Tin tức

Nhiều người ở Hà Nội sử dụng giấy xác nhận kiểu 'đối phó' để được đi lại

Khi Chỉ thị 16 được Hà Nội áp dụng, các chốt kiểm soát được thiết lập, người dân chỉ được ra khỏi nhà khi thật cần thiết. Cũng từ đó, một bộ phận không nhỏ người dân "vận dụng" ra khỏi nhà bằng nhiều loại giấy “thông hành” khác nhau.

29/07/2021 15:54

Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.

Ngày 28/7, Công an Hà Nội đã lập chốt kiểm soát Covid-19 tại nhiều tuyến phố trung tâm Thủ đô để kiểm tra, xử phạt những trường hợp người dân ra ngoài không có nhu cầu thiết yếu, đi làm không có giấy tờ tùy thân...

Nhiều người ở Hà Nội sử dụng giấy xác nhận kiểu 'đối phó' để được đi lại - Ảnh 1.

Giấy xác nhận đi lại của người dân ở Hà Nội mà người ký không có đủ thẩm quyền

Thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và chỉ đạo của Quận ủy và UBND quận Thanh Xuân, UBND phường Khương Trung cũng đã xây dựng các phương án phòng dịch và xây dựng lịch trực các chốt điểm để kiểm tra những cá nhân, tổ chức ra ngoài đường không đúng với Chỉ thị 17. Theo đó, UBND phường Khương Trung xây dựng 4 điểm trực, gồm: số 1 Tô Vĩnh Diện giao Vương Thừa Vũ, 59 phố Khương Trung, Ngã Tư Sở, 69 phố Hoàng Văn Thái.

Theo ghi nhận của phóng viên VOV.VN sáng 29/7 tại chốt kiểm soát Ngã Tư Sở có một số bất cập, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội. Đó là việc người dân sử dụng “giấy thông hành” nội đô mang hình thức đối phó như không có đóng dấu hoặc người ký không đủ thẩm quyền…

Đối với những trường hợp sử dụng giấy tờ đối phó thì lực lượng chức năng tại chốt đã lập biên bản, yêu cầu giải trình. Nếu trong vòng 2 ngày không giải trình được thì sẽ lập hồ sơ phạt hành chính như quy định của pháp luật.

“Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội, khó khăn, vướng mắc chính là tình trạng người dân nghĩ ra những đối sách đối phó với các lực lượng chức năng khi tiến hành nhiệm vụ. Ngoài việc sử dụng giấy tờ không có đóng dấu hoặc người ký không có đủ thẩm quyền thì còn có cả những hành vi to tiếng với người thực hiện nhiệm vụ.

Với những trường hợp này chúng tôi đã vận động và xử lý theo đúng quy định pháp luật. Trong thời gian tới chúng tôi vẫn tiếp tục các chốt trực nhằm nhắc nhở, kiểm soát người dân hạn chế ra đường, nhằm đảm bảo công tác phòng dịch theo đúng Chỉ thị 17 của Thành phố”, ông Trần Tuấn Duy, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung chia sẻ.

Nhiều người ở Hà Nội sử dụng giấy xác nhận kiểu 'đối phó' để được đi lại - Ảnh 2.

Để được ra ngoài, rất nhiều công ty, doanh nghiệp không nằm trong danh mục "thiết yếu" sử dụng giấy thông hành với nội dung vận chuyển hàng hóa không rõ ràng

Thực hiện nhiệm vụ tại chốt trực Ngã Tư Sở, Thiếu tá Hoàng Minh Thảo, Tổ liên ngành UBND quận cho biết: “Sau khi Chỉ thị 17 được áp dụng và sau khi có hướng dẫn của UBND Quận về việc triển khai thực hiện các chốt kiểm soát người dân đi lại theo đúng tinh thần triển khai của UBND Thành phố đưa ra.

Tại một số chốt, việc người dân chấp hành Chỉ thị 17 còn gặp nhiều bất cập khi một số cơ quan, doanh nghiệp và người dân sử dụng các biện pháp đối phó với cơ quan chức năng để cố gắng có lý do ra ngoài. Họ sử dụng các mối quan hệ xin giấy xác nhận đi lại của các công ty kinh doanh mặt hàng thiết yếu, hay viện lý do ra ngoài nhưng không thuyết phục...

Chính điều này cũng gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt”.

Chốt Ngã Tư Sở với lưu lượng người qua lại đông, nối các tuyến huyết mạch, là tuyến đường giao thoa các quận, huyện khác và là địa bàn trung chuyển của đông đảo người dân đi làm qua các tuyến chính như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Ngã Tư Sở, Nguyễn Xiển, Vành đai 3 gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Chính vì thế để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chặt chẽ tình trạng người dân không có việc cần thiết vẫn ra đường, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các đơn vị giáp ranh từ các quận, huyện khác.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận