Tin tức

Ngữ liệu Văn có từ 'âm đạo', cộng đồng mạng xôn xao

Một diễn đàn giáo dục trên mạng xã hội xôn xao về đoạn ngữ liệu có từ "âm đạo" trong văn bản "Câu chuyện về con đường" của tác giả Đoàn Công Lê Huy.

26/05/2023 17:55

Đoạn ngữ liệu có câu: "Đạo là đường, âm đạo là con đường đầu tiên đưa em ra với ánh sáng, cho em được chính thức làm người".

Nhiều phụ huynh trong diễn đàn cho rằng từ "âm đạo" trong đoạn văn chưa thật sự phù hợp với học sinh, có phần nhạy cảm. Tuy nhiên nhiều người cho rằng ngữ liệu này bình thường, kể cả đưa vào đề thi cũng không sao. "Đây là từ khoa học, chỉ một bộ phận con người, có gì mà nhạy cảm. Thậm chí không đưa vào còn làm sai đi thông điệp mà tác giả muốn truyền tải" , tài khoản Hà Ninh viết.

Bất ngờ khi nội dung đoạn ngữ liệu trên được lan truyền trên mạng, tác giả Đoàn Công Lê Huy cho biết, nguyên gốc đoạn ngữ liệu trên được in trong tuyển tập Đoàn Công Lê Huy - sách "Viết cho những điều bé nhỏ - Gửi em, mây trắng" xuất bản năm 2016, chỉnh lý năm 2021 (Nhà xuất bản Kim Đồng). Đoạn văn này cũng từng được ông đăng trên báo Hoa học trò.

Sau đó, đoạn ngữ liệu này được nhóm tác giả biên soạn xin trích đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 (Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống). " Tôi đồng ý để những người làm sách được biên tập lại và bỏ từ 'âm đạo' ra khỏi sách giáo khoa", ông nói.

Ngữ liệu Văn có từ 'âm đạo', cộng đồng mạng xôn xao - Ảnh 1.

Tác giả Đoàn Công Lê Huy xác nhận trong văn bản gốc có từ "âm đạo" giống ngữ liệu Văn đang gây xôn xao (bên trái). Tuy nhiên, đoạn ngữ liệu đang bị sai nguồn trích dẫn vì trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 không có câu này.

Về băn khoăn dùng từ "âm đạo" là nhạy cảm, không phù hợp với học sinh, tác giả Đoàn Công Lê Huy khẳng định, từ "âm đạo" trong câu văn không phản cảm xét cả về mặt ngữ lẫn mỹ cảm.

"Âm đạo không có gì là phản cảm, thậm chí nó còn rất thiêng liêng. Âm đạo đúng là con đường mà em bé phải vượt qua để đến với thế giới này. Khi tôi sáng tác bài văn, tôi rất muốn bình thường hóa từ ngữ đó", ông nói.

Ông Đoàn Công Lê Huy dẫn ví dụ tử cung - cung điện, lâu đài nguy nga mà đứa con ở trong người mẹ, xét về ý nghĩa, nó rất đẹp đẽ. Âm đạo cũng tương tự như vậy - đơn giản chỉ là một bộ phận, cấu trúc sinh dục trong cơ thể phụ nữ. Đồng thời, các em học sinh bậc THCS nằm trong độ tuổi dậy thì, hoàn toàn có thể tiếp thu những kiến thức này, không cần né tránh.

"Tôi tiếc từ đó không được đưa vào sách giáo khoa với lý do không phù hợp về giáo dục học đường, tâm lý, lứa tuổi, nhạy cảm về giới và phân biệt giới", tác giả nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận