Tin tức

Hà Nội: Hơn 2.800 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí

(VOVTV) - Hơn 2.800 ca tử vong trong năm 2019 tại Hà Nội có liên quan đến ô nhiễm không khí. Đây là con số được công bố tại Hội thảo trực tuyến báo cáo "Kết quả nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019" do tổ chức Live&Learn phối hợp cùng Trường Đại học Y tế Công Cộng, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Tác giả Quang Huy / VOV1
12/08/2021 12:12

Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng số liệu do địa phương cung cấp. Theo kết quả nghiên cứu này, nếu nồng độ bụi mịn PM2.5 được kiểm soát, tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội có thể tăng thêm ít nhất 2 năm.

Theo thông tin từ hội thảo, năm 2019, thế giới có hơn 6,6 triệu người chết do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí, trong đó có hơn 4 triệu ca tử vong do bụi PM2.5 (đây là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống (so với sợi tóc con người thì nó nhỏ hơn khoảng 30 lần) có trong không khí.

Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và nguy cơ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng. Ô nhiễm không khí từ bụi PM2.5 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng ở các khu vực đô thị.

Hà Nội: Hơn 2.800 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí - Ảnh 1.

Không khí ở Hà Nội ô nhiễm mức nghiêm trọng

Theo báo cáo "Kết quả nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019", nồng độ bụi PM2.5 trên toàn thành phố Hà Nội vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia. Cụ thể, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,15 μg/m3 đến 39,4μg/m3. Các quận nội thành Hà Nội: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2.5 cao nhất.

PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đây là những khu vực tập trung đông dân cư, có mật độ dân số và giao thông cao, nhiều hoạt động kinh tế xã hội.

"Những quận ô nhiễm tập trung vào nội thành, quận mà ít ô nhiễm hơn thì tập trung là ở ngoại thành. Quận nội thành thường có lượng dân số đông và các tác động về kinh tế xã hội nhiều hơn ở ngoại thành. Tuy nhiên, khi mà thống kê nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2019 thì ngay cả huyện sạch nhất cũng vượt quy chuẩn Việt Nam về ô nhiễm bụi PM2.5 theo trung bình năm 25 Mg/m3", PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh cho biết.

Cũng theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công Cộng, gánh nặng bệnh tật liên quan nhiều đến các ca tử vong và nhập viện do phơi nhiễm với bụi PM2.5 tại Hà Nội năm 2019. Cụ thể, hơn 2.800 ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5, tương đương hơn 35 ca tử vong sớm/100.000 dân.

Trong đó các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng là những quận có tỷ lệ tử vong cao do những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí so với các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố. Với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội, thì mỗi năm có thêm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch và khoảng gần 3.000 ca nhập viện do bệnh hô hấp chiếm từ 1,2%-2,4% tổng số ca nhập viện do hai nhóm bệnh này ở người dân Hà Nội.

TS Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường Đại học Y tế Công Cộng cho biết: "Đối với các vùng mà có nồng độ ô nhiễm cao, đặc biệt là các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình thì việc phơi nhiễm ô nhiễm không khí cao, nó sẽ làm gánh nặng bệnh tật của các vùng này lên. Mức tốt nhất mà Hà Nội có thể đạt được vùng Ba Vì nhưng số này hiện nay đang cao hơn gần gấp đôi so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để bảo vệ sức khỏe cộng đồng về vấn đề ô nhiễm bụi PM2.5".

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, những kết quả trong nghiên cứu này còn thấp hơn nhiều so với mức tác động "thực tế" do sự thiếu hụt dữ liệu. Số liệu về số ca tử vong chỉ phản ánh được khoảng 80% số ca tử vong tại Việt Nam.

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng cho rằng, trước những tác động đến sức khỏe người dân thì cần phải có những giải pháp cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Các hoạt động đánh giá chất lượng không khí cần được mở rộng, đồng thời các chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí cũng cần được hoạch định và triển khai kịp thời.

"Cần phải cụ thể giữa kế hoạch hành động quản lý về chất lượng không khí cấp quốc gia và cấp tỉnh để làm sao tập trung giải quyết được ô nhiễm không khí này. Đó là phải tập trung vào các tỉnh có nguy cơ cao chứ không phải làm tất cả các tỉnh mà cả những địa phương mà chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Kế hoạch hành động quốc gia phải là một nền móng cho các kế hoạch hành động cấp tỉnh có thể xây dựng những kế hoạch vừa phù hợp với địa phương theo đúng tầm nhìn của quốc gia", bà Đỗ Vân Nguyệt nói.

Bên cạnh thực trạng về gánh nặng bệnh tật, các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng, nếu nồng độ bụi PM2.5 trên địa bàn Hà Nội được kiểm soát thì các ca bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí sẽ giảm đáng kể. Cụ thể theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công Cộng, nếu nồng độ bụi mịn PM2.5 được kiểm soát, tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội có thể tăng thêm ít nhất 2 năm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận