Kiểm soát dịch COVID-19: 'Không để mất bò mới lo làm chuồng'
"Không để mất bò mới lo làm chuồng - Đây là quan điểm nhất quán của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã khẳng định như vậy tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/12.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trong các vấn đề báo chí và người dân quan tâm mấy ngày qua, khi vào họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 sáng 2/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ngay vấn đề người dân quan tâm về ca nhiễm COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, 90 ngày qua Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng, nhưng những ngày qua đã có ca nhiễm mới, dư luận rất quan tâm.
Trong các cuộc họp, Thủ tướng đều nhắc thực hiện mục tiêu kép, quan điểm là kiểm soát chặt chẽ bên ngoài vào và khoanh vùng dập dịch bên trong.
"Chúng ta đã phản ứng rất kịp thời. Yêu cầu kiểm điểm rõ trách nhiệm đơn vị hàng không Vietnam Airlines và tổ tiếp viên hàng không. Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định tạm đình chỉ 15 ngày với trưởng đoàn tiếp viên hàng không để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đã báo cáo Thủ tướng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: Phải kiểm điểm ngay, nhanh, sớm và công bố trước dư luận. Đây là bài học với tất cả cơ quan, cá nhân trong phòng chống dịch bệnh.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tháng 11 trôi qua với nhiều sự kiện quan trọng như kết thúc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV; Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan... Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà ASEAN 2020 đã tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan thành công tốt đẹp (trên 20 cuộc họp cấp cao, hơn 80 văn kiện được ghi nhận, công bố và thông qua, đây là số lượng văn kiện kỷ lục). Đặc biệt là sự kiện ký kết Hiệp định RCEP với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác, tạo nên một thị trường lớn với 2,2 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP khoảng 26,5 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Về tình hình kinh tế - xã hội, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam là một điểm sáng khi vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương. Nhiều chỉ tiêu KT-XH đạt được những kết quả khả quan. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước...