Người phụ nữ gần 70 năm giữ gìn và tôn vinh tà áo dài truyền thống
(VOVTV) - "Chạm tay vào nghề" từ khi mới 12 tuổi, cụ bà Lê Thị Quyến dù đã bước sang tuổi 81 nhưng ngày ngày vẫn may áo dài, tỉ mỉ tới từng đường kim, mũi chỉ.

Người dân Thủ đô và những ai đam mê nét duyên dáng của áo dài Việt Nam hẳn không còn xa lạ với con phố Lương Văn Can (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi nổi danh với những tiệm may áo dài lâu đời. Và hiệu may gia truyền Vinh Trạch của bà Lê Thị Quyến ở số 23 Lương Văn Can có mặt tại đây hơn 60 năm và đã truyền nghề qua 4 đời

Bà Lê Thị Quyến sinh năm 1940 tại làng Trạch Xá, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội trong một gia đình có tiếng về truyền thống may áo dài. Ngay từ năm 12 tuổi, bà đã bắt đầu học nghề và theo cha đi may áo dài khắp các phố phường Hà Nội

Trăm hay không bằng tay quen, từ lúc nào nghề may áo dài đã trở thành cái nghiệp gắn bó với bà Quyến

Bà Lê Thị Quyến là hậu duệ đời thứ 4 trong gia đình. Lúc sinh thời, cha mẹ bà là những thợ phó có tiếng của làng may Trạch Xá, những năm Pháp thuộc, do nhà bị đốt, cả gia đình chuyển lên số 44 Ngõ Phất Lộc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sinh sống

Năm 17 tuổi, bà Quyến kết duyên cùng ông Lê Thành Vinh, gia đình ông cũng có truyền thống may áo dài. Lúc này bà làm tại Công ty bông vải sợi (63 Hàng Trống), còn ông đứng cửa hàng trưởng Hợp tác xã may đo Dân chủ. Sau giờ làm việc, bà Quyến phụ giúp chồng may áo dài để có tiền trang trải và lo cho các con

Dù đã 81 tuổi nhưng hàng ngày bà Lê Thị Quyến vẫn tự mình tư vấn, đo đạc, cắt may, xâu kim và khâu từng đường chỉ cho tà áo dài truyền thống

"Với tôi, may áo dài truyền thống không chỉ là mưu sinh mà còn là đam mê, nối nghiệp ông cha. Tôi luôn tự hào rằng, nhờ cái nghề này mà vợ chồng nuôi lớn được 7 đứa con ăn học đàng hoàng”, bà Quyến chia sẻ

Nhờ sự điêu luyện, lành nghề, bà Quyến có thể cách điệu chiếc áo dài theo ý thích của khách hàng nhưng vẫn giữ nguyên những đường cơ bản của tà áo dài truyền thống, đặc biệt là những đường chỉ khâu tay mềm mại trên tà áo, nét riêng mà không phải chiếc áo dài nào cũng có. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại giúp cho tiệm may Vinh Trạch vẫn được nhiều người biết đến và lựa chọn

Ngoài những kiến thức đã truyền đạt thì chiếc kéo này chính là “của hồi môn” mà cha để lại cho bà Quyến, luôn được bà cất giữ cẩn thận

Ngay từ sáng sớm, một vị khách đã có mặt tại cửa hàng của bà Quyến để đặt may áo dài

Bà Quyến đo đạc và ghi lại số đo của khách

Ông Trần Minh Hạnh (sống tại Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng) cho biết: “Biết thương hiệu tiệm may Vinh Trạch của bà Quyên từ lâu, khi có ý định may áo dài tôi quyết định đến đây ngay”

Bà Lê Thị Quyến có 7 người con (6 gái, 1 trai), với mong muốn nghề may áo dài truyền thống của gia đình mãi được gìn giữ và phát triển, bà đã truyền nghề lại cho cả 7 người con, nên các con của bà đều có thể may hoàn thiện được một chiếc áo dài. Tại số 8 Lê Văn Can cũng có tiệm may Vinh Trạch, chủ cửa hàng là anh Lê Thành Đạt (con trai út của bà Quyến)

Các mẫu áo dài ở đây khá đa dạng, từ truyền thống cho đến cách tân hiện đại

Loại vải may áo dài luôn được chọn lựa kỹ lưỡng, không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ mà còn mang đến sự thoải mái cho người mặc

Mỗi chiếc áo truyền thống thương hiệu Vinh Trạch có giá dao động từ vài triệu hàng chục triệu đồng, tùy theo chất vải và họa tiết trang trí

Chị Lê Thị Kim Oanh (sinh năm 1962, con gái thứ 2 của bà Quyến) chia sẻ: “Chị em chúng tôi luôn tự hào vì những gì cha mẹ đã làm được. Dù đã hơn 80 tuổi nhưng mẹ tôi vẫn đang giữ gìn và tôn vinh tà áo dài. Tôi cũng đang cố gắng để nối tiếp nghề truyền thống của gia đình”
Tin Video