Hà Nội không cần có sân bay thứ 2 để phục vụ 'nhà giàu'
Trước thông tin định hướng quy hoạch vị trí xây dựng sân bay ở Thường Tín, có chuyên gia cho rằng, đây là loại hình vận tải dành cho "nhà giàu" và Hà Nội không cần thiết có sân bay thứ 2.
Loại hình vận tải dành cho "nhà giàu"?
Nêu quan điểm về việc quy hoạch sân bay thứ 2 nhằm có hướng mở để nghiên cứu xây dựng, giảm tải cho sân bay Nội Bài sau năm 2050, TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị - có quan điểm cho rằng, việc xây dựng sân bay thứ 2 ở Hà Nội là không cần thiết.
Theo TS. Thủy, chi phí để xây dựng sân bay rất tốn kém. Trong khi đó, mạng lưới giao thông ở nước ta hiện nay khá dày đặc. Ở các nước trên thế giới, mỗi sân bay thường cách nhau khoảng 200-300km.
Dù thừa nhận việc đi lại bằng máy bay là rất cần thiết nhưng vị chuyên gia cho rằng đây là loại hình vận tải dành cho "nhà giàu", có chi phí cao nên chỉ phù hợp với một phần tỷ lệ dân số, không phải loại hình vận tải đại trà mà mọi tầng lớp đều có thể lựa chọn.
Về vị trí, theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, ở khu vực phía Bắc có sân bay Nội Bài, sân bay Cát Bi (TP Hải Phòng), sân bay Điện Biên (tỉnh Điện Biên) và sắp có sân bay Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Hướng về phía Nam có sân bay Thọ Xuân, tiếp đó là sân bay Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) và sắp có sân bay Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Vì vậy, nếu cần thêm một sân bay nữa thì nên lựa chọn vị trí xây dựng ở tỉnh Nghệ An hoặc tỉnh Hà Tĩnh sẽ hợp lý hơn.
"Nước ta là nước nông nghiệp, đất ở huyện Thường Tín là đất nông nghiệp. Chiến lược giao thông nên hướng về đường sắt, đường thủy và chúng ta nên khai thác loại hình vận tải này thì mới tận dụng được tài nguyên của đất nước. Xây thêm sân bay thứ 2 ở Hà Nội là lãng phí và không cần thiết" - ông Thủy bày tỏ quan điểm.
KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - cho biết, bản thân chưa thể nói về mức độ cần thiết của việc này vì chưa tiếp cận được Đề án quy hoạch cảng hàng không - sân bay cấp quốc gia đang được Hội đồng thẩm định Nhà nước trình Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, KTS Trần Huy Ánh dẫn nghiên cứu về mạng lưới đường sắt cho thấy các ga đường sắt đô thị thường cách nhau một cây số. Các ga khu vực hoặc ga nội tỉnh kết nối ra ngoại ô (đi lại từ trong ra ngoài) cách nhau 5-10km, còn ga đường sắt liên tỉnh cách nhau 10-50km.
"Tôi cho rằng, việc có thêm sân bay thứ 2 ở Thường Tín chưa dựa trên cơ sở khoa học nào cả. Trong khi đó, giao thông vận tải không phải theo địa giới hành chính mà theo bán kính phục vụ" - ông Ánh nhận định.
"Thủ đô các nước phát triển đều có ít nhất 2 cảng hàng không"
Nói về mức độ cấp thiết của việc này, một lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, nhu cầu phát triển hàng không quốc tế hiện rất lớn. Theo chiến lược phát triển hàng không quốc gia, từ năm 2050 trở đi, lượng khách qua cảng Nội Bài ở mức 150 triệu người/năm, khi đó Cảng Hàng không Nội Bài sẽ không thể đáp ứng.
"Hiện đã nghiên cứu nâng công suất phục vụ lên 100 triệu người/năm nhưng vẫn không đáp ứng được. Trong khi đó, Thủ đô của các nước phát triển trên thế giới phần lớn đều có ít nhất 2 cảng hàng không. Hà Nội cũng là một Thủ đô lớn nên nhu cầu về vận tải hàng hóa, hành khách rất nhiều. Vì vậy, việc có cảng hàng không thứ 2 ở Hà Nội để hỗ trợ cho Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài là rất cần thiết" - vị này chia sẻ.
Đáng chú ý, theo vị lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng, việc quy hoạch trong tương lai có sân bay thứ 2 ở Hà Nội đã nhận được sự đồng thuận của Bộ Giao thông vận tải rồi đưa vào nghiên cứu trong hệ thống cảng hàng không toàn quốc.
"Trước đó, Hà Nội đề xuất ở phía Nam và chưa nghiên cứu sâu sẽ đặt ở vị trí cụ thể nào. Đối với vị trí ở Thường Tín, có thể đây là vị trí được Bộ Giao thông vận tải đề xuất. Tới đây, viện sẽ phối hợp với các chuyên gia để xác định chính xác ở khu vực nào và khi điều chỉnh quy hoạch chung thì Viện Quy hoạch xây dựng sẽ lồng ghép vào" - vị lãnh đạo này cho hay.
Hội đồng thẩm định Nhà nước đang trình Thủ tướng phê duyệt Đề án quy hoạch mạng cảng hàng không - sân bay cấp quốc gia. Hiện đã định hướng quy hoạch vị trí xây dựng sân bay thứ 2 của Hà Nội ở huyện Thường Tín.
Theo nguồn tin của PV Dân trí, việc quy hoạch sân bay thứ 2 nhằm có hướng mở để nghiên cứu xây dựng, giảm tải cho sân bay Nội Bài sau năm 2050.
Liên quan tới việc quy hoạch sân bay thứ 2, Hà Nội từng đề xuất quy hoạch tại huyện Ứng Hòa. Tuy nhiên, các chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng, xây dựng sân bay quốc tế thứ 2 tại Ứng Hòa có nhiều bất cập, vấn đề nổi cộm nhất chính là không có đường sắt đô thị kết nối nội đô với sân bay.
Tin nổi bật
Tin Video