Tin tức

Họp báo Chính phủ: Lãi suất sẽ tiếp tục hạ

(VOVTV) - Từ đầu năm đến nay, lãi suất liên tục giảm nhưng dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế lại rất thấp, thậm chí dư luận có thông tin "ế" tiền. Phải chăng có nghịch lý là doanh nghiệp cần tiền nhưng không đủ điều kiện vay, còn doanh nghiệp đủ điều kiện vay lại không muốn vay?

04/07/2023 22:01

Đây là vấn đề được báo giới đặt ra với Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, diễn ra chiều tối 4/7.

Lãi suất đang giảm tích cực

Ông Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất 4 lần từ 0,5%-2% cho những mức lãi suất điều hành. Tại các ngân hàng thương mại, tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7-0,8%; lãi suất cho vay bình quân giảm từ 1-1,2%.

Các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước luôn đi đầu thực hiện các chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều ngân hàng có gói giảm sâu, dành cho những đối tượng, lĩnh vực cần có sự ưu đãi của Nhà nước. Xu hướng chung là lãi suất sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới.

Đối với lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay cho vay theo nghiệp vụ thị trường mở chỉ 4%, cho vay OMO hoặc cho vay để bù đắp thiếu hụt trong tính toán tạm thời của các ngân hàng thương mại, cho vay qua đêm chỉ 5%. Hai khoản cho vay này hầu như các ngân hàng thương mại thông thường đang thừa thanh khoản, không mặn mà với khoản cho vay của Ngân hàng Nhà nước vì đây là khoản cho vay cuối cùng khi các ngân hàng thương mại cần để hưởng nguồn của Ngân hàng Nhà nước.

Mức lãi suất cho vay giữa các ngân hàng với nhau qua thị trường liên ngân hàng rất thấp, cho vay qua đêm chỉ từ 0,4-1%, một tuần từ 0,8-1,5%, một tháng từ 3-3,2%.

“Nhìn chung, lãi suất đang giảm tích cực, kể cả lãi suất điều hành và lãi suất cho vay”, ông Đào Minh Tú nói.

Về dư nợ theo điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước xác định từ 14-15% tăng trưởng tín dụng để phù hợp với chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đã giao, góp phần tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiểm soát lạm phát trong vòng 4,5%.

Tuy nhiên, đến nay, dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, số tuyệt đối là 12,423 triệu tỷ đồng. Số tiền gửi huy động là 12,691 triệu tỷ đồng. Như vậy, số huy động và cho vay ở thời điểm hiện nay là tương đương. Dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, trong khi giao tín dụng đã được khoảng 11%, như vậy dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng có thể cho vay.

Giải thích về sự “khác thường” trong khi lãi suất giảm nhanh thì tốc độ tín dụng lại tăng trưởng chậm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, do đó cầu tín dụng cũng không thể tăng cao. Thêm vào đó, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội, mặc dù Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỷ lệ rủi ro thấp.

Những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn. “Vấn đề này, Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành ngân hàng đang quyết liệt tháo gỡ. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ. Ngược lại, có doanh nghiệp được ngân hàng mời vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay”, ông Tú nói.

Theo ông, đây là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra những "khác thường" so với những năm trước khi lãi suất giảm mà tín dụng chưa tăng nhiều. Thời gian tới, ngành ngân hàng tập trung điều hành lãi suất theo hướng tiếp tục giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên cơ sở các ngân hàng thương mại phải tính toán bảo đảm được an toàn tối thiểu cho mình và cắt giảm những chi phí cần thiết để có điều kiện hạ lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xem xét các đối tượng, lĩnh vực để cùng với các bộ, ngành có những chính sách đồng bộ; tiếp tục thực hiện và chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các hiệp hội quan tâm triển khai tốt chính sách giãn, hoãn, tái cơ cấu các khoản nợ. Đây là những chính sách trực tiếp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.

Gỡ khó cho các dự án bất động sản

Tại Họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã thông tin về kết quả tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản. Ông cho biết, các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ qua rà soát thị trường bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Đồng Nai đã nêu ra 3 nhóm khó khăn, vướng mắc. Đó là vướng mắc về thể chế, về tổ chức thực hiện và về vấn đề vốn, thị trường trái phiếu, thị trường tín dụng.

Tổ công tác đã có nhiều khuyến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản, trong đó nổi bật có Nghị quyết 33/NQ-CP về giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.

Tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tổ chức triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng, cơ quan thường trực của Tổ công tác, đã rà soát, chuyển các văn bản của Tổ công tác tới UBND các tỉnh, thành phố giải quyết; đồng thời trực tiếp giải quyết các trách nhiệm thuộc bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề khó khăn.

Liên quan đến thị trường vốn, thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ của một số doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng và các ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu. Đặc biệt, có chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Đồng thời với tháo gỡ khó khăn, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân trong giai đoạn 2021 – 2030. Cùng với việc xây dựng đề án này, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương xác định đối tượng, danh mục và điều kiện được cho vay vốn.

“Các địa phương đều rất tích cực thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Tuy nhiên, thời gian chưa nhiều và những vấn đề tồn tại vướng mắc có quá trình khá dài nên cần có thêm thời gian để tập trung giải quyết”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chia sẻ.

Ông cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tham mưu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai Nghị quyết 33, các công điện, các công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là những nhiệm vụ cấp bách quan trọng để giải quyết, đóng góp vào phát triển kinh tế vĩ mô và theo cách thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết một cách dứt điểm, triệt để.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận