Nhìn lại cách Trung Quốc chặn cuộc khủng hoảng nợ Evergrande
Khi thế giới bắt đầu chú ý tới cuộc khủng hoảng nợ hơn 300 tỷ USD của Evergrande hồi đầu năm nay, một số người đã tự hỏi liệu nó có trở thành một "khoảnh khắc Lehman" của Trung Quốc?
Kể từ đó, rõ ràng Bắc Kinh đang xử lý tình hình theo một cách rất khác so với cách mà Washington đã đối phó khi "gã khổng lồ" ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers phá sản vào đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Sau khi Evergrande thông báo không thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ tài chính, nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới này đã vỡ nợ đối với một số trái phiếu phát hành ở nước ngoài.
Evergrande đang bước vào quá trình tái cấu trúc nợ với các cơ quan quản lý Trung Quốc, bao gồm cả việc bán tài sản cá nhân của người sáng lập.
Nói với BBC, ông Vinesh Motwani tại công ty nghiên cứu Silk Road cho biết: "Chưa rõ vụ việc sẽ được giải quyết như thế nào, nhưng khi chúng tôi nói chuyện với những đồng nghiệp trong ngành ở Trung Quốc, không ai ngạc nhiên về điều này".
Evergrande và Lehman
"Sự khác biệt lớn nhất giữa Evergrande và Lehman là Evergrand là một xác tàu mà ai cũng nhìn thấy", ông Motwani nói. Thời điểm Lehman sụp đổ, ông Motwani đang làm việc tại Mỹ với tư cách là nhà phân tích của Credit Suisse.
"Khi chính sách ba lằn ranh đỏ được công bố cách đây hơn một năm, rõ ràng Evergrande là một trong những đối tượng vi phạm tồi tệ nhất, vì vậy Trung Quốc còn lâu mới giải cứu", ông nói.
"Ba lằn ranh đỏ" là những ngưỡng hạn chế nghiêm ngặt nhằm giảm khả năng vay nợ của các nhà phát triển bất động sản. Trong nhiều thập kỷ qua, lĩnh vực này đã chứng kiến tình trạng vay nợ mất kiểm soát mà ngân hàng trung ương Trung Quốc mô tả là "liều lĩnh".
Theo ông Rory Green, Trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc và châu Á tại công ty tư vấn đầu tư TS Lombard, cuộc khủng hoảng của Evergrande là một sự kiện "tê giác xám" (những rủi ro mà nền kinh tế đã nhận thấy được nhưng lơ là, mất cảnh giác).
"Cảnh báo về Evergrande đã xuất hiện từ lâu nhưng không ai trong số các trái chủ nghĩ rằng công ty này đang vỡ nợ", ông nói.
Tại sao cuộc khủng hoảng này lại khác biệt?
Điểm khác biệt lớn nữa giữa vụ sụp đổ của Lehman Brothers và cuộc khủng hoảng Evergrande là khi chính phủ Mỹ cần hành động, họ phải thông qua luật để có thẩm quyền can thiệp, còn với chính phủ Trung Quốc thì không.
Bằng cách kiểm soát thị trường bất động sản thông qua các ngân hàng quốc doanh, Bắc Kinh thừa biết những nhà phát triển nào có khả năng sẽ vỡ nợ. Đây là điều mà Washington không thể biết được trong cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn hồi năm 2008.
Đồng thời, Trung Quốc có nhiều lựa chọn hơn so với Mỹ trong thời khủng hoảng tài chính toàn cầu. Không giống như Washington đã đứng ra bảo lãnh cho một số ngân hàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang thực hiện cách tiếp cận cụ thể hơn.
"Bắc Kinh giống như một bác sĩ phẫu thuật mổ khối u đang nghĩ mình cần cứu cái gì?", bà Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Natixis nói.
Đối với chính phủ Trung Quốc, điều cốt yếu là hoạt động hàng ngày của Evergrande vẫn còn, đảm bảo công ty có thể hoàn thành các dự án nhà ở đang dở dang để những người mua nhà bình thường không bị ảnh hưởng và niềm tin vào thị trường bất động sản không bị tổn thương nghiêm trọng.
Như bà Herrero nói: "Bắc Kinh cũng cần xem xét trái tim đó còn đập hay không. Đó là nhận thức của mọi người về lĩnh vực bất động sản".
Theo ông Motwani, cho đến nay, cách tiếp cận này dường như đã hạn chế được những tác động đến thị trường nhà ở. "Giá bất động sản thực tế vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả khi giá nhà giảm theo tháng thì mức giảm cũng không ở mức 2 con số".
Nhưng có những lo ngại rằng nếu giá nhà tiếp tục giảm, những người mua tiềm năng có thể sẽ ngừng mua nhà mới. Điều này sẽ khiến thị trường giảm sâu hơn.
Điều gì sẽ xảy ra với Evergrande?
Các chuyên gia dự đoán, việc tái cấu trúc Evergrande có thể kéo dài trong nhiều tháng, nếu không muốn nói là mất nhiều năm, với rất ít thông báo gây chú ý khi các nhà chức trách Trung Quốc cố tránh những cú sốc đối với hệ thống tài chính toàn cầu như vụ sụp đổ của Lehman Brothers.
Lấy ví dụ về sự sụp đổ của "ông lớn" bảo hiểm và tài chính Anbang trước đây, ông Green cho rằng việc tái cấu trúc Evergrande sẽ là quá trình lâu dài. "Cách đây 2 năm, Anbang cũng tiến hành tái cấu trúc và hiện họ vẫn đang thực hiện. Evergrande lớn hơn nhiều do đó có thể diễn ra trong nhiều năm. Nhưng theo quan điểm của tôi, điều kiện tài chính tồi tệ nhất đã qua", ông nói.
Ông Green cho rằng: "Kịch bản có khả năng xảy ra nhất là Evergrande bị chia tách thành các đơn vị riêng biệt. Đó là việc cắt giảm rủi ro và các ngân hàng địa phương sẽ có trách nhiệm xử lý các đơn vị đó để đảm bảo sự ổn định của khu vực và nền kinh tế".
Trái chủ quốc tế có lo sợ?
Trong khi Evergrande bỏ lỡ các khoản thanh toán lãi suất trái phiếu bằng đồng USD phát hành ở nước ngoài có thể gây ra cuộc khủng hoảng tài chính vì hầu hết trái chủ đều là những nhà đầu tư giàu có nước ngoài, một số nhà phân tích lo ngại về tác động đối với danh tiếng của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc.
"Cuộc khủng hoảng này chắc chắn làm tổn hại đến niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với trái phiếu bằng đồng USD của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc", ông Jackson Chan từ nền tảng nghiên cứu thị trường tài chính Bondsupermart nói.
Điều quan trọng là vụ việc sẽ khiến các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt hơn khi muốn vay tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, vụ việc còn cho thấy Bắc Kinh đã đạt được sự cân bằng giữa việc tiếp tục các chính sách thị trường bất động sản nghiêm ngặt và nguy cơ ngành bất động sản khổng lồ Trung Quốc mất khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài.