Tin tức

Kiên trì chiến lược 'Zero Covid' - góc nhìn từ Trung Quốc

(VOVTV) - Một đợt dịch Covid-19 trong cộng đồng mới cùng những biện pháp quản lý siết chặt tương tự thậm chí nghiêm ngặt hơn thường thấy đang được áp dụng tại Trung Quốc, một lần nữa xới lên cuộc tranh luận giữa truyền thông nước này và quốc tế về chiến lược “Zero Covid”.

Tác giả Bích Thuận / VOV Bắc Kinh
03/11/2021 10:45

Mặc dù đã tiêm chủng đầy đủ cho gần 76% dân số, nhưng Trung Quốc vẫn thực thi các biện pháp chống dịch từ những ngày đầu. Vậy từ góc độ của quốc gia từng là nơi đầu tiên bùng phát đại dịch, vì sao Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược này?

Những tính toán đằng sau quyết định của Trung Quốc 

Thay vì như nhiều quốc gia trên thế giới chuyển từ “Zero Covid” sang sống chung với SARS-CoV-2, Trung Quốc vẫn kiên trì với cách thức chống dịch như thời kỳ đầu bùng phát. Có nhiều tính toán khiến Bắc Kinh thấy cần thiết phải làm như vậy.

Trước tiên, Thế vận hội mùa Đông sắp diễn ra ở Bắc Kinh vào tháng 2/2022. Cách đây không lâu, Trung Quốc tuyên bố sẽ không bán vé cho khán giả bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục và cách ly 21 ngày những người tham dự sự kiện này, bao gồm cả các vận động viên nếu chưa tiêm đủ liều vaccine.

Kiên trì chiến lược 'Zero Covid' - góc nhìn từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Một điểm xét nghiệm ở thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang, ổ dịch Covid-19 mới giáp ranh với Nga của Trung Quốc hôm 2/11. Ảnh: Tân Hoa Xã

Nước này từng cử người sang Olympic Tokyo học hỏi kinh nghiệm tổ chức, tuy nhiên sau khi chứng kiến sự lộn xộn và trì hoãn của Thế vận hội mùa Hè 2020, chính phủ Trung Quốc đã quyết định không “đi vào vết xe đổ” này. Đối với Bắc Kinh, uy tín chính trị nước lớn là điều hết sức quan trọng. Nước này không muốn tất cả thành tựu chống dịch trong suốt gần 2 năm qua đổ ra sông ra bể, chỉ vì một sự kiện thể thao.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, Trung Quốc còn 2 sự kiện quốc tế quan trọng khác, đó là Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 tổ chức tại Hàng Châu và quan trọng nhất là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20. Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đương nhiên không muốn dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát trước sự kiện này.

Ngoài ra, nếu đứng từ góc độ của truyền thông Trung Quốc, còn có lý do khác khiến nước này vẫn đi theo con đường chống dịch ban đầu. Đó là đến nay bài học Vũ Hán vẫn còn nguyên giá trị và đa phần người dân Trung Quốc “không muốn chịu đựng” tình trạng cả nước này có dịch với hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn ca bệnh tăng thêm và hàng trăm, hàng nghìn người tử vong mỗi ngày. Nếu so sánh giữa 2 cách làm hiện nay là “không Covid” và “sống chung”, đại đa số người Trung Quốc vẫn chọn phương án ban đầu.

Ông Chung Nam Sơn, chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm của nước này, trong một cuộc trao đổi với kênh truyền hình tiếng Anh trong nước CGTN cho rằng, trong tình hình hiện nay, so với điều trị sau khi dịch bệnh lan rộng, “chính sách không lây nhiễm” của Trung Quốc không quá tốn kém, mà là một cách tiếp cận chi phí thấp.

Còn với Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến, mô hình chống dịch của Trung Quốc “không phải quốc gia nào muốn cũng có thể làm được” và việc truyền thông phương Tây đả kích chính sách của nước này là nhằm “kéo Trung Quốc xuống” và khiến nước này cũng trở nên “tồi tệ như họ”. Ông lo sợ rằng Trung Quốc sẽ trở thành nạn nhân của Covid-19 chỉ trong vài tháng nếu nới lỏng các biện pháp hiện tại vì thực tế cho thấy nhiều quốc gia dù đã tiêm chủng với tỷ lệ khá cao vẫn ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh.

Những thuận lợi và khó khăn của Trung Quốc khi theo đuổi chiến lược “Zero Covid”

Là quốc gia đầu tiên bùng phát dịch, hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rõ cơ chế của căn bệnh này. Đến nay, nước này đã hình thành được một quy trình chống dịch khá thuần thục và quy củ với một số kinh nghiệm đã được nhân rộng. Ví dụ, chống dịch theo phân cấp, phân vùng; khai báo y tế và hành trình điện tử tích hợp với các dữ liệu liên quan đến xét nghiệm và tiêm vaccine trên ứng dụng di động...

Tự chủ kit xét nghiệm và vaccine, độ phủ vaccine cao với gần 76% dân số đã tiêm đủ liều, đẩy nhanh tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng ưu tiên và bắt đầu tiêm cho trẻ em từ 3-11 tuổi, nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay với trên 80% người dân hoàn thành tiêm chủng, cũng là những ưu thế giúp Trung Quốc có thể xóa sổ dịch bệnh trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, nước này cũng có những khó khăn khi luôn cố gắng loại bỏ virus SARS-CoV-2 ở trong nước. Gần đây, một bài viết “kêu cứu” cho người dân Thụy Lệ (tỉnh Vân Nam), nơi giáp biên với Myanmar của cựu Phó Thị trưởng thành phố này đăng trên mạng xã hội, đã cho thấy những tác động to lớn của chính sách chống dịch hà khắc đối với người dân nơi đây.

Do một số đặc điểm riêng, từ tháng 9/2020 đến nay, thành phố này đã xảy ra liên tiếp 5 đợt dịch với 4 lần phải “quản lý khép kín” - một kiểu phong tỏa nhưng nới lỏng hơn Vũ Hán. Nhiều hộ kinh doanh tại đây đã gần 1 năm không thể làm ăn hoặc nhiều người không thể ra khỏi thành phố kiếm việc, gây tác động tiêu cực đến đời sống và kinh tế.

Hay như việc không ít người bị “vạ lây” không thể mua vé tàu xe hoặc đi lại do những nhầm lẫn trong đánh giá cấp độ sức khỏe theo màu ở Bắc Kinh, khiến giới chức thành phố này phải xin lỗi người dân, cũng phần nào cho thấy những bất tiện trong đi lại và đảo lộn trong cuộc sống khi chính sách chống dịch áp dụng quá nhanh và nghiêm ngặt ngay khi chỉ mới có vài chục ca bệnh trong cộng đồng được xác nhận.

Kiên trì chiến lược 'Zero Covid' - góc nhìn từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Các dãy hàng bị đóng cửa nhiều ngày ở Thụy Lệ. Ảnh: Mạng Hoàn cầu

Nói như chuyên gia Chung Nam Sơn, thì dù “chính sách không lây nhiễm” của Trung Quốc không quá tốn kém, song đây cũng là cách làm “cực chẳng đã” vì hiện nay mặc dù đã có vaccine, nhưng do tốc độ lây lan của virus vẫn quá nhanh, khiến tỷ lệ tỷ vong luôn ở mức khoảng 2% trên toàn cầu.

Ông cho biết, Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược “nới lỏng dần dần”, nhưng chính sách chung hiện nay vẫn là “không khoan nhượng” với Covid-19.

Những yếu tố tác động đến quyết định thay đổi chiến lược của Trung Quốc 

Sở dĩ cả thế giới quan tâm và bàn luận về chính sách chống dịch của Trung Quốc là bởi mỗi thay đổi của nước này không chỉ ảnh hưởng đến riêng Trung Quốc, mà còn tác động đến cả ngành du lịch và kinh tế thế giới, cũng như chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện ở Trung Quốc có hai luồng ý kiến chính về những yếu tố có thể tác động đến quyết định thay đổi chiến lược chống Covid-19 của nước này. Thứ nhất, đó là tình hình  dịch bệnh chung trên toàn cầu. Thứ hai, đó là những đột phá trong khoa học y tế, tức hiệu quả bảo vệ cao hơn của vaccine và tiến bộ trong nghiên cứu thuốc đặc trị Covid-19. Hiện Trung Quốc đang tập trung nghiên cứu và thử nghiệm vaccine thế hệ mới có thể chống lại nhiều loại biến thể của virus, trong đó có cả vaccine công nghệ mRNA và các loại thuốc điều trị căn bệnh này.

Mới đây, khi được hỏi liệu việc tiêm chủng có trở thành “trạng thái thường xuyên” với các mũi tiêm thứ 3, 4, 5 hay không, ông Vương Hoa Khánh, chuyên gia trưởng về miễn dịch của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết, tiêm chủng tăng cường liên tục không phải là lựa chọn cuối cùng, bởi số liều nhắc lại là có giới hạn. Ông hy vọng sẽ có những loại vaccine tốt hơn trong tương lai, bởi loại vaccine lý tưởng là loại phải có hiệu quả tốt sau khi đã được tiêm đủ liều.

Có dự đoán cho rằng, cho dù chiến lược chống dịch “nói không với Covid-19” kiểu “đặc sắc Trung Quốc” này có bị truyền thông phương Tây “mổ xẻ” đến đâu, thì nước này cũng khó có sự nới lỏng nào trong các biện pháp chống dịch trước nửa cuối năm tới, ngay cả khi Trung Quốc là quốc gia duy nhất kiên trì con đường này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận