Nguy cơ lây nhiễm nCoV qua thực phẩm rất thấp
“Virus chỉ có khả năng xuất hiện tạm thời trên bề mặt của thực phẩm nếu nhân viên sản xuất, giao hàng ho, hắt hơi khiến các giọt bắn dính lên đó", PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho biết.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin về chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2 tại Công ty Thực phẩm Thanh Nga (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Công ty này hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thịt bò với tổng số nhân viên là 43 người.
Ổ dịch này khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 thông qua việc mua bán, tiêu thụ sản phẩm liên quan. Về vấn đề này, các chuyên gia nhận định nguy cơ lây nhiễm virus rất thấp. Điều quan trọng để đảm bảo an toàn khi đi chợ, siêu thị là người dân phải thực hiện tốt 5K cũng như nấu chín thực phẩm trước khi sử dụng.
SARS-CoV-2 không thể tồn tại trong thực phẩm
Trao đổi với Zing, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhận định: “SARS-CoV-2 không thể tồn tại trong thực phẩm. Chúng chỉ có khả năng xuất hiện tạm thời trên bề mặt của thực phẩm nếu nhân viên sản xuất, giao hàng ho, hắt hơi và khiến các giọt bắn dính lên đó”.
Tuy nhiên, theo bà Mai, tình huống này cần được đánh giá và điều tra kỹ để có thông tin chính xác nhất.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng khẳng định SARS-CoV-2 không lây nhiễm qua đường thực phẩm. Chúng chỉ có thể tồn tại và lây nhiễm thông qua không khí, việc tiếp xúc giữa người với người tạo ra giọt bắn sau đó đi tới mũi, miệng đến phổi.
Từ đây, vị chuyên gia này nhấn mạnh virus không thể phát triển trong các thực phẩm đông lạnh. Nguy cơ lây nhiễm chỉ có thể xảy ra khi người chế biến, nhân viên giao hàng mắc bệnh và phát tán virus qua các vật dụng như túi, hộp đựng... Lúc này, người dân khi chạm vào, vô tình đưa lên mặt có thể dẫn đến mắc bệnh. Tuy nhiên, xác suất này khá thấp.
Với nguyên lý này, ông Thịnh cho rằng người dân có thể tự phòng tránh lây nhiễm nCoV thông qua việc chủ động đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn sau khi nhận hàng, trở về từ siêu thị, chợ, nơi đông người.
“Việc virus có thể xuất hiện trên bề mặt của thực phẩm cũng không quá đáng lo vì thời gian chúng tồn tại trong môi trường ngắn. Bên cạnh đó, việc chúng ta nấu chín thực phẩm trước khi ăn cũng khiến virus bị tiêu diệt hoàn toàn”, PGS Thịnh nói thêm.
Nguy cơ lây nhiễm từ không gian, tiếp xúc
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, vấn đề đáng lo ngại của chuỗi lây nhiễm liên quan công ty thực phẩm nói trên không đến từ các mặt hàng họ cung cấp. Thay vào đó, việc các nhân viên của công ty này lây nhiễm cho nhau hay những người ở siêu thị tiếp xúc với họ và nhiễm virus mới là điều cần nhanh chóng xử lý.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là lực lượng chức năng phải sớm kiểm soát chùm lây nhiễm tại Công ty Thực phẩm Thanh Nga.
“Chúng ta cần nhanh chóng điều tra xem công ty này đã giao hàng tới bao nhiêu nơi, từ đó tổ chức tầm soát, xét nghiệm sàng lọc tất cả trường hợp liên quan những địa điểm trên. Đó việc cấp bách nhất ngay lúc này để tránh virus lây lan rộng hơn”, ông Nhung nhấn mạnh.
Trước tình hình dịch hiện nay, nhiều người dân cũng bày tỏ lo lắng và có tâm lý ngại mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng. PGS Thịnh cho rằng điều này là có cơ sở.
Vị chuyên gia này giải thích: “Siêu thị là khu vực thường tập trung đông người, tiếp xúc gần nhau, không gian kín nên nguy cơ lây nhiễm virus rất cao. Giả sử, một trường hợp mang mầm bệnh đi siêu thị ho, hắt hơi khi nói chuyện có thể khiến nước bọt bắn ra không khí và gây lây lan nCoV. Các nghiên cứu đã chứng minh SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong không gian như vậy khoảng 3 giờ”.
Do đó, ông Thịnh khẳng định người dân ở trong không gian kín tại siêu thị dễ có khả năng lây nhiễm virus nếu không đảm bảo đúng các nguyên tắc phòng dịch. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm nCoV từ thực phẩm mua tại các siêu thị là rất thấp khi virus không thể tồn tại ở đây.
PGS Thịnh khuyến cáo người dân cần tuyệt đối ăn chín, uống sôi với tất cả thực phẩm, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Theo ông, không chỉ SARS-CoV-2, chúng ta còn có nguy cơ nhiễm nhiều loại vi khuẩn, vi trùng, giun, sán... nếu ăn các loại thực phẩm tái, sống.
“Chúng ta không nên nghĩ rằng Covid-19 và các bệnh khác không liên quan đến nhau. Việc một người ăn thực phẩm sống và tiêu chảy, nhiễm vi khuẩn E.Coli có thể dẫn đến tình trạng suy giảm sức đề kháng. Lúc này, việc không may nhiễm nCoV dễ dàng khiến bệnh diễn biến nặng hơn”, vị chuyên gia này tư vấn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định hiện tại, không có bằng chứng cho thấy mọi người có thể nhiễm SARS-CoV-2 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm.
Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nguy cơ mắc Covid-19 do ăn hoặc xử lý thực phẩm (bao gồm cả sản phẩm đông lạnh) là rất thấp.
CDC cũng khuyến cáo một người có thể bị nhiễm nCoV khi chạm vào bề mặt hoặc vật thể (bao gồm thực phẩm, bao bì thực phẩm) có virus. Nhưng nguyên nhân là sau đó chúng ta chạm tay vào miệng, mũi, mắt, virus theo đường này xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, đây không phải con đường lây lan chính của SARS-CoV-2.
Sau khi mua sắm, trước khi sơ chế, chế biến thực phẩm hoặc trước khi ăn, việc làm đơn giản nhưng hiệu quả để phòng ngừa lây nhiễm virus là rửa sạch tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây; sát khuẩn tay bằng cồn trên 60%.
Tin nổi bật
Tin Video