Phẫn nộ vụ cháu bé mầm non gào khóc ở lớp, bị nhét giẻ vào miệng
Vụ cháu bé lớp mầm non tư thục ở thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình bị "cô giáo" nhét giẻ vào miệng gây phẫn nộ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hành vi không chấp nhận và đề nghị xử lý nghiêm.
Ngày 29/6, trên mạng xã hội lan truyền thông tin "giáo viên" lớp mầm non tư thục Sao Việt (tại 56 Trần Thủ Độ, phường Tiền Phong, TP. Thái Bình) có hành động bạo hành học sinh.
Video ghi lại cảnh một bé trai bị "giáo viên" nhét giẻ vào miệng. Mặc cho bé trai đang khóc lóc giãy giụa trong tình trạng miệng bị nhét giẻ và người được cho là "giáo viên" trong lớp đã dùng tay giữ chặt khiến bé trai càng hoảng sợ.
Không yêu trẻ, bản tính dễ nóng nảy thì đừng chọn nghề này
Ngay sau khi bài viết và đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội facebook đã có hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận, hầu hết đều bày tỏ phẫn nộ về hành vi trên.
Bạn Dung Hồ để lại bình luận sau khi xem clip: "Không có tính kiên nhẫn, không thể nào kiềm chế được cảm xúc và cái máu điên trong người thì đừng bao giờ giữ con người ta".
Phụ huynh Trần Nhung sau khi xem clip sự việc tỏ ra bất bình: "Phẫn nộ thực sự, không dám coi lại, họ chắc cũng có con có cháu, sao có thể tàn nhẫn như vậy được. Nếu cảm thấy mình không có tâm có đức, bản tính nóng nảy, không kiên nhẫn được thì làm ơn đừng làm nghề này".
Cũng như chị Nhung, phụ huynh Hồng Loan cũng bày tỏ sự bức xúc: "Xem video mà chỉ sợ bé chết ngạt. Trẻ con có tội tình gì đâu, cách dạy trẻ như thế này không thể chấp nhận được, cần làm rõ vụ việc và có xử lý thích đáng".
"Lạ thật bao chuyện như vậy rồi toàn bị khởi tố mà mấy cô bảo mẫu không rút kinh nghiệm, không làm được việc này thì về làm ruộng, đừng hủy hoại bản thân và gia đình mình, không có việc xấu nào giữ kín mãi được" - anh Trung Kiên nói.
Cô Phạm Thúy Quỳnh, giáo viên Trường mầm non quốc tế Sakura Montessori cũng bày tỏ sự thất vọng trước sự việc trên. "Là một người giáo viên mầm non, tôi nhận thấy hành động trên là sai trái và đáng bị lên án trước cộng đồng.
Dạy những đứa trẻ còn non dại với tôi khó hơn gấp nhiều lần dạy các em học sinh cấp 1 hay cấp 2. Các con còn quá nhỏ chúng ta nên dạy bằng những phương pháp nhẹ nhàng mà vẫn hiệu quả. Nếu quá cứng nhắc và dạy trẻ theo những hình thức như trên chỉ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, cứng đầu hơn mà thôi".
"Về khía cạnh nghề nghiệp thì tôi thấy đây cũng là lời cảnh tỉnh không hề nhỏ đối với tôi, với những người làm giáo viên mầm non và với cả các cơ sở trường mầm non về tư cách làm giáo viên, về đạo đức nghề nghiệp. Với tôi, phải thật sự yêu thương con trẻ thì mới làm được cái nghề dâu trăm họ này. Tôi cũng nghĩ rằng lời xin lỗi không thể đủ đối với gia đình của đứa trẻ, bởi với họ con cái là những điều thực sự vô cùng quý giá", cô Quỳnh chia sẻ thêm.
Nói về sự việc này, cô Phạm Thị Thơm, giáo viên trường mầm non song ngữ Hoa Hướng Dương chia sẻ: "Thực ra bạn ấy chưa thể là giáo viên mầm non, bạn ấy chưa hề được đào tạo để trở thành 1 người giáo viên thực sự. Giáo viên chính là người luôn có kiến thức và sự thấu hiểu".
Đừng nghĩ đưa con tới trường là xong nhiệm vụ
Cô giáo Phạm Thị Thơm thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Tôi không bao biện cho việc chúng tôi từng phạt học sinh nhưng chúng tôi luôn biết đâu là đúng đâu là sai. Cách bạn ấy đang làm chính là bản năng trong con người bạn ấy và ngoài việc lên án người gây ra chuyện thì cũng phải xem lại cách quản lí và giáo dục của một hệ thống trường mầm non đã thực sự đúng hay chưa".
Đây không phải là lần đầu tiên, những sự việc như thế này diễn ra và bị tố giác, trong đó có nhiều hậu quả đáng thương mà con trẻ đã phải chịu đựng.
Trẻ em là những mầm non tương lai, vì thế chọn lựa ngôi trường đầu tiên cho các bé luôn là một vấn đề quan trọng, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải cân nhắc thật kỹ lưỡng chuyện chọn trường, chọn thầy.
Phụ huynh Hồng Loan chia sẻ con chị năm nay được 4 tuổi và đã đi học mẫu giáo được 1,5 năm. "Khi quyết định cho con đi mẫu giáo, vợ chồng mình đã phải tìm hiểu rất nhiều trường, tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân trước khi cho con theo học tại một ngôi trường nào đó.
Cá nhân mình thấy nên chọn những ngôi trường đã có tiếng một chút, cơ sở vật chất đảm bảo và trình độ của giáo viên cũng cần chú trọng. Cùng với đó phụ huynh cũng cần quan tâm hơn nữa khi con ở lớp, đừng nên có suy nghĩ cứ đưa con tới trường là xong nhiệm vụ".
Phụ huynh Trần Nhung cũng thấy rằng việc tìm hiểu và chọn cho con một ngôi trường đầu đời sẽ có ảnh hưởng nhất định tới các con. "Những trang giấy trắng lần đầu được tới lớp sẽ luôn ghi nhớ những ấn tượng đầu tiên. Nếu được học tập và vui chơi thoải mái, đúng cách thì các con sẽ luôn cảm thấy hào hứng và muốn được đi học. Ngược lại, nếu bị dọa nạt, đánh mắng các con sẽ luôn cảm thấy sợ hãi mỗi khi phải đến trường, lâu dần nếu phụ huynh không để ý, con có thể bị chứng rối loạn tâm lý".
Cũng theo chị Nhung, ngoài việc chọn trường cho con thì các bậc phụ huynh cũng nên để tâm hơn nữa khi các con ở trường. "Mình cũng là phụ huynh, công việc cũng bận rộn nhưng mình luôn cố gắng tranh thủ những lúc rảnh theo dõi hoạt động của con khi ở trường. Giờ công nghệ cũng hiện đại hơn rồi, chúng ta có thể dễ dàng quan sát các con ở trường lớp qua camera".
Cô giáo Thúy Quỳnh cũng nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh rằng: "Tôi biết các bậc phụ huynh sau những sự việc như trên cảm thấy sốc và có chút mất niềm tin. Nhưng tôi cũng muốn gửi gắm đôi điều tới các bậc phụ huynh rằng đó chỉ là những sự việc đáng tiếc không ai mong muốn xảy ra cả. Vẫn có rất nhiều những cô bảo mẫu, giáo viên mầm non đích thực luôn hết lòng dạy dỗ và yêu thương các con".
Bên cạnh đó, cô Quỳnh cũng chia sẻ một vài lời khuyên khi các bậc phụ huynh chọn trường cho con: "Các bậc phụ huynh hãy lưu ý một vài tiêu chí khi chọn trường để con có một môi trường học tập đầu đời thật sự bổ ích như: ngoài việc chăm chăm tìm hiểu về mức học phí thì điều quan trọng hơn cả là phụ huynh nên tìm hiểu về cơ sở vật chất, phương pháp dạy, chế độ dinh dưỡng, thời gian sinh hoạt của ngôi trường đó; cùng với đó là xem đánh giá của các phụ huynh khác về chất lượng đội ngũ giáo viên và đặc biệt là những điều khoản liên quan đến mức độ an toàn của trẻ khi ở trường học".
Tin nổi bật
Tin Video