Nếu Hà Nội 'lắc đầu', các chuyến bay sẽ chuyển hướng hạ cánh ở đâu?
Hiện nay các địa phương vẫn chưa thống nhất khôi phục bay nội địa, trong đó có Hà Nội. Phương án mới là nếu Hà Nội không đồng ý tiếp nhận, Cục Hàng không sẽ chọn sân bay ở Thanh Hóa làm "cứ điểm".
"Phá sản" kế hoạch lần 1
Theo kế hoạch ban đầu, việc phục hồi các chuyến bay nội địa giai đoạn 1 dự kiến được áp dụng từ ngày 5/10. Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau.
Cục Hàng không Việt Nam dự kiến tổng số các đường bay nội địa khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày.
Tuy nhiên, sau 4 ngày Cục Hàng không Việt Nam gửi văn bản xin ý kiến 20 tỉnh, thành phố về dự thảo kế hoạch khai thác thì chỉ có 8 địa phương đồng ý và 3 địa phương "lắc đầu".
Đến sáng nay (6/10), UBND TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã thông tin tới Cục Hàng không đồng ý với kế hoạch khai thác các chuyến bay nội địa. TP Phú Quốc đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Kiên Giang thống nhất với kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh để thống nhất việc tiếp nhận các chuyến bay nội địa trong bối cảnh đã nới lỏng giãn cách xã hội.
Theo đó, các địa phương đồng ý gồm: Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Thanh Hóa, Đắk Lắk, TP Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang. Nghệ An và TPHCM đồng ý hoàn toàn hoặc một phần (có đề xuất giảm tần suất) với kế hoạch của Cục Hàng không. Có 3 địa phương chưa đồng ý mở lại đường bay nội địa là Hải Phòng, Hà Nội và Gia Lai.
Trên thực tế, Hà Nội và TPHCM là hai điểm kết nối rất quan trọng trong mạng đường bay nói chung với 2 sân bay lớn nhất cả nước, để hoạt động vận tải hành khách được thông suốt thì cần sự đồng thuận của cả 2 thành phố này. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, có thể nói kế hoạch khai thác hàng không nội địa giai đoạn một đã "phá sản" khi không thể thực hiện được theo dự kiến là 5/10.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc khôi phục lại các chuyến bay để thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới là chỉ đạo của Chính phủ và là nhu cầu rất cần thiết của người dân. Bộ GTVT mong muốn có thể nối lại sớm nhất, nhanh nhất các đường bay và khôi phục hoạt động của các lĩnh vực vận tải, tuy nhiên hiện các địa phương vẫn chưa thống nhất về kế hoạch khai thác theo hướng dẫn tạm thời.
"Ý kiến của các địa phương và Bộ Y tế rất quan trọng. Đó là điểm mấu chốt để thực hiện được các kế hoạch khai thác vận tải. Nếu như mỗi địa phương thực hiện một kiểu thì việc triển khai rất khó khăn. Khôi phục vận tải hành khách trong tình hình mới đòi hỏi những nguyên tắc y tế phù hợp và các giải pháp thích ứng của các địa phương" - lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Phương án nào nếu Hà Nội kiên quyết "lắc đầu"?
Trưa 6/10, trao đổi với PV Dân trí về tình hình các đường bay nội địa không thể thực hiện dự kiến khai thác từ 5/10 như kế hoạch, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết Bộ GTVT đã họp và sẽ thống nhất lại với các địa phương về tần suất khai thác, điều kiện hành khách để thực hiện. Tùy thuộc vào sự phản hồi của các địa phương, Cục Hàng không dự kiến có thể là 8/10 hoặc 10/10 sẽ khai thác các chuyến bay.
"Quan điểm của Cục Hàng không là địa phương nào đồng ý là khôi phục lại đường bay. Cục Hàng không đang khớp lại các điểm đến để xây dựng phương án khai thác. Dù thế nào cũng phải khôi phục lại các chuyến bay và thực hiện khai thác hàng không với tần suất và điểm đến hợp lý, đây là mong mỏi rất lớn của hành khách, của ngành hàng không" - ông Cường nói.
Đối với TP Hà Nội - địa phương đầu tiên nêu quan điểm không tiếp nhận các chuyến bay chở khách thường lệ để đảm bảo thành quả chống dịch và bảo vệ Thủ đô, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Nếu Hà Nội không đồng ý, các chuyến bay nội địa vẫn sẽ triển khai, chỉ tiếc là sẽ không đạt được như kỳ vọng. Bởi, sân bay Nội Bài là cơ sở hậu cần, kỹ thuật lớn của tất cả các hãng hàng không Việt Nam, nếu các máy bay chỉ về Nội Bài để sửa chữa, bảo dưỡng thì sẽ không hiệu quả.
Nói về phương án khai thác, ông Cường thông tin: "Chúng tôi đã xây dựng phương án phù hợp nếu ít ngày tới Hà Nội vẫn không đồng ý với kế hoạch vận chuyển hành khách. Các đường bay có điểm đến/đi từ Hà Nội sẽ chuyển hướng khai thác tới sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa. Khi đó, người hành khách ở các tỉnh có nhu cầu đi máy bay sẽ phải đi theo đường bộ, làm thủ tục qua các chốt kiểm soát liên tịch để đến/đi từ sân bay Thọ Xuân".
Được biết, chiều nay, dự kiến Phó Thủ tướng Lê Văn Thành sẽ chủ trì buổi họp về việc với UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT, Bộ Y tế và Cục Hàng không Việt Nam. Nội dung cuộc họp tập trung vào kiến nghị của UBND TP Hà Nội liên quan đến việc mở cửa vận chuyển hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Riêng với TPHCM, ông Cường cho biết thành phố này vừa trải qua đợt dịch kéo dài nhiều tháng và gây thiệt nặng nề nhưng đã rất tích cực khi thống nhất khai thác 18 đường bay với tần suất 132 chuyến khứ hồi/ngày.
"TPHCM cơ bản thống nhất với dự thảo kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ, chỉ lưu ý đối với đường bay TPHCM - Hà Nội, đề nghị tổ chức một số chuyến bay khứ hồi trong tuần, để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Rõ ràng TPHCM đang thể hiện mong muốn rất lớn trong việc mở cửa, khôi phục kinh tế thành phố" - ông Cường nhấn mạnh và nói Cục Hàng không đang khớp lại các đường bay kết nối với TPHCM để có thể khai thác sớm nhất.
Tin nổi bật
Tin Video