Ngày Tết trong nỗi nhớ
(VOVTV) - "Tết Tết Tết Tết đến rồi, Tết đến trong tim mọi người…", tiếng hát từ chiếc loa trong cửa hàng bán điện thoại liên tục cất lên át đi tiếng xe ồn ào, tiếng còi inh ỏi để len lỏi xuyên vào tâm hồn những con người xa xứ đang từng ngày, từng giờ tất bật mưu sinh với cơm áo, gạo tiền.
Những con người đó có người sẽ về, cũng có người với nhiều lý do nào đó lại phải ăn Tết xa quê nhưng họ đều có chung nỗi niềm là nhớ gia đình, nhớ quê hương, nhớ không khí Tết ở quê nhà.
Tuổi thơ với Tết
Tôi không nhớ nổi đã bao nhiêu cái Tết không được quây quần bên cha mẹ, anh chị em để ăn bữa cơm quây quần ngày cuối năm. Mỗi độ Tết đến xuân về những người con xa xứ như tôi lại "thèm" cảm giác được ngồi canh nồi bánh chưng, được ngồi dưới cái lạnh cuối đông chờ pháo hoa giao thừa, được đi rong ruổi khắp mọi nẻo đường làng, ngõ xóm, từng nhà để xem người ta chuẩn bị đón Tết, để chúc nhau lời hay ý đẹp đầu năm…
Ngày đó, đang là những đứa trẻ thơ ngây chúng tôi chẳng biết làm gì ngoài việc đếm từng ngày, từng giờ để chờ đến Tết. Vì đến Tết là có quần áo mới, bánh kẹo, những cảm giác mà đến bây giờ tôi cũng không biết miêu tả nó như thế nào. Rồi cảm giác hồi hộp mong chờ lì xì, rồi đi chơi không bị mẹ mắng. Còn nhiều lý do lắm để những đứa trẻ vắt mũi còn chưa sạch như bọn tôi mong chờ cái Tết đến.
Ngày đó cứ đến tầm hai mươi tháng chạp là đã có không khí Tết rồi, cứ sáng sớm trong không khí se se lạnh những chiếc loa phát thanh lại phát đi phát lại lời nhắc của trưởng thôn đề nghị các nhà treo cờ Tổ quốc đón năm mới, người lớn tranh thủ xem nhà ai có cây mía to đẹp đến đặt hàng trước họ để lại để làm gậy cúng ông Vải. Lũ học trò vẫn phải đến trường nhưng đứa nào đứa nấy tâm hồn đều treo trên chiếc bánh chưng, câu đối đỏ hết rồi.
Những ngày gần Tết cứ phải nói là "Tết đuổi sau lưng", khắp đường lớn ngõ nhỏ đâu đâu cũng đầy ắp tiếng nói tiếng cười lũ trẻ ranh như tôi. Được nghỉ Tết chúng tôi phụ cha mẹ dọn nhà cửa, công việc đơn giản chỉ là lau dọn bàn ghế, trang trí lại bàn thờ, câu đối... Có một việc chúng tôi thích nhất là hò nhau đi chặt tre, chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu để làm cây nêu đây là công việc đòi hỏi tỉ mỉ và rất công phu tốn nhiều thời gian. Khi cây nêu được dựng xong thì cả xóm ngập tràn trong ánh sáng đèn nháy nhiều màu sắc với chúng tôi ở đây còn đẹp hơn cả Paris hoa lệ, New York thời đại.
Nhà chưa chuẩn bị xong nhưng đều phải cử một người ra ngoài hội trường thôn để chuẩn bị các trò chơi cho ngày Tết như đu quay, đi cầu khỉ, đi cà kheo… Trong đó tôi khoái nhất vẫn là trò đu quay, hai người đứng trên chiếc đu dùng sức cho chiếc đu bay thật cao thật xa như những cánh chim bay trên bầu trời kia đó là nét đặc trưng tình đoàn kết, nét văn hóa làng quê. Hồi đó tôi còn nhỏ chưa được phép chơi, sau này lớn lên lại không có cơ hội chơi đó vẫn là niềm tiếc nuối nho nhỏ trong quãng đời lớn lên của tôi.
Có lẽ là thời điểm được mong chờ thứ hai trong ngày Tết, bởi lẽ tối đó là thời điểm nhà nhà mổ heo. Mới có bảy giờ tối mà tiếng heo kêu đã inh ỏi khắp cả làng trên, xóm dưới, rồi tiếng xoong nồi chạm nhau tiếng nói chuyện của những người đang làm việc tạo nên một không khí vừa náo nhiệt, ồn ào nhưng cũng rất đặc trưng, đó gần như là một nét văn hóa tốt đẹp lưu giữ từ những ngày tháng đói nghèo... Lũ trẻ thì chỉ mong thời điểm lúc nửa đêm để được ăn miếng lòng, húp bát nước lòng heo nóng rắc thêm tý hành lá phải gọi là ngon tuyệt.
Đó là những hạnh phúc đơn giản nhưng phải đợi đến ngày Tết mới có được, vì quanh năm ai cũng phải lo mưu sinh kiếm sống ăn qua ngày còn khó huống là bát lòng, miếng thịt. Còn bây giờ muốn ăn, ra quán đều có sẵn nhưng sao không thể tìm được hương vị của ngày xưa. Đúng như những câu thơ tôi vô tình đọc được ở đâu đó:
"Có ai còn nhớ cảnh này
Ngày 30 Tết thịt bày khắp sân
Người nửa lạng ....nhà một cân
Cả làng tấp nập lấy phần rất vui
Sân thôn chật ních những người
Trẻ con hớn hở Tết rồi.....mẹ ơi!
Khói rơm tỏa trắng mọi nơi
Thơm trong mùi khói những nồi thịt kho"
Tết cũng là dịp để mọi người, mọi nhà sum vầy họp mặt, đoàn tụ sau một năm vất vả ngược xuôi. Ở quê chúng tôi các gia đình luân phiên nhau làm mâm cơm cúng tất niên, những nhà ai thân thiết thì mời nhau đến ngồi chung, mấy ông thì lai rai chén rượu còn mấy bà thì ngồi hỏi nhau xem tình hình Tết nhất thế nào rồi.
Thời điểm này trước lúc nửa đêm vẫn được xem còn sớm, trên đường lớn tiếng xe máy của mấy anh, tôi đi chơi vẫn rú ga rầm rầm, còn trong xóm nhà ai cũng đang sáng điện người thì do chuẩn bị chưa xong còn nhà ai làm xong thì tụ tập nhau lại vừa nói chuyện vừa chơi bài. Mọi người tập trung lại một nhà, nửa sân bên này là sòng của bọn trẻ con còn bên kia là của người lớn. Bên bọn trẻ như tôi chỉ là chơi đặt cược mấy que diêm, cái kẹo còn người lớn họ đánh bằng tiền ấy vậy mà bên bọn trẻ cãi nhau như mổ bò mấy lần suýt lao vào đánh nhau. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao hồi xưa mình đánh thắng về mấy que diêm để làm gì, đúng là cái thời vô lo vô nghĩ.
Thứ không thể thiếu trong ngày Tết đó là bánh chưng, được coi như hương vị chính của ngày Tết, để có được hương vị đặc biệt, truyền thống bánh chưng cần phải được gói bằng lá dong. Đây là thứ lá ở rừng sâu, gần đến Tết trong làng sẽ có nhiều người đi rừng để lấy về bán. Làng tôi có hẳn một xóm chuyên đi rừng lấy lá dong, ống giang để bán những ngày Tết họ rất đắt hàng bao nhiêu cũng hết đó cũng là nguồn thu nhập góp thêm vào cuộc sống no đủ hơn. Ở làng tôi có câu nói truyền thống ai chưa gói được bánh chưng thì chưa cưới được vợ, bởi vậy ngày Tết cánh thanh niên con trai mới lớn trong làng hay xúm lại quanh các cụ để học cách gói bánh.
Để gói được bánh chưng ngon, chuẩn vị truyền thống mọi công tác chuẩn bị phải chu đáo tỉ mỉ từ lau chùi, cắt lá dong, ngâm nếp, hấp đậu, ướp thịt, chẻ lạt phải chuẩn bị từ trước đó. Khi các công đoạn chuẩn bị xong để tiến hành gói bánh, những chiếc nia lớn được bưng ra chỉ cần trải lá dong đã được lau khô lên cho vào một ít nếp rồi đậu rồi thịt lợn là tiến hành gói lại, trông rất đơn giản nhưng để gói đẹp là rất khó.
Ở quê tôi hồi đó còn chưa có khuôn như bây giờ nên chiếc bánh đẹp hay không hoàn toàn phụ thuộc vào độ khéo tay của người gói. Những đứa trẻ như tụi tôi cũng tranh thủ xin mẹ gói mấy chiếc bánh nho nhỏ để tý nữa luộc xong có thể ăn liền. Sau khi bánh gói xong được đưa vào nồi cũng là lúc bếp lửa được nổi lên, tôi cùng các em ngồi chen chúc nhau bên cạnh bếp cho đỡ rét.
Vừa nấu bánh, vừa canh chừng nước, vừa tâm sự nói chuyện cuộc sống, phải gọi là thức cùng nồi bánh. Tiếng tâm sự, tiếng nổ nho nhỏ của củi hòa với ánh sáng bập bùng của lửa tạo nên một không khí thật ấm áp, gia đình, dù ngoài trời kia gió và mưa vẫn rơi đều đều. Đến đúng mười hai giờ đêm tiếng trống giao thừa vang lên thì trên bầu trời đêm yên tĩnh nở rộ lên từng đợt pháo hoa, ai cũng xuýt xoa vì cảnh đẹp cả năm được ngắm một lần.
Ngay sau đó là sự tấp nập hẳn lên của khắp các con hẻm lớn nhỏ. Từng nhóm từng nhóm bạn đã hẹn nhau đi lần lượt từng nhà để chúc Tết, tiếng cười nói, hát hò vang lên khắp nơi như hứa hẹn một năm mới tràn đầy an lành hạnh phúc của vùng quê nghèo.
Tết của ngày nay
Ngày nay khi mọi thứ đều thay đổi, cuộc sống ngày càng xô bồ hơn ai cũng mải lo với mưu sinh kiếm sống, hương vị Tết ngày nay cũng không được như vị Tết vốn có của ngày xưa.
Chúng ta thường nghĩ Tết là những ngày đoàn tụ, ngày của mọi gia đình, mọi người được sum họp quây quần nhưng đâu đó trên mảnh đất hình chữ S còn có một số người làm ăn xa, người sợ không dám về vì nỗi lo cơm áo gạo tiền lúc Tết đến xuân về nào là tiền xe, tiền quà bánh, trang trải ngày Tết... Một số mảnh đời không được may mắn, cô đơn vẫn mưu sinh lo toan kiếm sống hàng ngày, vẫn cảm giác cô đơn trống trải khi màn đêm buông xuống.
Họ chả dám mơ những ngày Tết đến xuân về. Ai cũng bận rộn mưu sinh ngày Tết, tranh thủ kiếm thêm ít đồng tăng ca, buôn bán và tôi gọi đó là "bán hạnh phúc để lấy mưu sinh". Hay đối với một số gia đình, một số người đây còn là nỗi lo mưu toan trong "cầu danh, mưu sinh".
Nhớ lắm cảm giác chỉ mong chờ ngày Tết, vô lo vô nghĩ, những niềm vui, hạnh phúc của một đứa trẻ con mà ngày thường không có. Hay như lời của mẹ tôi "Chờ đến Tết có được lát thịt mỡ để ăn, chứ bình thường không ai dám và cũng không có thịt để ăn, ăn được lát thịt ngày đó cũng được gọi là hạnh phúc". Tết quê tôi ngày xưa chỉ đơn giản vậy thôi nhưng không hiểu tại sao dù đi bất cứ nơi đâu cũng vẫn không tìm được cảm giác đó, cảm giác bình yên, dễ chịu. Có lẽ Tết năm sau tôi sẽ về để được canh nồi bánh chưng dịp giao thừa, để nạp lại "năng lượng" cho những kỷ niệm, tiếp tục cuộc sống bon chen nơi thành thị này.
Tin nổi bật
Tin Video