Doanh nghiệp thua lỗ, vì sao giá cổ phiếu vẫn tăng 'nóng'?
Nhờ dòng tiền đổ vào, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bết bát, chưa rõ cơ hội phục hồi do dịch bệnh Covid-19 vẫn tăng "nóng”.
Loạt cổ phiếu tăng bất thường…
Anh Nguyễn C. Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết vừa chốt lời hơn 5.000 cổ phiếu CEO của Công ty cổ phần tập đoàn C.E.O với giá 41.200 đồng/cổ phiếu mà anh mua hồi đầu tháng 11 với giá 23.900 đồng/cổ phiếu.
“Tiền vừa về, tính ra lướt mã này cũng lãi được hơn 80 triệu. Chỉ cần tăng giá liên tục vài phiên là lãi nhiều hơn cả tiền lãi cả tháng của cửa hàng tạp hoá của nhà tôi chứ đừng nói đến bỏ tiền vào ngân hàng thời điểm này”, anh Phương cho hay.
Nhà đầu tư này cũng cho biết, ngoài CEO, anh vẫn giữ “hàng” ở hai mã bất động sản khác. Anh Phương cũng cho biết, gần đây anh và nhóm bạn vẫn chọn một số mã cổ phiếu nhỏ trong lĩnh vực bất động sản.
“Đợt này chúng tôi cũng hay thảo luận về gói cứu trợ kinh tế của Chính phủ. Với lại đầu tư công đang được đẩy mạnh nên tất nhiên là bất động sản sẽ được lợi”, anh Phương giải thích.
Nhà đầu tư này cũng tiết lộ bí quyết “bắt sóng” cổ phiếu là trong nhóm zalo của anh Phương sẽ thông tin về những mã cổ phiếu có tín hiệu tiền vào và được đẩy giá nhờ một số thành viên trong nhóm có khả năng phân tích kỹ thuật. Sau đó các thành viên sẽ cùng nhau “xuống tiền”.
Ngoài CEO tăng gấp hơn 3 lần trong vòng 1 tháng, hàng loạt cổ phiếu được xếp vào danh sách tăng “nóng” trong vòng hơn 1 tháng qua như SDA tăng hơn 2 lần trong 1 tháng trước khi tuột dốc không phanh. Hay một số cổ phiếu khác cũng tăng vọt: DIG tăng 25%, FLC tăng 28%, TNI tăng 30%, VCR tăng 42%...
Tăng bất chấp lỗ nặng
Điều khiến nhiều người thấy bất thường là rất nhiều mã cổ phiếu tăng “khủng” nhưng khi soi chiếu thì lại có kết quả kinh doanh rất bết bát. Đơn cử như mã CEO mà anh Phương và nhóm zalo của anh vừa tham gia mua bán có kết quả kinh doanh quý 3 vừa qua thua lỗ nặng.
Cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu của CEO chỉ đạt 406 tỷ đồng, giảm 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, CEO lỗ sau thuế 224 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ cùng kỳ 2020. Trong khi đó, công ty này đặt mua tiêu cho cả năm 2021 rất cao là tổng doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng.
Một mã khác trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản là HUT của Công ty cổ phần TASCO cũng ghi nhận đà tăng bền bỉ kể từ giữa tháng 7 đến nay. Trong khoảng thời gian này, giá cổ phiếu HUT tăng từ 6.700 đồng lên 18.800 đồng một cổ phiếu, tăng 2,8 lần.
HUT đã lỗ ròng gần 64 tỷ đồng trong quý 3/2021 và là quý báo lỗ thứ 6 liên tiếp của công ty kể từ quý 2/2020.
Công ty này cũng chịu lỗ ròng hơn 134 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2021. Cùng với số lỗ hơn 243 tỷ đồng của năm 2020, lỗ lũy kế của Tasco đã bào mòn hết phần lợi nhuận tích lũy được từ nhiều năm trước.
Đáng chú ý, tình hình tài chính của công ty này cũng rất đáng lo ngại khi có nợ phải trả lên tới 7.028 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu là 2.814 tỷ đồng.
Ngoài những mã này, thị trường cũng chứng kiến loạt doanh nghiệp có kết quả kinh doanh rất ảm đạm nhưng giá tăng liên tục như: DLG của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, VCR của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex, SDA của Công ty cổ phần Simco Sông Đà…
“Bọn tôi không phải đại gia nên chỉ vào những mã nhỏ, ít khi chơi mã giá cao. Những mã nhỏ khả năng được đẩy giá cao hơn và tốc độ tăng cũng nhanh hơn. Chỉ cần trần vài phiên là đã lãi mấy chục phần trăm rồi”, anh Phương cho biết.
Khi được hỏi vì sao vẫn đầu tư vào những mã cổ phiếu mà kết quả kinh doanh rất yếu kém, thậm chí thê thảm, anh Phương cho hay, nhiều nhà đầu tư như anh hiện không xếp kết quả kinh doanh là yếu tố hàng đầu bởi dịch Covid-19 bùng phát triền miên hai năm nay khó có thể doanh nghiệp nào làm ăn có lãi. Đây là tình trạng chung. Trong khi đó, bản thân anh cũng như nhiều nhà đầu tư có tiền nhưng gửi ngân hàng thì lãi suất thấp nên đành “đổ” vào chứng khoán.
“Có rất nhiều người như chúng tôi, có chút tiền và cứ thế đổ vào chứng khoán thì giá cổ phiếu lên là hiển nhiên”, anh nói. Nhà đầu tư này cũng cho biết, anh không có ý định đầu tư lâu dài, nhất là vào những mã cổ phiếu nhỏ tăng “nóng” như vừa qua mà chỉ “lướt sóng”.
“Phải bám bảng liên tục, lãi mức độ nào đó là rút chứ không nên tham quá. Vì những cổ phiếu này một khi quay đầu là tiền cũng đi luôn”, nhà đầu tư này nói.
Nhiều công ty chứng khoán cũng đã cảnh báo dòng tiền đầu cơ tăng nóng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo mới đây cho biết, nhịp tăng trưởng của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã có dấu hiệu chốt lãi, nhà đầu tư cần cẩn trọng.
Công ty này cũng khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu cẩn trọng hơn, kết hợp với một kỳ hạn đầu tư dài hơn để giảm thiểu rủi ro biến động thị trường trong ngắn hạn.
Thông tin với PV Báo Giao thông, một đại diện của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan này vẫn thường xuyên theo dõi, thanh kiểm tra trên thị trường, khi phát hiện sai phạm sẽ kịp thời xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong 10 tháng đầu năm, Ủy ban Chứng khoán đã ban hành 308 quyết định xử phạt, với tổng số tiền xử phạt 12,5 tỷ đồng.
Thông tin về công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng và tổ chức kiểm toán được chấp thuận, Bộ Tài chính ngày 9/12 cũng cho biết từ đầu năm đến 30/11/2021 đã ban hành 462 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt 19,15 tỷ đồng.