Kinh doanh

Giá vàng trong nước cao kỷ lục, chuyên gia khuyến cáo không 'lướt sóng'

Ngày 22/2, giá vàng trong nước cao chưa từng có khi tiến sát 64 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh giá thế giới còn tăng, không ít người tính đến chuyện "lướt sóng".

Tác giả Ngọc Vy / VOV
23/02/2022 08:10

Lý giải về nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng "phi mã", chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng do giá thế giới biến động mạnh. Cụ thể, giá vàng thế giới tăng do lạm phát tháng 1 và 2 đều cao, tăng trưởng sản xuất thấp so với dự trù nhà đầu tư, nên đầu tư sản xuất hay chứng khoán đều rủi ro lớn.

Ngoài ra, tình hình địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng tác động tới thị trường tài chính thế giới. Trong khi chứng khoán toàn cầu đỏ lửa thì thị trường kim loại quý lại tăng tích cực do nhà đầu tư tìm vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tăng cao cũng khiến nhà đầu tư tìm đến vàng trú ẩn cho dòng vốn của họ.

Giá vàng trong nước cao kỷ lục, chuyên gia khuyến cáo không 'lướt sóng' - Ảnh 1.

Giá vàng trong nước đang cao nhất lịch sử

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, các nhà đầu tư trong nước không nên mua vàng để "lướt sóng" lúc này bởi lẽ hiện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang quá cao, có thời điểm lên tới hơn 10 triệu đồng/lượng. Nếu "găm" vàng, người mua sẽ phải trả với mức giá đắt hơn hàng triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu thị trường đảo chiều.

“Vì vậy, chỉ nên mua vàng với món nhỏ khi thực sự cần thiết, còn mua đầu tư dài hạn thì hiện không phải là thời điểm thích hợp, chỉ mua khi chênh lệch giá giữa hai thị trường ở mức hợp lý là khoảng 2-3 triệu đồng/lượng”, ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cho rằng, việc tăng “nóng” của giá vàng trong nước không có sự bền vững, giá có tăng sẽ có giảm, nên trong ngắn hạn mua vàng lúc này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Thịnh lý giải, giá vàng năm 2022 được dự đoán sẽ theo xu hướng tăng, có thể đạt ngưỡng 1.940 USD/ounce vào cuối năm. Vì vậy, giá vàng trong nước cũng có thể sẽ vượt ngưỡng 64 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, ngưỡng này chỉ là giai đoạn ngắn, vì thế nhà đầu tư nên hết sức thận trọng khi đầu tư vào giai đoạn giá có nhiều biến động.

Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, không nên đầu tư vào vàng khi chênh lệch quá cao.

Hiện nay, sự chênh lệch giá vàng này đến từ 4 nguyên nhân: Thứ nhất, thị trường vàng Việt Nam và thế giới không có liên thông với nhau nên phần lớn các thời điểm giá vàng trong nước đều cao hơn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng. Một nguyên nhân nữa là có hiện tượng đầu cơ, một số doanh nghiệp đã đẩy giá vàng lên khi họ thấy nguồn cung không đủ. Nguyên nhân cuối cùng, tại thời điểm này, một số kênh đầu tư không còn hấp dẫn như lãi suất giảm, bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục, tỷ giá ổn định nên không phải là kênh đầu tư hấp dẫn, chứng khoán tăng nóng nhưng lại khiến nhiều người e ngại.

“Hiểu tâm lý đó nên các doanh nghiệp giữ giá vàng ở mức cao, đẩy rủi ro sang người mua, không những giá chênh với thế giới cao mà chênh lệch giữa mua và bán cũng ở mức cao, khiến người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng” ông Hiếu phân tích.

Còn theo chuyên gia vàng Trần Thanh Hải, hiện nay vàng nhẫn phản ánh gần sát với xu thế giá vàng thế giới và đây là niềm kỳ vọng của những người có tài sản muốn đầu tư vào vàng. Ông Hải lý giải, thị trường kinh doanh vàng nhẫn liên thông với giá thế giới, nên chênh lệch giữa vàng nhẫn trong nước và thế giới có chênh lệch ít. Giá biến động bám sát được giá lên và giá xuống của thị trường thế giới.

Trong khi đó, Nghị định 24/2012 trao quyền cho nhà nước độc quyền sản xuất. Việc phân phối chỉ giao cho 2.000 cửa hàng trong cả nước với giấy phép kinh doanh đặc biệt. Chính vì việc hạn chế và kinh doanh có điều kiện đã làm cho vàng miếng trở thành thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, nên làm giá cả bị méo mó.

Trong phiên giao dịch ngày 22/2, giá vàng miếng được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC có thời điểm được niêm yết ở mức 63,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,85 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng miếng được Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 63,06 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,65 triệu đồng/lượng (bán ra).

Đến đầu giờ sáng nay 23/2, giá vàng trong nước hiện vẫn đang được niêm yết ở mức giá cao. Cụ thể, giá vàng miếng được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được niêm yết ở mức 63 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,6 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng miếng được Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 62,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,65 triệu đồng/lượng (bán ra).

Hiện giá vàng thế giới đang thấp hơn khoảng 10 triệu đồng/lượng so với giá trong nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận