, khí hậu, khủng hoảng kinh tế và vấn đề di cư. Không có tuyên bố chung nào được đưa ra sau khi kết thúc hội nghị.
Dịp này, lãnh đạo các quốc gia cũng đã có các cuộc gặp song phương để trao đổi về các vấn đề chung cũng như hợp tác trong các lĩnh vực. Dự kiến, cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức trong 6 tháng tới.